Nguy cơ từ các hình thức giao dịch phi truyền thống
Đại biểu Thái Thị An Chung (đoàn Nghệ An) cho rằng: Cùng với ngân hàng, bất động sản là lĩnh vực có nguy cơ cao bị tội phạm rửa tiền tấn công. Thực tế cho thấy, việc thanh toán bằng tiền mặt đối với các giao dịch bất động sản tại Việt Nam khá phổ biến. Giao dịch không qua sàn giao dịch chiếm số lượng lớn và giá trị các giao dịch cao…
Đại biểu Thái Thị An Chung nêu rõ: Việc quy định và thực thi các quy định về phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản là hết sức cần thiết, không chỉ để thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế, mà còn góp phần quan trọng vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Để hoàn thiện các quy định về phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản, vị đại biểu này đề nghị bổ sung đối tượng báo cáo, được quy định tại khoản 2 Điều 4 với hoạt động tổ chức đấu giá tài sản. Bởi đấu giá là hình thức mua bán tài sản phổ biến, nhiều năm gần đây, hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất diễn ra rất sôi động; nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất chiếm tỷ trọng lớn trong thu ngân sách ở nhiều địa phương, do đó, cũng cần phải giám sát chặt chẽ dòng tiền tham gia đấu giá. Đồng thời, bổ sung các dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, được quy định tại Điều 33 của dự thảo Luật với khách hàng thực hiện nhiều giao dịch trở lên trong một ngày, khách hàng mua bán nhiều bất động sản trở lên trong một lần. Bổ sung trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan triển khai các biện pháp phòng, chống rửa tiền. Đặc biệt, cần sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản theo hướng quy định các giao dịch bất động sản phải thực hiện thanh toán qua hệ thống ngân hàng là hết sức cần thiết để chống thất thu thuế, chống rửa tiền, và minh bạch thị trường bất động sản.
Ngoài lĩnh vực bất động sản, các đại biểu Quốc hội cũng dành sự quan tâm đến hoạt động giao dịch tiền ảo qua hình thức online. Một số ý kiến cho rằng, ngoài giao dịch bằng tiền mặt, bằng vàng hoặc ngoại tệ tiền mặt được Nhà nước công nhận, thì thực tế còn có các hoạt động liên quan đến tiền ảo. Giao dịch trên nền tảng trực tuyến đang rất phổ biến, song lại chưa được kiểm soát.
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, bổ sung quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền đối với tiền ảo, tài sản ảo để kịp thời ngăn chặn các hành vi rửa tiền được thực hiện với các hình thức và phương thức nêu trên. Cụ thể, cần đưa hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán, nền tảng công nghệ số, cung ứng dịch vụ liên quan đến tiền điện tử, kỹ thuật số, tiền ảo, tài sản ảo vào Điều 4 dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), quy định về hoạt động mà các tổ chức tài chính có thể thực hiện cùng các khái niệm về các hoạt động nêu trên.
Dự báo thời gian tới, cùng với tốc độ hội nhập quốc tế, các giao dịch tiền ảo sẽ phát triển và trở thành điều kiện thuận lợi cho các hành vi rửa tiền dưới nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi. Do đó, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (đoàn Thừa Thiên Huế) đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm cụm từ "hoặc các giao dịch khác" vào sau cụm từ "ngoại tệ tiền mặt"…
Bảo đảm tính thống nhất, tránh chồng chéo
Đối với khái niệm rửa tiền, đại biểu Lê Xuân Thân (đoàn Khánh Hòa) đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu Điều 324 của Bộ luật Hình sự hiện hành để có sự tương thích về khái niệm rửa tiền giữa Bộ luật Hình sự và Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi). Theo đại biểu, trong Bộ luật Hình sự, khái niệm rửa tiền đã được chỉ rõ khi cơ quan chức năng khởi tố bị can; bị cáo và người phạm tội đã được xác định và đối với người chấp hành án (có nghĩa là có dấu hiệu rõ ràng). Còn với khái niệm "đáng ngờ", đại biểu cho rằng nên mở rộng ra những đối tượng liên quan có dấu hiệu phạm tội trước khi có quyết định khởi tố bị can của cơ quan pháp luật để bảo đảm không để lọt tội phạm, góp phần đấu tranh phòng, chống tệ nạn rửa tiền tốt hơn.
Nhấn mạnh việc sửa đổi Luật là yêu cầu cấp bách hiện nay nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động phòng, chống rửa tiền, đại biểu K' Nhiễu (đoàn Lâm Đồng) đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp của luật; dự luật phải được xem xét đánh giá toàn diện trong hệ thống pháp luật, bảo đảm không chồng chéo với các quy định của các luật khác.
Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng báo cáo, làm rõ thêm một số vấn đề được các đại biểu quan tâm về: Các nội dung giao Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn tại dự thảo Luật. Đối tượng chủ thể báo cáo và tính khả thi trong việc quy định đối với các chủ thể đối tượng báo cáo là các tổ chức tài chính và phi tài chính. Dấu hiệu đáng ngờ và báo cáo giao dịch đáng ngờ. Vấn đề về trì hoãn giao dịch. Vấn đề hiệu quả thực thi chính sách. Nội dung liên quan đến việc cơ quan phòng, chống rửa tiền của Ngân hàng Nhà nước…
Qua thảo luận, đa số ý kiến nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền để thể chế hóa chủ trương của Đảng, khắc phục hạn chế của luật hiện hành, nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, phòng, chống tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, phù hợp các cam kết quốc tế. Việc sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền là một dấu mốc quan trọng để hoàn thiện cơ sở pháp lý nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền trong thời gian tới.