Phát huy giá trị di tích chiến thắng B-52

Trong 12 ngày đêm chống lại trận tập kích đường không bằng siêu pháo đài bay B-52 của quân đội Mỹ, có 8 chiếc B-52 bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội. Những địa điểm máy bay B-52 rơi hay các trận địa xưa đều là nơi được ghi dấu chứng tích về một thời sôi nổi hào hùng, một số địa điểm được tôn tạo thành di tích.
0:00 / 0:00
0:00
Hồ Hữu Tiệp (phường Ngọc Hà, quận Ba Ðình), nơi có xác chiếc máy bay B-52 bị bắn rơi, được chính quyền, nhân dân địa phương tôn tạo khang trang, sạch đẹp.
Hồ Hữu Tiệp (phường Ngọc Hà, quận Ba Ðình), nơi có xác chiếc máy bay B-52 bị bắn rơi, được chính quyền, nhân dân địa phương tôn tạo khang trang, sạch đẹp.

Sáng Chủ nhật 25/12, khu vực hồ Hữu Tiệp (phường Ngọc Hà, quận Ba Ðình) - nơi có xác chiếc máy bay B-52 duy nhất rơi tại khu vực nội thành Hà Nội - trở nên tấp nập. Nhân dân trong phường Ngọc Hà đón những anh bộ đội tên lửa của Tiểu đoàn 72 - Trung đoàn 285 (Sư đoàn 363, Quân chủng Phòng không-Không quân) 50 năm trước đã bắn rơi chiếc máy bay B-52. Trong không khí phấn khởi chào mừng 50 năm chiến thắng “Hà Nội - Ðiện Biên Phủ trên không”, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Văn Chắt, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 285 đã kể lại câu chuyện đêm 27/12/1972: “Việc đánh B-52 rất khó, vì địch tổ chức nhiều tầng bảo vệ bằng các loại máy bay tầng cao, tầng thấp khác nhau.

Trước khi máy bay B-52 bay vào, các máy bay khác đã đi đánh phá, dọn đường. Bản thân chiếc máy bay B-52 cũng có những thiết bị gây nhiễu cực mạnh. Nhưng ta đã chủ động nghiên cứu kỹ cách đánh B-52 và được cấp tài liệu. Trước khi vào trận đánh, chúng tôi đã bàn bạc rất kỹ về cách đánh”. Ðêm 27/12, khi phát hiện có B-52, đơn vị ông đã chọn đón đánh “tốp 491”. Ông Chắt cho biết, có một “thời điểm vàng” khiến B-52 dễ bị phát hiện và tổn thương là khi các máy bay hộ tống tách ra để nó chuẩn bị thả bom. Các chiến sĩ Tiểu đoàn 75 đã chọn đúng thời điểm khi B-52 lộ mặt, kiểm tra tới 3 lần trước khi điểm hỏa. Phải sang ngày hôm sau, các chiến sĩ mới biết chiếc máy bay B-52 mà họ bắn cháy đã rơi tại hồ Hữu Tiệp, được Ðại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp đến thăm hiện trường.

Làng Ngọc Hà từ lâu đã không còn trồng hoa, nhưng bao quanh hồ Hữu Tiệp những ngày này là rực rỡ sắc hoa do người dân đóng góp tôn tạo. Xác chiếc máy bay B-52 và hồ Hữu Tiệp đã được Ủy ban nhân dân quận Ba Ðình đầu tư tu bổ nhằm bảo quản lâu dài. Ngay bên hồ là triển lãm “50 năm chiến thắng “Hà Nội-Ðiện Biên Phủ trên không”, quận Ba Ðình viết tiếp trang sử vàng”. Triển lãm trưng bày các hình ảnh, tư liệu với các nội dung: Chủ trương và quyết tâm chiến lược của Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; âm mưu và tội ác của đế quốc Mỹ; Hà Nội chiến đấu và chiến thắng; nhận định và đánh giá của các nước trên thế giới về chiến dịch “Ðiện Biên Phủ trên không”. Ngoài ra, bên hồ Hữu Tiệp còn có triển lãm 28 bức tranh của các em học sinh trên địa bàn quận Ba Ðình tham gia cuộc thi vẽ kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Hà Nội-Ðiện Biên Phủ trên không”. Thăm lại chứng tích chiến công xưa, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Văn Chắt chia sẻ: “Hôm nay có mặt ở Ngọc Hà sau 50 năm, tôi rất xúc động khi xác chiếc máy bay ngày ấy vẫn được chính quyền, nhân dân địa phương gìn giữ, ghi dấu một thời bom đạn, một thời chiến đấu anh dũng của quân và dân ta”.

Trong cuộc chiến 12 ngày đêm ấy, ngoài chiếc máy bay rơi ở hồ Hữu Tiệp, còn có 7 chiếc máy bay B-52 khác rơi trên bầu trời Hà Nội. Chiếc máy bay B-52 đầu tiên bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội đúng ngày đầu tiên của chiến dịch (tối 18/12) do Tiểu đoàn 59, Trung đoàn Tên lửa 261 ở trận địa Cổ Loa (huyện Ðông Anh) bắn rơi. Xác máy bay rơi ở cánh đồng Chuôm, xã Phù Lỗ (Sóc Sơn). Những địa điểm lưu dấu máy bay B-52 rơi khác gồm: thôn Ðại Ðịnh, xã Tam Hưng (huyện Thanh Oai); thôn Yên Thường, xã Yên Thường (Gia Lâm); thôn Mai Trang, xã Vạn Thắng (Ba Vì); cánh đồng Trầm, thôn Xuân Tảo, xã Xuân Giang (Sóc Sơn). Ðịa bàn huyện Thanh Trì có hai chiếc B-52 rơi xuống. Nơi hai chiếc máy bay rơi bây giờ thuộc địa bàn phường Ðịnh Công và Tương Mai (quận Hoàng Mai). Ngoài những địa điểm máy bay B-52 rơi, nhiều trận địa xưa góp phần vào chiến công anh dũng của quân dân ta mùa đông 1972 đều được chính quyền, nhân dân địa phương dựng bia, dựng tượng đài ghi lại chứng tích chiến tranh. Trong đó các địa điểm: cánh đồng Chuôm ở Sóc Sơn, phường Ðịnh Công, hay tại phường Bạch Ðằng (nơi Liên đội tự vệ Hoàn Kiếm-Hai Bà Trưng đặt trận địa bắn rơi máy bay F-111A)… thường xuyên được tôn tạo, tổ chức các đoàn tham quan, trở thành nơi giáo dục truyền thống đánh giặc giữ nước của quân và dân Thủ đô nói riêng, quân dân Việt Nam nói chung.