Phát huy hiệu quả, tiềm năng, thế mạnh nghề nuôi tôm nước lợ

NDO - Diện tích nuôi tôm trên cả nước ta hiện đạt 737.000ha, trong đó tôm sú 622.000ha, tôm thẻ 115.000ha. Năm 2023, sản lượng tôm các loại ước đạt 1.065 nghìn tấn; trong đó, tôm sú 300 nghìn tấn, tôm thẻ chân trắng 765 nghìn tấn. Kim ngạch xuất khẩu đạt từ 4-4,3 tỷ USD...
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu dự, chủ trì hội nghị. Ảnh: TRỌNG DUY.
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu dự, chủ trì hội nghị. Ảnh: TRỌNG DUY.

Ngày 23/2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển tôm nước lợ năm 2024. Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều, chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị có đại diện Văn phòng Chính phủ; đại diện một số bộ, ngành ở Trung ương và Ủy ban nhân dân 28 tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương...

Phát huy hiệu quả, tiềm năng, thế mạnh nghề nuôi tôm nước lợ ảnh 1

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều phát biểu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: TRỌNG DUY.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết, tỉnh hiện có trên 140 nghìn ha nuôi trồng thủy sản và là một trong số 3 tỉnh, thành có diện tích và sản lượng nuôi tôm đứng đầu cả nước. Sản lượng hằng năm của Bạc Liêu đóng góp từ 20-21% tổng sản lượng tôm nuôi toàn quốc.

Trong năm 2023, Bạc Liêu có trên 132 nghìn ha thả nuôi tôm. Riêng đối với mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao, toàn tỉnh đã có 25 tổ chức và trên 800 cá nhân đang đầu tư nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao với diện tích gần 5 nghìn ha và có nhiều mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao hàng đầu cả nước, có thứ hạng cao trong khu vực Đông Nam Á...

Diện tích nuôi tôm đạt 737.000ha (tôm sú 622.000ha, tôm thẻ 115.000ha). Sản lượng tôm các loại ước đạt 1.065 nghìn tấn; trong đó, tôm sú 300 nghìn tấn, tôm thẻ chân trắng 765 nghìn tấn. Kim ngạch xuất khẩu đạt từ 4-4,3 tỷ USD.

Theo Cục Thủy sản, năm 2024, nhu cầu tôm bố mẹ trong cả nước cần khoảng 260.000-270.000 con (tôm thẻ chân trắng 200.000-210.000; tôm sú 60.000 con); tôm giống khoảng 140-150 tỷ con (trong đó, tôm thẻ chân trắng 100-110 tỷ con và tôm sú 30-40 tỷ con).

Phát huy hiệu quả, tiềm năng, thế mạnh nghề nuôi tôm nước lợ ảnh 2

Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến phát biểu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: TRỌNG DUY.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Việt Nam cho biết, năm 2023, Việt Nam đứng Top 12 doanh nghiệp xuất khẩu chiếm gần 50% kim ngạch xuất khẩu của ngành tôm; xuất khẩu tôm sang 100 thị trường so với 102 thị trường cùng kỳ năm 2022.

Tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương và đơn vị, doanh nghiệp đã có nhiều tham luận, trao đổi, đánh giá kết quả sản xuất, những thuận lợi, khó khăn, thách thức của hoạt động sản xuất, nuôi tôm nước lợ và bàn các giải pháp nâng cao chất lượng tôm giống, tôm thương phẩm; bảo vệ môi trường, xây dựng các vùng nuôi, cơ sở an toàn dịch bệnh, nhất là các vấn đề về liên kết, chế biến tôm nhằm giảm giá thành sản xuất. Các địa phương cũng có kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ phát triển ngành tôm.

Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đã ghi nhận và biểu dương các địa phương đã nỗ lực vượt qua những khó khăn, trở ngại để hoàn thành các mục tiêu sản xuất và xuất khẩu tôm nước lợ trong năm qua.

Phát huy hiệu quả, tiềm năng, thế mạnh nghề nuôi tôm nước lợ ảnh 3

Nhiều đại biểu đại diện các địa phương, đơn vị dự hội nghị. Ảnh: TRỌNG DUY.

Đồng thời, Thứ trưởng đánh giá cao tỉnh Bạc Liêu trong tổ chức và lãnh đạo các địa phương đã có những chia sẻ gắn liền với thực tế phát triển tôm nước lợ của tỉnh; các đơn vị, doanh nghiệp cũng đã nêu bật lên những thuận lợi, khó khăn trong quá trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ tôm. Đồng thời cũng đưa ra những đề xuất, kiến nghị về việc nâng cao hơn nữa năng lực chế biến, đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới.

Để nâng cao hơn nữa giá trị từ con tôm và định hướng phát triển ngành tôm bền vững, các địa phương chú ý đến sự liên kết trong chuỗi sản phẩm từ giống, sản xuất đến tiêu thụ. Theo đó, các địa phương, nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần chú ý đến việc xây dựng chất lượng nguồn giống đạt chất lượng cao để chủ động trong sản xuất và giảm chi phí trong quá trình nuôi và hạn chế dịch bệnh, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.