Ba điểm dừng chân của Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Stephane Sejourne trong chuyến công du lần này là Kenya, Rwanda và Cote d’Ivoire. Trong bài phát biểu tại Kenya, nhà ngoại giao Pháp nêu rõ, Paris đặt mục tiêu đổi mới quan hệ với châu Phi và xây dựng “những mối quan hệ đối tác cân bằng” có lợi cho châu lục này.
Theo đó, định hướng của Pháp trong quan hệ với các nước châu Phi là đổi mới và xây dựng mối quan hệ đối tác cân bằng, tôn trọng lẫn nhau, vì lợi ích của tất cả các nước. Ông Stephane Sejourne nhấn mạnh, Paris tin rằng châu Phi đang trên đường trở thành trung tâm văn hóa, kinh tế và ngoại giao để từ đó tạo nên một thế giới cân bằng.
Định hướng của Pháp trong quan hệ với các nước châu Phi là đổi mới và xây dựng mối quan hệ đối tác cân bằng, tôn trọng lẫn nhau, vì lợi ích của tất cả các nước.
Kenya là một cường quốc kinh tế ở Đông Phi mà Pháp thời gian qua tăng cường hiện diện thương mại. Với số lượng công ty Pháp hoạt động tại Kenya tăng từ khoảng 50 lên 140 trong một thập kỷ, Pháp mang đến 34.000 việc làm tại quốc gia châu Phi này. Tuy nhiên, theo truyền thông Pháp, cán cân thương mại giữa hai nước vẫn trong tình trạng mất cân bằng và cả hai đang tìm cách khắc phục vấn đề này.
Trong thời gian ông Stephane Sejourne dừng chân tại Rwanda, Pháp và Rwanda đã ký thỏa thuận về đối tác phát triển trị giá 400 triệu euro trong các lĩnh vực y tế, môi trường và giáo dục. Theo truyền thông Rwanda, hai bên cũng ký thỏa thuận về dịch vụ hàng không. Bộ trưởng Ngoại giao Rwanda Vincent Biruta nhận định, việc ký kết các thỏa thuận sẽ tạo dấu mốc mới trong mối quan hệ ngày càng phát triển giữa hai nước. Trong khi đó, Cote d’Ivoire cũng có quan hệ tích cực với Pháp. Hai nước đều là thành viên của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ và Liên hợp quốc.
Chuyến thăm các quốc gia châu Phi của nhà ngoại giao Pháp là bước tiếp nối những nỗ lực mà Chính phủ Pháp thúc đẩy lâu nay nhằm gia tăng vị thế tại châu Phi, một trong những khu vực ảnh hưởng truyền thống của Pháp. Đặc biệt, khu vực Tây Phi và vùng Sahel là nơi tập trung hầu hết các quốc gia từng là thuộc địa cũ của Pháp. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng nhiều lần nhấn mạnh, châu Phi là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của quốc gia châu Âu này.
Truyền thông Pháp cho rằng, quan hệ giữa nước này và các quốc gia châu Phi chững lại thời gian gần đây, với việc Paris ngày càng mất dần ảnh hưởng ở khu vực. Sau gần 10 năm tham chiến để chống khủng bố ở Mali, quân đội Pháp bị đánh giá là hoạt động không hiệu quả và phải chấm dứt hoạt động trong khi các nhóm khủng bố vẫn mở rộng địa bàn khắp khu vực.
Việc Pháp lần lượt rút quân khỏi Mali, Burkina Faso, Niger bị đánh giá là tác động tiêu cực đến sức ảnh hưởng của Pháp ở Lục địa Đen và uy tín trên trường quốc tế. Pháp cũng gặp một số trở ngại trong việc phát triển mối quan hệ với châu Phi do một số quốc gia vẫn mang tâm lý chống Pháp từ thời kỳ thực dân trước đây.
Trong khi đó, châu Phi đang chuyển mình mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực và là điểm đến trong rất nhiều chuyến công du của lãnh đạo các nước. Nhiều sự kiện lớn kết nối với châu Phi cũng được tổ chức. Việc Liên minh châu Phi (AU) tham gia Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) khẳng định vị thế ngày càng cao và tiềm năng hợp tác quốc tế mạnh mẽ của châu lục này. Châu Phi là thị trường hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nhờ nguồn nhân lực dồi dào và nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú.
Theo The New York Times, ông Edward Paice, Giám đốc Viện Nghiên cứu châu Phi ở Anh nhận định, châu Phi đang bước vào thời kỳ thay đổi đáng kinh ngạc. Trong bối cảnh Lục địa Đen ngày càng có sức hút với các quốc gia trên thế giới, chuyến công tác của Bộ trưởng Ngoại giao Pháp được ví như nỗ lực “không chậm chân” để kết nối Pháp với châu Phi thông qua chiến lược đổi mới, xây dựng lại quan hệ hợp tác giữa hai bên theo hướng cân bằng, bình đẳng và có lợi cho châu Phi.