Nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa hữu cơ

Cà Mau có diện tích nuôi tôm lớn nhất cả nước với nhiều sản phẩm đặc thù. Ngoài sản phẩm chủ lực là tôm sú, tỉnh đang nỗ lực xây dựng thương hiệu chất lượng cao đối với tôm càng xanh được nuôi xen canh trong những cánh đồng lúa hữu cơ.
0:00 / 0:00
0:00
Khu vực nuôi tôm càng xanh trên đồng lúa hữu cơ của xã Trí Lực, huyện Thới Bình.
Khu vực nuôi tôm càng xanh trên đồng lúa hữu cơ của xã Trí Lực, huyện Thới Bình.

Sống khỏe với “con tôm ôm gốc lúa”

Những ngày qua, nông dân xã Trí Lực tất bật thu hoạch trà lúa trên đất nuôi tôm. Niềm vui nhân lên bội phần khi doanh nghiệp trong chuỗi liên kết sản xuất vào tận ruộng thu mua lúa ST24, ST25 với giá từ 9.000-9.800 đồng/kg.

Ðưa chúng tôi ra khu vực canh tác hơn 7 ha của gia đình, bà Văn Ngọc Diện, thành viên Hợp tác xã lúa-tôm Trí Lực (ấp 5, xã Trí Lực) cho hay, dưới mặt nước ruộng lúa vừa thu hoạch hiện còn khoảng 2 tấn tôm càng xanh toàn đực, sắp đến lứa thu hoạch để chuyển sang vụ nuôi tôm. Với giá bán tôm càng khoảng 80.000 đồng/kg thì vụ lúa-tôm này bà thu về cả lúa (hơn 30 tấn ST24) và tôm không dưới 450 triệu đồng, sau khi trừ các chi phí còn lời khoảng 300 triệu đồng.

Trực tiếp ra thăm đồng ngay khi vừa thu hoạch xong vụ lúa, Giám đốc Hợp tác xã lúa-tôm Trí Lực Lê Văn Mưa cho biết, toàn bộ 50 ha đất canh tác lúa-tôm của đơn vị đều gắn với chuỗi liên kết đầu vào và bao tiêu đầu ra, đã được công nhận lúa hữu cơ chuẩn EU, Mỹ, Nhật. “Con tôm sú nuôi trong ruộng lúa hữu cơ cũng được cấp chứng nhận ASC. Hiện xã viên đang phấn đấu để không lâu nữa, con tôm càng xanh cũng được cấp chứng nhận tôm hữu cơ như tôm sú và lúa”, ông Mưa cho biết.

Nhờ ứng dụng tốt khoa học-kỹ thuật vào sản xuất mà vừa qua, luân canh lúa -tôm của nhà nông xã Trí Lực cho kết quả khả quan. Tại Hợp tác xã lúa-tôm Trí Lực, hơn 1 năm nay, các xã viên còn áp dụng nuôi tôm càng xanh rải vụ trong cánh đồng lúa. Như trường hợp gia đình ông Mưa có hơn 8 ha đất nuôi tôm, trong đó có hơn 5,5 ha đất mặt trảng (phần đất cao hơn mực nước) trồng xen canh vụ lúa vào những tháng mùa mưa.

Vào những tháng mùa nước mặn, ông nuôi tôm sú kết hợp nuôi cua. Riêng tôm càng xanh nuôi được 3 vụ trong năm. Ông Mưa chia sẻ: “Ruộng nhà tôi có đồ bán quanh năm. Nội vụ lúa, tôi thu về mỗi năm không dưới 30 tấn ST24, ST25, quy ra tiền không dưới 250 triệu đồng. Vụ cua ít nhất cũng 150 triệu đồng; tôm sú từ 250 triệu đồng; 3 vụ tôm càng sản lượng khoảng 6 tấn, tầm 450 triệu đồng. Trừ chi phí, trung bình gia đình tôi còn lời từ 600-700 triệu đồng”.

Luân canh lúa-tôm được nhà nông xã Trí Lực thực hiện trong nhiều năm qua. Toàn xã có hơn 3.500 ha đất canh tác thì gần 3.000 ha chuyên canh mô hình này; trong đó, nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa có hơn 2.300 ha. “Nhờ đẩy mạnh liên kết “4 nhà” mà đến nay, diện tích nuôi tôm sú của xã được chứng nhận theo chuẩn quốc tế ASC hơn 1.000 ha và 119 ha lúa được chứng nhận hữu cơ Organic, giá bán cao hơn giá thị trường khoảng 1.000 đồng/kg”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Trí Lực Hà Minh Sữa cho biết.

