Phát huy hiệu quả sau đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Sìn Hồ

NDO -

Những năm gần đây, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Sìn Hồ đã và đang phát huy được hiệu quả. Đồng bào các dân tộc trong huyện đã từng bước thay đổi nhận thức, thay đổi phương thức sản xuất, chuyển dần từ sản xuất nhỏ lẻ tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa theo hướng dịch vụ có giá trị kinh tế cao; từ đó, góp phần nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện.

Các học viên học nghề được tham gia trực tiếp vào mô hình thực tế trồng cây lê ở xã Tả Ngảo. Trong ảnh: Học viên tham gia đào hố, chuẩn bị đất trồng cây lê.
Các học viên học nghề được tham gia trực tiếp vào mô hình thực tế trồng cây lê ở xã Tả Ngảo. Trong ảnh: Học viên tham gia đào hố, chuẩn bị đất trồng cây lê.

Xác định đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những giải pháp giảm nghèo bền vững, huyện Sìn Hồ luôn quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số về việc học nghề, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất.

Đồng thời, chú trọng việc tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm dưới nhiều hình thức nhằm giúp người lao động lựa chọn được ngành nghề phù hợp. 

Với đặc điểm địa hình, khí hậu, huyện Sìn Hồ có thế mạnh phát triển các loại cây ăn quả ôn đới, cây dược liệu ở các xã vùng cao; nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ thủy điện Sơn La ở các xã vùng thấp.

Dựa vào các thế mạnh này, cùng với việc tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, quy hoạch vùng sản xuất, huyện Sìn Hỗ đã định hướng được các ngành, nghề phù hợp vùng miền cho người dân.

Quá trình đào tạo nghề gắn với các chính sách hỗ trợ cây, con giống; hỗ trợ nông nghiệp của tỉnh và định hướng phát triển của huyện. Do đó, người lao động địa phương đã đáp ứng được nhu cầu cho quá trình hình thành các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với bao tiêu sản phẩm của huyện, như: vùng trồng chè, vùng phát triển cây sơn tra, vùng dược liệu, vùng nuôi trồng thủy sản… 

Phát huy hiệu quả sau đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Sìn Hồ -0

Người dân xã Xà Dề Phìn thu hoạch đương quy.

Chị Giàng Thị Hoa, bản Thà Giàng Chải, xã Tả Ngảo, huyện Sìn Hồ cho biết, năm 2018, chị được tham gia lớp học nghề trồng cây dược liệu. Trong quá trình học, chị Hoa đã nắm được kỹ thuật và cách chăm sóc cây đương quy. Sau khi học xong, chị Hoa áp dụng những kiến thức mình được học để trồng cây đương quy tại gia đình.

Theo chị Hoa, trồng cây đương quy có năng suất cao hơn trồng lúa, ngô từ 5-7 lần. Cây cũng đang mang lại thu nhập ổn định và giúp gia đình chị thoát nghèo. Hiện, ở bản có nhiều hộ cũng trồng đương quy, những người này đã từng tham gia cùng lớp học nghề với chị và hầu hết phát huy được kiến thức đã học vào thực tế…

Tham gia vào mô hình phát triển cây ăn quả ôn đới của huyện gắn với thị trường, anh Sình A Sài, một người dân khác của bản Thà Giàng Chải, xã Tả Ngảo được tham gia lớp đào tạo nghề trồng cây ăn quả.

Tại lớp học này, anh Sài được học những kiến thức kỹ năng cơ bản về trồng và chăm sóc cây lê. Đây là loại cây ăn quả đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân ở một số xã vùng cao khác của huyện Sìn Hồ và đang được huyện quan tâm mở rộng diện tích.

Thông qua lớp học, anh Sài đã đã tự tin hơn và bắt đầu chuyển đổi diện tích vườn nhà sang trồng lê với số lượng lên đến hàng trăm cây. Anh Sài cho biết, vẫn đang tiếp tục mở rộng diện tích và tự tin, cây lê sẽ đem lại thành công, giúp gia đình anh có bước phát triển mới về kinh tế.

Theo số liệu thống kê, năm 2019, riêng Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Sìn Hồ đã mở 17 lớp đào tạo nghệ cho 510 lượt lào động là con em đồng bào người bản địa.

Ngoài ra, tỉnh còn liên kết các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác, như: Trường cao đẳng nghề Cơ điện, Xây dựng Việt Xô; Trường cao đẳng Cộng đồng Lai Châu… mở các đào tạo trung cấp kỹ thuật xây dựng, trung cấp trồng trọt và bảo vệ thực vật cho huyện… qua đó, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo, bồi dưỡng của huyện lên hơn 50%.

Theo một đánh giá khác, trong số 900 lao động nông thôn được đào tạo nghề của huyện trong năm 2019, có hơn 700 học viên có việc làm, phát huy được kiến thức nghề sau đào tạo.

Theo nhận định của ông Đồng Văn Liệt, Chủ tịch UBND huyện Sìn Hồ, những năm trước, công tác đào nghề cho lao động nông thôn ở huyện Sìn Hồ chưa mang lại hiệu quả thiết thực, người học nghề xong phần lớn chưa áp dụng được kiến thức đã học vào thực tế sản xuất.

Lý do là việc đào tạo chưa gắn được với thực tế, quy hoạch phát triển vùng miền… Vài năm trở lại đây, từ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về các mô hình chăn nuôi, trồng trọt gắn với quy hoạch vùng, sắp xếp lại găn với lợi thế địa phương và nhu cầu thị trường nên công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã phát huy được hiệu quả.

Người lao động sau khi trải qua các lớp đào tạo nghề đã phát huy được kiến thức về lĩnh vực mình đào tạo, biết cách làm ăn, tăng năng suất lao động, tạo việc làm tại chỗ hoặc tự tìm kiếm việc làm, nâng cao thu nhập cho gia đình. Nhờ đó, bà con có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững; góp phần giảm 5,57% tỷ lệ hộ nghèo bình quân hằng năm, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động của huyện, đưa huyện từng bước thực hiện có hiệu quả các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Cũng theo ông Liệt, thời gian tới, huyện Sìn Hồ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự chuyển biến trong nhận thức của các cấp, ngành và nhân dân về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác này nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập.

Cùng đó, làm tốt công tác rà soát, thống kê, xây dựng kế hoạch nhu cầu đào tạo của người dân; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, nhân rộng các mô hình tiên tiến mang lại hiệu quả…

img_3725.jpg -0
 Qua các lớp đào tạo nghề, người dân các xã vùng cao Sìn Hồ đã phát triển được diện tích lớn cây đương quy, một loại dược liệu quý có giá trị kinh tế cao.