Pháp cam kết hợp tác cân bằng với các nước châu Phi

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (E.Ma-crông) vừa có chuyến công du tới bốn nước châu Phi là Gabon, Angola, CH Congo và CHDC Congo. Diễn ra trong bối cảnh nhà lãnh đạo Pháp luôn khẳng định châu Phi là ưu tiên trong nhiệm kỳ thứ 2 của ông, chuyến thăm được cho là sẽ góp phần củng cố vị thế và vai trò của Pháp ở Lục địa đen, đồng thời tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực giữa Pháp với các quốc gia ở châu lục.
0:00 / 0:00
0:00
Tổng thống Pháp E.Macron thăm rừng ở Gabon. (Ảnh AP)
Tổng thống Pháp E.Macron thăm rừng ở Gabon. (Ảnh AP)

Một trong những vấn đề trọng tâm trong chuyến thăm châu Phi của người đứng đầu Điện Élisée lần này là các cuộc thảo luận liên quan chiến lược quân sự mới của Pháp ở châu lục, trong bối cảnh Tổng thống Macron tuyên bố sẽ giảm đáng kể sự hiện diện của quân đội Pháp tại châu Phi trong những tháng tới. Phát biểu trước cộng đồng người Pháp tại thủ đô Libreville của Gabon, Tổng thống Macron nêu rõ, việc thay đổi chính sách này không phải là rút quân hoặc ngừng hợp tác, mà là nhằm thích ứng đối với nhu cầu của đối tác. Thay vào đó, Pháp sẽ tập trung nhiều hơn vào công tác đào tạo và trang bị lực lượng cho các nước đối tác.

Thời gian qua, Pháp đã rút quân khỏi Mali, Burkina Faso và CH Trung Phi. Theo số liệu chính thức, hiện có hơn 3.000 binh sĩ Pháp đang được triển khai tại Senegal, Côte d’Ivoire, Gabon và Djibouti. Ngoài ra, còn có hơn 3.000 binh sĩ tại vùng Sahel ở Tây Phi, bao gồm Niger và Chad. Trước sự trỗi dậy ngày càng tăng của các nhóm thánh chiến, Tổng thống Macron kêu gọi thiết lập mối quan hệ đối tác an ninh thực sự giữa Pháp với các quốc gia trong khu vực. Theo nhà lãnh đạo Pháp, việc điều chuyển quân sẽ bắt đầu trong những tháng tới với việc giảm rõ rệt số lượng binh sĩ của Pháp và tăng quyền hạn của các đối tác châu Phi tại các căn cứ này. Việc tổ chức lại này không nhằm rút lui mà là để huy động các lực lượng tại chỗ. Tổng thống Macron cho biết, Pháp sẽ triển khai hoạt động huấn luyện và trang bị nhiều hơn, cũng như đồng hành với các binh sĩ địa phương phù hợp với nhu cầu của họ. Một số căn cứ quân sự sẽ trở thành học viện, trong khi những căn cứ khác sẽ trở thành các căn cứ đối tác. Ông cho biết thêm rằng, những đối tác châu Phi sẽ tăng cường hiện diện tại đây theo các mục tiêu của đối tác.

Các lĩnh vực hợp tác giữa Pháp và Gabon bao gồm chống cướp biển, khai thác vàng trái phép và buôn lậu dược phẩm trong khu vực do hoạt động khủng bố tại vùng Hồ Chad. Trong khi đó, tại hội nghị cấp cao về bảo vệ rừng "One Forest" ở Gabon, Tổng thống Macron cam kết dành 50 triệu euro cho các quốc gia thực hiện việc bảo vệ rừng và đa dạng sinh học. Số tiền này là một phần trong cam kết trị giá 100 triệu euro của các nước nhằm khởi động cơ chế thưởng cho các quốc gia chứng minh được về mặt khoa học là họ đã bảo vệ hoặc phục hồi rừng. Với sự hỗ trợ của nghiên cứu, cơ chế mới sẽ giúp nâng cao hiểu biết về giá trị của rừng thông qua việc lập bản đồ về các khu lưu trữ các-bon, đa dạng sinh học, mức các-bon thu được tại Amazon, châu Phi và châu Á. Ông Macron cho biết, cơ chế mới sẽ giải quyết được vấn đề thiếu công bằng hiện nay của chương trình tín chỉ các-bon, đó là các nước có rừng nguyên sinh như Gabon không được hưởng tiền bồi thường như các nước có rừng bị tàn phá và đang trồng mới.

Thừa nhận Pháp nằm trong số các cường quốc đang tranh giành ảnh hưởng ở châu Phi, nhưng Tổng thống Macron cam kết hợp tác với các quốc gia trên cơ sở bình đẳng. Nhà lãnh đạo Pháp nhấn mạnh, nước này cần xây dựng mối quan hệ mới cân bằng, tương hỗ và có trách nhiệm với các nước châu Phi. Tại cuộc họp báo chung với Tổng thống CHDC Congo, Tổng thống Macron khẳng định: "Chúng tôi muốn trở thành đối tác lâu dài".

Trong khi đó, tại thủ đô Luanda của Angola, Tổng thống Macron đã gọi quốc gia giàu dầu mỏ này là "đối tác chiến lược trong khu vực". Tổng thống Macron cũng chủ trì một diễn đàn kinh tế với sự tham dự của hơn 50 công ty Pháp. Tại đây, ông cho biết, trọng tâm của chuyến thăm là tăng cường quan hệ đối tác nông nghiệp với Angola. Đây là nỗ lực mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng với Angola trong bối cảnh Pháp từng có nhiều thập kỷ tham gia vào ngành công nghiệp dầu mỏ ở Angola, một trong những nhà sản xuất dầu thô hàng đầu châu Phi.