Phát huy nguồn lực ngư dân trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản và đa dạng sinh học biển

NDO - Ngày 6/11, tại Đà Nẵng, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp cùng Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Đà Nẵng, Trung tâm Xây dựng và Thúc đẩy phát triển bền vững (BUS) tổ chức hội thảo thúc đẩy sự tham gia cộng đồng ngư dân trong công tác nghiên cứu bảo vệ nguồn lợi thủy sản và đa dạng sinh học biển
0:00 / 0:00
0:00
Đại biểu trình bày tại Hội thảo.
Đại biểu trình bày tại Hội thảo.

Tại hội thảo, các đại biểu đã đưa ra hiện trạng đa dạng sinh học biển vùng Nam Trung Bộ cũng như ở Đà Nẵng; cùng một số vấn đề liên quan đến nghiên cứu, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và đa dạng sinh học.

Hiện nay, số lượng các nghiên cứu về điều tra tổng quan hiện trạng đa dạng sinh vật vùng ven biển Đà Nẵng vẫn còn hạn chế. Các nghiên cứu chủ yếu đều do Viện Hải dương Nha Trang thực hiện vào năm 2005 cho toàn bộ khu vực vùng biển Đà Nẵng và Viện Sinh thái Miền Nam (2017) chỉ tập trung nghiên cứu ở vùng Bán đảo Sơn Trà. Bên cạnh đó, có một số đề tài nghiên cứu riêng lẻ khác nhưng chỉ tập trung đối với một số thành phần loài cố định.

Qua đó có thể thấy rằng, cơ sở dữ liệu đa dạng sinh vật vùng ven biển Đà Nẵng ghi nhận hiện nay đã khá cũ, khu vực nghiên cứu mang tính cục bộ và dữ liệu nằm rải rác trong nhiều báo cáo khác nhau. Do đó, dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý và hỗ trợ đưa ra quyết định cho chính quyền địa phương.

Việc xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học biển hiện nay đòi hỏi cần thời gian điều tra, khảo sát dài, có tính liên tục và chi phí thực hiện cao. Trong bối cảnh hiện nay tại thành phố Đà Nẵng, nguồn nhân lực và ngân sách phục vụ cho hoạt động điều tra, khảo sát tài nguyên sinh vật biển đang rất hạn chế.

Trên thực tế, nhiều địa phương đã huy động cộng đồng cũng như lực lượng ngư dân - những người trực tiếp tham gia vào các hoạt động khai thác trên biển để hỗ trợ xây dựng cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học biển và bảo tồn vùng biển.

Phát huy nguồn lực ngư dân trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản và đa dạng sinh học biển ảnh 1

Tổ khai thác kết hợp bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại phường Thanh Khê Đông thực hiện dọn vệ sinh nguồn nước sông Phú Lộc.

Tại Đà Nẵng, Chi cục Thủy sản thành phố đã thành lập 4 tổ khai thác kết hợp bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại 4 khu vực ven biển: phường Mân Thái, Thọ Quang (quận Sơn Trà); phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu) và phường Thanh Khê Đông (quận Thanh Khê). Các tổ có nhiệm vụ kết hợp khai thác và tuần tra bảo vệ nguồn lợi thủy sản, qua đó đã kịp thời báo cáo trên nhiều nguồn tin về các hành vi vi phạm đến nguồn lợi thủy sản, nguồn lợi san hô và hệ sinh thái tại các khu vực biển.

Hay mô hình giám sát rác thải biển dựa vào nguồn lực sinh viên Trường đại học Sư phạm Đà Nẵng. Qua đó, giúp đơn vị có được những số liệu thực tế, nâng cao trách nhiệm phục vụ cộng đồng của các trường đại học.

Tại Quảng Nam, đã duy trì sự tham gia của cộng đồng trong thiết lập và vận hành Khu bảo tồn biển, Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm; hay sử dụng ảnh vệ tinh Landsat kết hợp khảo sát thực địa để đánh giá sự thay đổi lớp phủ san hô sống ven bờ đảo Cù Lao Chàm.

Vì vậy, Hội thảo cũng là dịp để giúp các địa phương có những định hướng sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực ngư dân này. Đây là nguồn lực hỗ trợ hiệu quả trong việc thu thập dữ liệu đa dạng sinh vật, có thể đóng góp giá trị trong việc cung cấp cơ sở dữ liệu quy mô rộng với chi phí tiết kiệm hơn so với các hình thức nghiên cứu khoa học truyền thống.

Đồng thời, các đại biểu cũng thảo luận, đề xuất các giải pháp với góc nhìn đa chiều từ các nhà quản lý, nhà khoa học, các tổ chức và cộng đồng ngư dân về phát huy hiệu quả cũng như thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh vật.