Nộp ngân sách hơn 1.145 tỷ đồng từ xử lý buôn lậu, gian lận thương mại

6 tháng đầu năm 2022, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn Hà Nội tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều phương thức và thủ đoạn tinh vi . Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) thành phố Hà Nội đã thanh tra, kiểm tra 10.556 vụ; thu nộp ngân sách hơn 1.145 tỷ đồng.
0:00 / 0:00
0:00
Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2022.
Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2022.

Sáng 13/7, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thành phố Hà Nội (Ban Chỉ đạo 389) đã tổ chức hội nghị sơ kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 6 tháng đầu năm 2022, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 trên địa bàn thành phố.

6 tháng đầu năm 2022, các lực lượng chức năng thuộc Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội đã thanh tra, kiểm tra 10.556 vụ; xử lý hành chính 9.428 vụ. Khởi tố 73 vụ đối với 106 đối tượng, thu nộp ngân sách hơn 1.145 tỷ đồng. Trong đó, phạt hành chính gần 383 tỷ đồng; Truy thu thuế, thu hồi thuế sau thanh tra hơn 762 tỷ đồng…

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều phương thức và thủ đoạn tinh vi. Nhiều đối tượng đã lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ... Một số văn bản quy phạm pháp luật về công tác này còn nhiều điểm hạn chế, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong thực thi công vụ…

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 thành phố chỉ đạo, 6 tháng cuối năm là thời điểm nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, nhất là trong các dịp lễ, Tết. Đây là khoảng thời gian các đối tượng đẩy mạnh hoạt động buôn lậu, tập kết hàng hóa, nguyên liệu phục vụ gia công sản xuất để đưa hàng hóa tiêu thụ trên thị trường.

Để ngăn chặn tình trạng này, lực lượng chức năng cần tăng cường công tác nắm bắt tình hình thị trường, chủ động đối phó với những diễn biến bất thường; áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, các phương thức thủ đoạn hoạt động của các đối tượng nhằm đấu tranh có hiệu quả với tình trạng hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng. Tiếp tục làm tốt công tác điều tra cơ bản, lập danh sách đối tượng, cơ sở có biểu hiện nghi vấn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; các kho tàng, bến bãi chứa hàng lậu. Thường xuyên nhận diện các phương thức thủ đoạn mới của các đối tượng lợi dụng để vi phạm và các thủ đoạn mới phát sinh…

“Từ nay đến cuối năm 2022, cần đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát hoạt động bán hàng online, bán hàng qua mạng xã hội; kiểm tra trọng tâm, trọng điểm, kiểm soát chặt chẽ nhóm các mặt hàng cấm, hàng hóa ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, tiêu thụ nhiều trong dịp lễ, Tết”, Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh.