Pháp đối mặt nhiều khó khăn và thách thức

NDO - Tối 9/6, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đưa ra quyết định giải tán Quốc hội để bầu lại ngay sau khi biết đảng cựu hữu Tập hợp Quốc gia có số phiếu bầu gần gấp đôi đảng cầm quyền Phục hưng và liên minh trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu. Đây là một bước đi mạo hiểm vì diễn biến trong những ngày tới rất khó lường, có thể giành lại quyền kiểm soát tình hình hoặc phải chia sẻ quyền lực với đảng RN.
0:00 / 0:00
0:00
Hai vòng bầu cử Quốc hội mới tại Pháp dự kiến diễn ra vào ngày 30/6 và 7/7. (Ảnh: Le Monde)
Hai vòng bầu cử Quốc hội mới tại Pháp dự kiến diễn ra vào ngày 30/6 và 7/7. (Ảnh: Le Monde)

Kết quả bầu cử Nghị viện châu Âu tại Pháp đã tạo "cơn địa chấn" khi đảng cực hữu giành được tới 31,31,7% phiếu, tăng tới 8 điểm so với kỳ bầu cử năm 2019 và bỏ xa tỷ lệ 14,60% của đảng cầm quyền và liên minh. Cuộc bầu cử vừa qua khẳng định dự báo trước đó rằng phe cực hữu tiếp tục mạnh lên ở Pháp và một số nước châu Âu so với năm 2019.

Không có đa số tuyệt đối ở Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ 2 vào năm 2022, Tổng thống Emmanuel Macron liên tục bị cản trở trong việc điều hành đất nước. Kết quả bầu cử ngày 9/6 là giọt nước làm tràn ly. Tình thế vô cùng bất lợi như vậy buộc ông Emmanuel Macron phải có bước đi táo bạo khi tuyên bố giải tán Quốc hội để bầu lại vào ngày 30/6 và 7/7.

Quyết định này gây bất ngờ trong chính giới và công luận Pháp vì chưa khi nào một cuộc bầu cử ở cấp châu Âu lại trực tiếp tác động đến lịch bầu cử của nước này. Một số đảng phái cho rằng ba tuần là khoảng thời gian quá ngắn để để chuẩn bị lực lượng và vận động bầu cử.

Với quyết định dứt khoát như vậy, ông Emmanuel Macron buộc tất cả các đảng phái chính trị Pháp từ cực hữu đến cực tả và cả cử tri Pháp đối mặt với "trách nhiệm của chính mình". Đó là đưa ra quyết định "hợp lý" thông qua bầu cử Quốc hội mới nhằm tránh tiếp tục làm tê liệt đất nước trong ba năm cuối nhiệm kỳ tổng thống. Tổng thống Pháp bày tỏ "tin tưởng vào khả năng chọn lựa đúng đắn của người dân Pháp vì lợi ích của chính mình và của những thế hệ mai sau".

Vừa "trao trả" lại cho người dân quyền "bày tỏ nguyện vọng qua lá phiếu" để bầu lại 577 Nghị sĩ Quốc hội, Tổng thống Pháp đã đáp ứng nguyện vọng của cử tri, đó là sự thay đổi chính sách liên quan đến giáo dục, hưu trí hay y tế. Tuy nhiên, sẽ có nhiều thách thức trong cuộc bầu cử đột ngột như vậy.

Do thời gian quá ngắn, việc thành lập một danh sách các ứng cử viên ở mỗi đơn vị cử tri và tìm kiếm các mối liên kết với các đảng phái chính trị khác là chuyện không đơn giản vào thời điểm các đảng phải coi đây là "cơ hội" để có liên minh "đúng và trúng" nhằm cải thiện vị thế. Thủ tướng Gabriel Attal và các thành viên nội các cũng phải tức tốc vận động bầu cử.

Tiếp đó là việc tìm người để thành lập nội các và có đủ khả năng để tiếp nhận những hồ sơ nóng như bảo đảm an ninh cho Thế vận hội vào cuối tháng 7/2024 và làm dự luật ngân sách Nhà nước vào tháng 9 sắp tới.

Chủ tịch đảng cực hữu RN Jordan Bardella, 28 tuổi, dẫn đầu danh sách ra tranh cử Nghị viện châu Âu đã tuyên bố "sẵn sàng" ngồi vào chiếc ghế Thủ tướng "nếu được cử tri tín nhiệm".

Tuy nhiên, mục tiêu của RN không dễ đạt vì các đảng phái đều muốn thu hút cử tri để gây dựng lại vị thế và lâu nay "không ưa" quan điểm của đảng này. Cánh tả đã kêu gọi thành lập một liên minh ngăn chặn đảng cựu hữu lên nắm quyền.

Còn đối với Tổng thống Emmanuel Macron và đảng cầm quyền, liên minh đảng đối lập cánh tả NUPES (Liên minh Nhân dân mới vì sinh thái và xã hội) và đảng Xanh đã nhiều lần kiến nghị bất tín nhiệm đối với hai Thủ tướng Elisabeth Borne và Gabriel Attal. Đảng cánh hữu Những người Cộng hòa (LR) và ngay cả cánh trung của ông François Bayrou, người từng sát cánh với ông Emmanuel Macron, cũng nhiều lần phản đối đảng cầm quyền về dự luật tài chính, dự luật cải tổ chế độ hưu trí cũng như những chủ đề mang tính xã hội.

Trong hai năm vừa qua, đảng cầm quyền tại Quốc hội liên tục phải tìm liên kết mang tính "tình thế" vì không có đa số tuyệt đối. Nội các của Thủ tướng Élisabeth Borne và Gabriel Attal phải nhượng bộ các đối tác để có thể thông qua một số dự luật quan trọng vì không thể áp dụng quá nhiều lần điều 43 khoản 3 trong Hiến pháp (không cần đưa ra Quốc hội bỏ phiếu).

Những đòi hỏi "thay đổi chính trị" nhằm mang lại sức sống cho các khu vực công, đổi mới các định chế, chống biến đổi khí hậu, các bất công xã hội hay lạm phát tăng vọt, đã dẫn tới các đợt biểu tình phản đối chính phủ suốt mấy năm vừa qua. Thách thức tiếp nối thách thức đối với Tổng thống Emmanuel Macron và đảng cầm quyền.

Liệu cử tri có dồn phiếu cho đảng cầm quyền để đạt đa số tuyệt đối tại Quốc hội Tổng thống Emmanuel Macron sẽ điều hành đất nước như thế nào nếu đảng cựu hữu RN có được vị trí thủ tướng? Và đảng RN sẽ điều hành chính phủ thế nào với tinh thần bài ngoại, bài châu Âu?

Từ tối 9/6, nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra ở Paris và một số thành phố để phản đối đà tiến của đảng cực hữu RN. Còn các tổ chức công đoàn lớn không chỉ thể hiện quyết tâm ngăn chặn "mối nguy RN" mà còn đòi hỏi chính phủ xem xét lại cải cách như hưu trí và bảo hiểm thất nghiệp.

Nước Pháp đang đứng trước một thời kỳ bất định, đối mặt nhiều thách thức cả về đối nội và đối ngoại. Tình trạng tê liệt chính trị có sớm chấm dứt hay không vẫn là một ẩn số. Tất cả sẽ phụ thuộc vào kết quả bầu cử Quốc hội sắp tới.