Xây dựng, phát triển chuỗi liên kết

Huyện Thới Bình nằm ở phía bắc tỉnh Cà Mau, là vùng chuyên canh lúa-tôm lớn nhất tỉnh với hơn 20.000 ha, trong đó gần 19.000 ha thả nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa. Do thủy lợi chưa khép kín cho nên nguồn nước phục vụ vùng chuyên canh mặn-ngọt theo mùa là 6 tháng nước mặn và 6 tháng nước lợ (độ mặn thấp, chỉ khoảng 5%0). Dựa vào điều kiện tự nhiên ấy, những năm qua, chính quyền và ngành chức năng huyện đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật, khuyến cáo nhà nông thực hiện luân canh lúa-tôm và nuôi thủy sản kết hợp.

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nguyễn Văn Phúc, không giống với vùng có nước mặn quanh năm để chuyên canh thủy sản, đồng đất Thới Bình canh tác được vụ lúa vào mùa mưa kết hợp nuôi tôm càng xanh. Những tháng còn lại có độ mặn cao, nhà nông nuôi tôm sú, cua biển, tôm càng xanh. Thay vì chỉ nuôi vào những tháng mùa mưa, 2 năm gần đây, ngành chức năng huyện khuyến cáo nhà nông nuôi tôm càng xanh rải vụ theo cách thức 2 giai đoạn và nuôi được cả những tháng mùa nước mặn, năng suất trung bình từ 220-250 kg/ha, mang lại nguồn thu nhập bình quân từ 30-40 triệu đồng/ha/năm, góp phần cải thiện thu nhập cho nhà nông.

Hướng đến mục tiêu xây dựng chỉ dẫn địa lý “Tôm càng xanh Thới Bình-Cà Mau”, năm 2023, trong gần 19.000 ha nuôi tôm càng xanh của huyện có gần 5.900 ha sản xuất theo quy trình nuôi tôm sạch. Trong số này có hơn 1.800 ha nuôi tôm liên kết với doanh nghiệp để xây dựng vùng nuôi đạt chứng nhận quốc tế.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thới Bình Lý Minh Vững cho biết: Nuôi tôm càng xanh theo quy trình nuôi tôm sạch chỉ cho tôm ăn thêm ngô, gạo lứt, không dùng thức ăn công nghiệp. Việc xen canh lúa-tôm càng xanh còn hạn chế được sử dụng phân, thuốc hóa học, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, giá bán cho cả lúa hữu cơ và tôm càng xanh. Thách thức lớn nhất đối với nông hộ nuôi tôm càng xanh hiện nay là chưa hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ đại trà mà chủ yếu bán qua thương lái cho nên sản phẩm có giá trị gia tăng chưa cao.

Bên cạnh đó, trong hệ thống canh tác lúa-tôm càng xanh, phần lớn nông dân sản xuất theo quy mô hộ gia đình, nhỏ lẻ. Từ đó dẫn đến khó khăn, như: Giống, thức ăn, phân bón phải mua qua đại lý, khó kiểm soát về giá thành, chất lượng… và khi bán sản phẩm thông qua thương lái không ký hợp đồng dễ bị ép giá, giảm thu nhập.

Thấy rõ những bất cập, hạn chế nêu trên, huyện Thới Bình đang tập trung nhiều giải pháp khắc phục, nhằm ổn định sinh kế và thu nhập bền vững cho nhà nông. Cùng với chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, huyện đang tăng cường hướng dẫn nhà nông ứng dụng các quy trình nuôi tôm càng xanh theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng hữu cơ để nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo nên những sản phẩm đặc thù.

Ðồng thời, huyện hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết thông qua xây dựng vùng nuôi tôm nguyên liệu, trong đó đẩy mạnh vai trò hợp tác giữa các hợp tác xã lúa - tôm với doanh nghiệp sản xuất giống, chế biến, tiêu thụ nhằm giảm rủi ro thấp nhất cho người nuôi tôm.