Hầu như tuần nào mình cũng nấu các món ăn Việt để cả nhà cùng thưởng thức”. Trong căn bếp của chị Linda Báo, có đủ các loại gia vị, thực phẩm Việt từ nước tương, nước mắm, tương ớt, các loại mắm ruốc, mắm nêm… tới các loại hải sản như tôm, cá…; thậm chí có cả trái cây thanh long, vải thiều. Ngay cả quần áo thời trang, chị Linda Báo cũng ưu tiên hàng Việt.
Tại siêu thị Woolworths (Australia), bà Đường Hải Yến (52 tuổi) chọn mua hộp cà-phê Việt Nam được chế biến từ các loại nông sản như khoai môn, dừa, đậu xanh… Nếm thử ly cà-phê nông sản ấm nóng, hương vị quê nhà ngọt thơm, bà Yến cho biết: Mỗi lần có dịp về thăm Việt Nam, bà lại xách lỉnh kỉnh nào cà-phê, nước mắm, gia vị… khi trở lại Australia. “Nhưng gần đây, chỉ cần đến siêu thị gần nhà, tôi đã có thể mua đủ các loại thực phẩm Việt Nam vô cùng thuận lợi. Dù xa quê hương nhưng vẫn có thể uống cà-phê Việt, ăn món Việt… làm tôi phần nào vơi đi nỗi nhớ nhà” - bà Yến tâm sự.
Sinh sống ở Malaysia hơn 30 năm, Chủ tịch Hội Hữu nghị Malaysia-Việt Nam Trần Thị Chang luôn ưu tiên chọn thực phẩm Việt trong đời sống hằng ngày. “Ở Malaysia có nhiều cửa hàng tạp hóa do người Việt Nam buôn bán, trong đó, đều là các sản phẩm Việt nhập khẩu chính ngạch. Mùa nào trái nấy, đủ các loại nông sản như xoài, bưởi, quả bơ…, tôm cá của Việt Nam đầy ắp, chỉ cần gọi điện thoại được giao tận nhà”, bà Chang nói.
Không chỉ ủng hộ hàng Việt Nam nơi xứ người, kiều bào còn trở thành “kênh” hỗ trợ rất nhiều doanh nghiệp trong nước xuất khẩu hàng hóa ra thế giới. Giám đốc Công ty TNHH Liên kết Thương mại Toàn Cầu Nguyễn Ngọc Luận cho biết: Trong những năm qua, công ty đã đưa hàng chục loại cà-phê trái cây được chế biến từ khoai môn, dừa, đậu xanh…, và gần đây là các loại trái cây sang Mỹ, Australia...
Tuy nhiên, việc xuất khẩu ban đầu không hề dễ dàng. “Ban đầu chúng tôi chọn đối tác phân phối là người bản địa tại các nước. Là những nhà phân phối lớn nhưng họ không quan tâm thương hiệu Việt Nam cho nên dù mất nhiều chi phí quảng bá nhưng chúng tôi vẫn thất bại. Sau đó, chúng tôi chuyển hướng, hợp tác với các doanh nghiệp của Việt kiều ở nước sở tại. Đến nay, 80% số đối tác tại nước ngoài của công ty là doanh nghiệp của kiều bào, việc hợp tác phân phối hàng hóa rất thuận lợi” - ông Luận nói.
Chủ tịch Hội Doanh nhân người Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Đình Phú cho biết: Hiện nay, tại Mỹ đang có hơn năm triệu Việt kiều đang sinh sống. Đây là cơ hội lớn để hàng Việt thâm nhập. “Hội Doanh nhân người Việt Nam tại Mỹ cam kết hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam về các hoạt động xúc tiến thương mại và cầu nối thị trường; hỗ trợ thông tin về các quy định luật pháp để tránh trở thành mục tiêu áp dụng các biện pháp phòng hộ thương mại của Hoa Kỳ, nhất là vấn đề nguồn gốc, xuất xứ, cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã, gia nhập vào chuỗi cung ứng hàng hóa, nhất là các mặt hàng nguyên liệu trung gian cho sản xuất công nghệ cao phục vụ doanh nghiệp công nghệ cao tại bang California… Hội cũng sẽ hỗ trợ kết nối, hợp tác với chính quyền bang và thành phố trọng điểm của Hoa Kỳ, tăng cường kết nối với các hiệp hội ngành hàng”, ông Phú nói.
Để gia tăng hiệu quả tiêu thụ hàng Việt Nam, các tham tán thương mại Việt Nam tại Mỹ, Australia, Nhật Bản… cho rằng: Các doanh nghiệp có thể tận dụng khai thác các khu vực đông người gốc Việt và người gốc Á sinh sống, có kế hoạch đưa hàng vào hệ thống phân phối của người gốc Việt… Bên cạnh đó, việc tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại như hội chợ cũng là một giải pháp hiệu quả.
“Các doanh nghiệp Việt Nam nên tích cực tham gia các hội chợ quốc tế để tiếp cận thị trường, thu thập thông tin thị trường, giới thiệu chào hàng với các nhà mua hàng quốc tế. Nếu không có điều kiện tham gia trực tiếp, các doanh nghiệp có thể gửi thông tin đến thương vụ để được hỗ trợ chào hàng. Thương vụ rất mong muốn hợp tác với các doanh nghiệp có tâm huyết để cùng nhau xây dựng thương hiệu sản phẩm Việt Nam”-Tham tán Thương mại, Phó Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Australia Nguyễn Phú Hòa cho biết.
Ở thị trường Hàn Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam-Hàn Quốc (VKBIA) Trần Hải Linh cho rằng: Doanh nghiệp muốn bán hàng vào những thị trường khó tính này, trước tiên phải đáp ứng các tiêu chuẩn của họ. VKBIA mong muốn thành lập trung tâm xúc tiến hàng hóa xuất khẩu Việt Nam tại Hàn Quốc để đẩy mạnh phối hợp với các tập đoàn phân phối lớn của Hàn Quốc và doanh nghiệp của người Việt Nam tại đây nhằm giới thiệu thêm nhiều mặt hàng thế mạnh của Việt Nam đến thị trường Hàn Quốc.
Tại hội nghị Vai trò của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Ủy ban Về người Việt Nam tại nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức mới đây, Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hồ Hải đề nghị: Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài thành phố, các hội đoàn doanh nhân về người Việt Nam ở nước ngoài tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời nắm bắt thông tin, tìm kiếm cơ hội xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài; đặc biệt, ở các nước có đông người Việt Nam sinh sống.
“Cần nhận diện rõ hơn về xu hướng tiêu dùng ở thị trường các nước phát triển, sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam và tranh thủ, tận dụng nhiều hơn nữa các cam kết đưa hàng Việt lên các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới”-ông Hải lưu ý.