Tổng Thanh tra Chính phủ:

Phát hiện nhiều sai phạm đặc biệt nghiêm trọng qua thanh tra đột xuất

NDO - Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, trong thời gian qua, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành nhiều cuộc thanh tra đột xuất, quy mô lớn, qua đó phát hiện nhiều vụ việc sai phạm nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, từ đó kiến nghị xử lý và chuyển cơ quan điều tra để xử lý theo pháp luật.
0:00 / 0:00
0:00
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Triển khai thanh tra khẩn trương, trách nhiệm

Trong phiên chất vấn của Quốc hội sáng 5/11 về lĩnh vực thanh tra, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết kết quả hoạt động thanh tra đột xuất liên quan các vụ việc tham nhũng trong ngành thanh tra.

Trả lời đại biểu về việc chỉ đạo thanh tra đột xuất, phòng, chống tham nhũng, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nêu rõ, công tác thanh tra đột xuất được thực hiện theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và thực hiện đúng quy định của luật, theo đúng chức năng, nhiệm vụ.

Căn cứ vào chỉ đạo, trong thời gian vừa qua, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành nhiều cuộc thanh tra đột xuất, quy mô lớn, phức tạp, từ đó phát hiện nhiều sai phạm nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, Tổng Thanh tra Chính phủ thông tin.

Qua kết quả thanh tra đã kiến nghị xử lý và chuyển cơ quan điều tra để xử lý theo pháp luật, cũng như chuyển nhiều hồ sơ sai phạm của cán bộ sang Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xử lý theo thẩm quyền.

Trong đó, có vụ việc cổ phần hóa cảng Quy Nhơn, AVG, dự án nhiệt điện Thái Bình 2, Gang thép Thái Nguyên, vụ thuốc ung thư tại Công ty cổ phần VN Pharma và các dự án đất đai liên quan đến Phan Văn Anh Vũ, việc sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, trang thiết bị vật tư, sinh phẩm, kit, vaccine xét nghiệm…

Phát hiện nhiều sai phạm đặc biệt nghiêm trọng qua thanh tra đột xuất ảnh 1

Quang cảnh phiên chất vấn của Quốc hội về lĩnh vực thanh tra sáng 5/11. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

“Các cuộc thanh tra đột xuất này đều được tiến hành với tinh thần khẩn trương và trách nhiệm cao nhất để kết luận và báo cáo Ban Chỉ đạo, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét”, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nói.

Liên quan chất vấn của đại biểu Dương Khắc Mai (Đăk Nông) về tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát còn thấp, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, đây là một trong những nhiệm vụ khó khăn, vướng mắc, phức tạp nên luôn được sự quan tâm lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, tháng 6/2021, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 04 về tăng cường thu hồi tài sản tham nhũng và tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã thực hiện tốt công tác này, tỷ lệ thu hồi năm sau cao hơn năm trước.

9 tháng đầu năm 2022, đã thanh tra 5.586 kết luận thanh tra, thu hồi trên 1.000 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 60%, cao gấp đôi năm 2021; xử lý trên 1.700 tổ chức và hơn 4.800 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 76 vụ với 93 đối tượng; thi hành án hơn 1.800 vụ với trên 15 nghìn tỷ đồng , tăng hơn 11.800 tỷ đồng và tăng 290% so năm 2021.

Kết quả, 9 tháng đầu năm 2022, thanh tra đã tiến hành đôn đốc, thanh tra 5.586 kết luận thanh tra, qua đó thu hồi trên 1.000 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 60% và gấp đôi so với năm 2021. Bên cạnh đó, xử lý trên 1.700 tổ chức và hơn 4.800 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 76 vụ với 93 đối tượng. Khoảng hơn 1.800 vụ đã thi hành án với hơn 15 nghìn tỷ đồng trên tổng số 2.700 vụ với trên 43 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 11.800 tỷ đồng và tăng 290% so năm 2021.

Tuy nhiên, Tổng Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ, tỷ lệ thu hồi tham nhũng vẫn còn thấp. Do đó, thời gian tới, Thanh tra Chính phủ sẽ tập trung các giải pháp khắc phục, trong đó hoàn thiện quy định pháp luật về thu hồi tài sản tham nhũng; tăng cường xử lý sau thanh tra, thi hành án về thu hồi tài sản tham nhũng.

