Con tôm “ôm” gốc đước

Ở Cà Mau hiện có loại hình nuôi tôm “thuận thiên” bằng cách thả tôm giống dưới tán rừng ngập mặn để chúng tự lớn cho đến ngày thu hoạch. Cách này gọi là nuôi “tôm-rừng”, hay người dân gọi vui là “con tôm ôm gốc đước”. Con tôm nuôi dưới tán rừng là nông sản sạch, đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của hầu hết các đối tác nhập khẩu.
0:00 / 0:00
0:00
Một khu vực nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng ngập mặn thuộc xã Viên An, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.
Một khu vực nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng ngập mặn thuộc xã Viên An, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.

Tôm nuôi dưới tán rừng hiện phát triển phổ biến tại các huyện Ngọc Hiển, Năm Căn, Đầm Dơi, Phú Tân. Đây là bốn trong sáu huyện ven biển của tỉnh Cà Mau với hệ sinh thái mặn hầu như quanh năm, được bao bọc bởi thảm xanh bạt ngàn của cây rừng hệ mặn, phổ biến là các loại cây mắm, đước, bần, sú, vẹt... Dưới những tán rừng là không gian để nhiều loài thủy sản như tôm, cua, cá, vọp, ốc len... sinh sống tự nhiên.

Tận dụng đặc điểm tự nhiên ấy, nông dân chọn tôm giống loại tốt về thả nuôi, để chúng tự lớn lên. Hơn 30 năm qua, gia đình ông Trần Minh Trí ở ấp Tắc Biển, xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển sống khoẻ với 15 ha nuôi tôm dưới tán rừng. Tuy năng suất không cao nhưng chi phí nuôi tôm-rừng thấp, chỉ mua con giống, cải tạo đầm nuôi, sử dụng vi sinh gây màu nước và ít rủi ro.

“Tôm-rừng thực chất là nuôi quảng canh theo cách tự nhiên, ít can thiệp, miễn sao có tỷ lệ rừng che phủ từ 40-60% là được. Ngoài con tôm, mặt nước dưới tán rừng còn nuôi sò huyết, cua, cá..., tổng thu mỗi năm từ 15ha đạt khoảng 400-700 triệu đồng. Khi rừng đủ tuổi khai thác, gia đình tôi còn có khoản thu không nhỏ từ cây rừng”, ông Trí chia sẻ.

Ông Lý Văn Tiến có 4 ha nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng trong chuỗi dự án của Tập đoàn Minh Phú cho biết, khi tham gia trong chuỗi liên kết tôm sinh thái với doanh nghiệp, cần thực hiện thêm một số điều kiện cần thiết, như: Phải xử lý nước bằng men vi sinh đạt chuẩn; gia đình không nuôi gia súc, gia cầm gây ô nhiễm; không cho nhà cầu, chuồng nuôi gia súc… tồn tại trên sông; các hộ nuôi tôm phải ghi nhật ký và bán tôm đúng nơi chỉ định. Con tôm dưới tán rừng được công nhận là tôm sinh thái, được bao tiêu với giá cao hơn thị trường từ 5-10% và luôn được khách hàng ưu tiên mua.

Theo Chi cục trưởng Kiểm lâm Cà Mau Lê Văn Hải, nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng ở Cà Mau được đánh giá là một trong nhiều phương thức canh tác bền vững. Rừng giúp khôi phục và cân bằng hệ sinh vật trong nguồn nước dưới tán rừng, cung cấp thức ăn tự nhiên và tạo bóng râm để tôm trú ngụ. Người nuôi tôm phải trồng rừng, bảo đảm tỷ lệ che phủ của rừng trên diện tích nuôi theo quy định. Sự kết hợp hài hòa giữa tôm và rừng không chỉ tạo sinh kế bền vững cho người dân mà còn giữ được trạng thái cân bằng của môi trường tự nhiên, góp phần phát triển rừng tại các khu vực ven biển.

Hơn 20 năm trước, một dự án nuôi tôm sinh thái kết hợp bảo vệ và phát triển rừng do Đại sứ quán Thụy Sĩ tài trợ đã được triển khai tại Lâm Ngư trường 184 (nay thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ngọc Hiển). Không lâu sau, tôm sinh thái nơi đây được cấp giấy chứng nhận quốc tế. Từ đó đến nay, tôm sinh thái Cà Mau được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Diện tích vùng nuôi cũng được mở rộng, đến nay lên tới hàng chục nghìn héc-ta.

Chỉ riêng huyện Ngọc Hiển, hiện có hơn 53.000 ha nuôi tôm dưới tán rừng ngập mặn; trong số đó, khoảng 49% diện tích đang triển khai nuôi tôm sinh thái, tập trung ở các xã Viên An, Viên An Ðông, Ðất Mũi... Hiện nay, tổng diện tích tôm sinh thái đã được công nhận của toàn huyện Ngọc Hiển hơn 15.000 ha (hơn 3.200 hộ) và của toàn tỉnh Cà Mau khoảng 25.000 ha (gần 4.500 hộ nuôi), tổng sản lượng khoảng hơn 10.000 tấn/năm…

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ngọc Hiển Trần Hoàng Lạc, huyện đã ban hành nhiều chương trình hành động, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để những người giữ rừng phát triển thủy sản bền vững, trong đó có mô hình nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng. Địa phương còn hỗ trợ, giúp nông dân liên kết với nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản lớn trong tỉnh để triển khai mô hình nuôi tôm sinh thái đạt chuẩn quốc tế. Người dân được tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật, quy trình nuôi. Ngoài con tôm, hướng tới sẽ còn có thêm nhiều loài thủy sản khác dưới tán rừng được công nhận là sản phẩm sạch, sản phẩm sinh thái...

Tỉnh Cà Mau hiện có gần 280.000 ha nuôi tôm, chiếm khoảng 45% diện tích nuôi tôm của khu vực đồng bằng sông Cửu Long và khoảng 40% diện tích nuôi tôm nước lợ của cả nước. Tôm Cà Mau đã xuất khẩu đến 90 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới… Ngành tôm chi phối đời sống của khoảng hơn 50% dân số tỉnh Cà Mau (khoảng 600.000 người), liên quan đến việc làm của hơn 350.000 lao động, trong đó, tham gia trực tiếp nuôi tôm khoảng 300.000 người.

Tôm sinh thái dưới tán rừng tuy chưa chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu thủy sản của tỉnh, nhưng đây là mặt hàng đặc thù của Cà Mau và cả nước. “Nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng thúc đẩy liên kết sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị xuất khẩu gắn với xây dựng thương hiệu và truy xuất nguồn gốc tôm nuôi, phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh trong nông nghiệp mà Cà Mau và nhiều tỉnh châu thổ Cửu Long đang hướng đến”, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau Phan Hoàng Vũ nhìn nhận.