Bầu cử Quốc hội Pháp: Cuộc đua khó đoán định

Sau quyết định đầy bất ngờ của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Ðất nước hình lục lăng chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử quốc hội được tổ chức sớm tới ba năm. Kể cả khi cuộc đua giữa các đảng đang ở giai đoạn nước rút, kết quả bỏ phiếu, cũng như diễn biến trên chính trường Pháp thời gian tới, vẫn khó đoán định.
0:00 / 0:00
0:00
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại Colleville-sur-Mer, Pháp, ngày 6/6/2024. Ảnh: AFP/TTXVN
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại Colleville-sur-Mer, Pháp, ngày 6/6/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) diễn ra đầu tháng 6 này, đảng Tập hợp quốc gia (RN) cực hữu bỏ xa đảng Phục hưng cầm quyền của Tổng thống Macron. Trước kết quả này, ông Macron tuyên bố giải tán Quốc hội Pháp và ấn định thời điểm tổ chức bầu cử cơ quan lập pháp mới. Trong thư gửi cử tri Pháp, ông Macron cho rằng, cuộc bầu cử thể hiện sự tôn trọng ý chí của người dân và cũng là lựa chọn khả thi duy nhất. Ðây không hẳn là quyết định nhất thời của ông chủ Ðiện Elysee. Ðảng Phục hưng cùng liên minh trước đó chỉ nắm giữ 250 ghế trong Quốc hội Pháp, chưa đủ để giữ thế đa số. Bởi vậy, trong hai năm qua, ông Macron đã gặp không ít khó khăn trong việc điều hành đất nước.

Cuộc đua vào Quốc hội Pháp gồm 577 ghế được tổ chức làm hai vòng. Vòng một sẽ diễn ra vào ngày 30/6 tới. Trong vòng đầu, ở mỗi đơn vị bầu cử, ứng cử viên giành được hơn 50% số phiếu ủng hộ sẽ chiến thắng và giành được một ghế trong quốc hội. Những đơn vị bầu cử không có ứng cử viên nào giành được đa số sẽ tổ chức bầu cử vòng hai vào ngày 7/7 tới. Ở vòng này, ứng cử viên nhận được nhiều phiếu ủng hộ nhất tại mỗi đơn vị bầu cử sẽ trở thành nghị sĩ quốc hội.

Các đảng tại Pháp chỉ có vài tuần để xây dựng và tiến hành chiến dịch tranh cử, cũng như thiết lập liên minh trước khi vòng một diễn ra. Các chương trình nghị sự và cam kết mà các đảng đưa ra nếu thắng cử đề cập một loạt vấn đề mà cử tri Pháp quan tâm, như chi phí sinh hoạt, bất bình đẳng xã hội, lạm phát, người nhập cư… Giới phân tích cho rằng, cuộc bầu cử gấp gáp này giống như một canh bạc rủi ro với ông Macron, bởi đây sẽ là phép thử với những chính sách mà Tổng thống Macron và đảng Phục hưng theo đuổi bấy lâu nay.

Khi cuộc bầu cử sắp tới gần, giới phân tích đưa ra một số kịch bản. Giành được thế đa số tại quốc hội là điều mà các đảng tại Pháp đều mong muốn. Ðiều này sẽ cho phép đảng giành chiến thắng tiến hành các chương trình nghị sự mà không cần sự ủng hộ từ các đảng khác. Liên minh của đảng Phục hưng nếu giành được thế đa số sẽ đem lại nhiều thuận lợi cho Tổng thống Macron trong ba năm cuối nhiệm kỳ.

Ông Macron cũng có thể chỉ định Thủ tướng đương nhiệm Gabriel Attal tiếp tục đảm nhận trọng trách này. Nếu một đảng hay liên minh khác giành được đa số thì Tổng thống Macron sẽ phải chỉ định thủ tướng mới từ đảng này. Trong chính trị Pháp, điều này được gọi là “chung sống”.

Theo Hiến pháp nước này, tổng thống không thể giải tán quốc hội trong vòng một năm sau bầu cử. Do đó, tình trạng này nếu xảy ra sẽ phải kéo dài ít nhất một năm và có thể dẫn đến những bất đồng, cản trở việc điều hành đất nước.

Nếu không có đảng hay liên minh nào giành được thế đa số, Pháp có thể phải đối mặt tình trạng bất ổn chính trị kéo dài. Theo chuyên gia của Ðại học Antilles, một trong những giải pháp là Tổng thống Macron từ chức. Tuy nhiên, ông Macron đến nay vẫn loại trừ khả năng này kể cả khi kết quả bầu cử không như mong đợi. Chuyên gia thuộc Ðại học Bordeaux nhận định, bế tắc chính trị sẽ gây nhiều khó khăn với nỗ lực thực hiện những cải cách quan trọng nhằm thúc đẩy sự phát triển của Pháp.

Theo một số cuộc thăm dò gần đây, liên minh của đảng RN được cho là sẽ dẫn đầu trong cuộc bầu cử sắp tới, song không giành được thế đa số. Liên minh cánh tả và liên minh của đảng Phục hưng sẽ theo sau với số phiếu không quá cách biệt. Do đó, các cuộc thăm dò này cũng chưa thể cho thấy một tương lai rõ ràng trên chính trường Pháp.