Trong quá trình điều tra và phát hiện dấu hiệu tội phạm, chủ động có biện pháp kê biên, phong tỏa, tạm giữ tài sản để bảo đảm xử lý sau thanh tra, thi hành án, kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình thu hồi; tăng cường hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp để thu hồi tài sản tham nhũng với các vụ việc có yếu tố nước ngoài.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nói về kết quả thực hiện thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát. (Video: Truyền hình Quốc hội)

Triệt để xử lý tình trạng tham nhũng vặt

Đặt vấn đề chất vấn tại hội trường, đại biểu Quốc hội Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) đề cập tình trạng tiêu cực, tham nhũng trong thực hiện các thủ tục hành chính đang có xu hướng gia tăng mạnh, nhất là trong quan hệ giao dịch, lĩnh vực xây dựng, đất đai, kinh doanh. Hiện tượng tham nhũng vặt đã và đang làm xói mòn lòng tin của người dân. Tuy nhiên, những công cụ kiểm soát hành chính như kiểm tra, thanh tra, giám sát hiện nay chưa đủ điều kiện để kịp thời phát hiện và xử lý.

Trước chất vấn của đại biểu đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết giải pháp nào để thúc đẩy phát hiện và xử lý tình trạng tham nhũng, tiêu cực này một cách hiệu quả nhất trong thời gian tới, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong thẳng thắn thừa nhận qua thanh tra, các cơ quan chức năng nhận thấy có thực trạng nhũng nhiễu, phiền hà trong giải quyết công vụ, trong đó có cả cán bộ lĩnh vực thanh tra.

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, còn tình trạng cố tình kéo dài thời gian trả lời người dân, trả lời chung chung, khiến người dân phải đi lại nhiều lần, thậm chí có tình trạng vòi vĩnh bằng nhiều cách thức khác nhau để vụ lợi cá nhân.

Phát hiện nhiều sai phạm đặc biệt nghiêm trọng qua thanh tra đột xuất ảnh 2

Các đại biểu tham dự phiên chất vấn của Quốc hội sáng 5/11. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Để giải quyết tình trạng này, Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng cần phải đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tránh gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, hạn chế tình trạng “giấy phép con”.

Về chất lượng đội ngũ, đạo đức công vụ, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, thời gian qua có một số trường hợp còn xảy ra vi phạm. Tới đây, sẽ có quy định cụ thể về những việc cán bộ thanh tra không được làm, không bỏ lọt, bỏ sót đối tượng vi phạm để chuyển cơ quan điều tra.

Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, sẽ có quy chế tổ chức hoạt động các đoàn thanh tra, đồng thời đề nghị các bộ, ngành, địa phương, toàn thể người dân phối hợp giám sát để hạn chế tình trạng vi phạm trong hoạt động thanh tra.

Về việc phòng chống tham nhũng trong các đoàn thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh, cần thực hiện đồng bộ các biện pháp để nêu cao đạo đức công vụ, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức ngành thanh tra, các thành viên trong các đoàn thanh tra.

Phát hiện nhiều sai phạm đặc biệt nghiêm trọng qua thanh tra đột xuất ảnh 3

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Liên quan xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra, kiểm toán, Tổng Thanh tra Chính phủ nêu rõ, các cơ quan thanh tra, kiểm toán thời gian qua đã phối hợp với nhau để ban hành quy chế phối hợp triển khai, xử lý chồng chéo từ khâu xây dựng kế hoạch thanh tra cũng như tổ chức thực hiện thanh tra.

Trong quá trình tổ chức thanh tra nếu phát hiện ra chồng chéo thì giữa 2 cơ quan có sự bàn bạc, trường hợp không xử lý được sẽ báo cáo Tổng Thanh tra Chính phủ và Tổng Kiểm toán nhà nước để trực tiếp trao đổi, thống nhất xử lý.

Tổng Thanh tra Chính phủ cũng cho biết thêm, trong thời gian tới sẽ sửa đổi Luật Thanh tra để có quy định về xử lý chồng chéo, đồng thời Thanh tra Chính phủ sẽ phối hợp với bộ, ngành, địa phương xây dựng cơ sở dữ liệu về các cuộc thanh tra, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc theo dõi, phát hiện và xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra.

Về lâu dài, Thanh tra Chính phủ sẽ kiến nghị cấp có thẩm quyền nghiên cứu hoàn thiện pháp luật về thanh tra, kiểm toán theo hướng quy định rõ hơn về chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị để không xảy ra chồng chéo.