Phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Đình Đầm Hà

NDO - Ngày 10/11/2023, lễ hội Đình Đầm Hà, huyện Đầm Hà (Quảng Ninh) đã được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh Lễ cáo trạng trong Lễ hội Đình Đầm Hà, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh.
Quang cảnh Lễ cáo trạng trong Lễ hội Đình Đầm Hà, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh.

Đây là niềm vinh dự lớn và cũng là trách nhiệm của các cấp chính quyền và nhân dân huyện Đầm Hà trong việc bảo tồn, duy trì, phát huy di sản văn hóa truyền thống; khơi dậy lòng yêu quê hương, đất nước, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội và du lịch của địa phương ngày càng phát triển.

Theo các tư liệu lịch sử, Đình Đầm Hà khởi đầu được xây dựng vào khoảng thế kỷ 17, đến giữa thế kỷ 19, Đình bị giặc đốt phá cùng với chùa Đầm Hà và đến cuối thế kỷ 19, dân làng xây dựng lại ngôi đình ở vị trí hiện nay.

Đình Đầm Hà hiện đang thờ các vị thần gồm: Không Lộ chi thần; Giác Hải chi thần; Quý Minh chi thần; Thái Lệ linh ứng chi thần; Đại Càn Quốc gia Nam Hải Tứ vị thượng đẳng thần. Ngoài các vị thần trên, nhân dân còn phối thờ Lý Thường Kiệt, 12 vị tiên nhân của dòng họ Hoàng, dòng họ Phan sinh sống lâu năm ở vùng đất Đầm Hà và 15 vị hậu thần đã đóng góp điền sản xây dựng Đình Đầm Hà.

Lễ hội Đình Đầm Hà xưa được tổ chức trong 6 ngày 5 đêm, từ 15 đến 20 tháng Giêng âm lịch hằng năm. Ngoài các nghi thức rước, tế Thành hoàng như bao lễ hội khác, lễ hội Đình Đầm Hà có nhiều nét độc đáo riêng biệt, đó là: Lễ rước 17 mâm cỗ chay trước khi rước Thành hoàng; lễ dừng kiệu xin rút ngắn ngày tổ chức lễ hội trong lúc đi rước Thành hoàng, nếu năm đó không tổ chức đủ 6 ngày như thường lệ; nghi thức chạy cờ xung quanh đình, miếu trong lúc rước; lễ dừng kiệu hát mừng trong lúc rước Thành hoàng về đình kết hợp các điệu múa trong lúc tế…

Người dân Đầm Hà dù làm ăn sinh sống ở xa hay ở Đầm Hà khi học hành đỗ đạt dù bận mấy cũng về dự lễ cáo trạng trong ngày hội đình. Đây là hình thức khuyến học, khuyến tài được dân làng Đầm Hà quy định trong lệ làng từ rất sớm. Nay vẫn được người dân Đầm Hà tiếp tục gìn giữ, phát huy.

Ngôi đình vừa là nghi thức bắt buộc của các chức sắc quan viên xưa, vừa là hoạt động ẩm thực trong lễ hội truyền thống Đình Đầm Hà diễn ra trong các buổi tối từ 16 đến 19 tháng Giêng; hát cửa đình, múa dâng hương, múa đội đèn, xướng đào mừng Thành hoàng về dự hội đình diễn ra trong suốt thời gian lễ hội.

Trong tối 19/2, chỉ dành riêng cho hát, múa cửa đình, được dân làng thể hiện thâu đêm đến sáng và kết thúc bằng điệu múa bông-múa tống Thần vào sáng ngày cuối cùng của lễ hội, trước khi rước Thành hoàng trở về miếu.

Đình Đầm Hà và các ngôi miếu thờ Thành hoàng làng có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống tâm linh của nhân dân huyện Đầm Hà.

Đây không chỉ là trung tâm sinh hoạt văn hóa tâm linh mà còn là nơi lưu giữ và trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng làng xã. Thông qua việc thờ cúng các vị thần, Thành hoàng và thực hiện các lễ nghi tín ngưỡng, nhân dân Đầm Hà hiểu rõ về nhân vật đang thờ, giáo dục truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc, đạo lý uống nước, nhớ nguồn, nâng cao lòng tự hào dân tộc, củng cố niềm tin thiêng liêng vào các vị thần, tăng cường ý thức cộng đồng, tạo thêm sức mạnh để chiến thắng thiên nhiên, chiến thắng kẻ thù, xây dựng và bảo vệ quê hương, làng xã ngày càng phát triển.