Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang nói chung, huyện Na Hang nói riêng, có không ít thương binh, liệt sĩ, gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Điển hình như ông Ma Phúc Khanh, sinh năm 1953, trú tại xã Năng Khả (huyện Na Hang).
Thường xuyên chăm sóc, giúp đỡ người có công
Giai đoạn 1972-1976, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông Khanh cùng đồng đội lên đường tham gia quân tình nguyện Việt Nam tại Lào. Trong trận chiến tại Cánh đồng Chum-Xiêng Khoảng, ông bị nhiễm chất độc da cam-dioxin.
Sau khi trở về Việt Nam năm 1986, với “vốn liếng” là những kiến thức từng học khi còn là bộ đội tăng thiết giáp, ông mở 1 gian hàng sửa chữa thiết bị điện. Gọi là “gian hàng”, nhưng thực chất chỉ là 1 bộ bàn ghế cũ cùng vài dụng cụ giản đơn, dựng bên ngoài căn nhà gỗ căng vải bạt tứ phía của 2 vợ chồng ông.
Vợ chồng ông Ma Phúc Khanh có 4 người con nhưng hầu hết đều đi làm xa nhà. Trong đó, ngoài người con trai bị khuyết tật do di chứng của chất độc da cam-dioxin, ông bà Khanh còn 1 con trai làm giáo viên ở huyện Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang), 1 con gái làm doanh nghiệp ở tỉnh Hòa Bình. Cô con gái “gần” gia đình nhất cũng làm việc tại xã vùng cao Hồng Thái (huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang), mỗi lần về nhà thăm cha mẹ cũng mất hơn 2 giờ vượt núi rừng quanh co, hiểm trở.
Cả đời lo lắng cho các con, cho nên căn nhà tạm bợ của vợ chồng ông Ma Phúc Khanh đến nay vẫn lụp xụp, cũ kỹ như xưa. Những năm gần đây, để có thêm thu nhập, vợ ông còn phải lặn lội xuống Thủ đô để giúp việc cho các gia đình trẻ. Gia đình ông Khanh hằng năm vẫn được công nhận là “Gia đình văn hóa” tiêu biểu.
Cách đó không xa, tại xã Phúc Yên (huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang), là nơi ở của vợ chồng ông Lý Văn Lưu. Năm 1980, khi vừa tròn 20 tuổi, ông Lưu từ biệt gia đình, lên chiến trường Hà Tuyên-Hà Giang bảo vệ đất nước.
Trong trận đánh ở Mèo Vạc năm 1984, dù bị trọng thương ở tay trái, chấn thương xương sườn, mất 1/3 chân trái… với tổng thương tật 2/4, ông vẫn kiên cường, dũng cảm chiến đấu và tiếp tục phục vụ trong quân ngũ tới năm 1987 mới trở về địa phương. Mỗi khi trái gió trở trời, những vết thương năm xưa lại hành hạ ông ngay cả trong giấc ngủ. Việc sức khỏe không tốt cũng đã khiến ông bị tai biến mạch máu não cách đây không lâu.
Thế nhưng, từ khi phục viên đến nay, ông Lý Văn Lưu luôn là tấm gương sáng cho con cháu, gia đình, bà con lối xóm. Các con ông người là giáo viên, người đang phấn đấu để được đứng vào hàng ngũ của Đảng, đều cống hiến tích cực cho địa phương, cộng đồng.
Nắm bắt được những hoàn cảnh nêu trên, nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2022), những ngày trung tuần tháng 7, Đoàn công tác của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh do đồng chí Nguyễn Minh Triết, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam, đã đến thăm hỏi, trao quà tặng gia đình ông Ma Phúc Khanh và Lý Văn Lưu.
Qua đây, đồng chí Nguyễn Minh Triết đề nghị tổ chức Đoàn các cấp ở địa phương cần đặc biệt quan tâm hỗ trợ gia đình chính sách, người có công không chỉ trong dịp kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, mà còn thường xuyên dành thời gian thăm hỏi, chăm sóc, giúp đỡ thương bệnh binh để cuộc sống bớt khó khăn, thiếu thốn.
Hỗ trợ theo hướng thiết thực, cụ thể
Vừa qua, cùng với tuổi trẻ cả nước, đoàn công tác của Đoàn Khối Doanh nghiệp Trung ương do đồng chí Nguyễn Long Hải, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối, làm Trưởng đoàn, đến dâng hoa, thắp hương tại Nghĩa trang quốc gia Đường 9, Thành cổ Quảng Trị và Nhà tưởng niệm cố Tổng Bí thư Lê Duẩn.
Trong khuôn khổ hành trình, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam lần lượt trao biển hỗ trợ 20 và 55 “nhà nhân ái” tặng Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Trị với tổng giá trị 3 tỷ 750 triệu đồng.
Những căn “ nhà tình nghĩa” nêu trên là tấm lòng tri ân sâu sắc hướng tới các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, cựu thanh niên xung phong có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Dịp này, Đoàn Khối doanh nghiệp Trung ương đã tổ chức các hoạt động an sinh xã hội như: thăm, trao quà tặng các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; khởi công xây dựng “Ngôi nhà yêu thương”; thăm, trao quà tặng Trung tâm Điều dưỡng người có công và bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Trị… với tổng kinh phí gần 300 triệu đồng.
Được biết, tối cùng ngày, đoàn công tác tổ chức thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, khép lại 1 hành trình về nguồn với ý nghĩa sâu sắc nhằm tri ân những cống hiến, hy sinh cao cả, anh dũng của các thế hệ đi trước cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Qua đó, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, nâng cao ý thức, trách nhiệm của tuổi trẻ nói chung, Khối Doanh nghiệp Trung ương nói riêng trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.