Sinh thời, Đại thi hào Nguyễn Du coi quãng thời gian này là "Mười năm gió bụi" (Thập tải phong trần). Đau nỗi đau thời cuộc, lại hổ thẹn vì bản thân chưa làm được gì nên 30 tuổi tóc ông đã bạc trắng. Đây cũng là quãng thời gian Nguyễn Du có điều kiện gần gũi, tiếp xúc và hiểu được một cách sâu sắc về thế thái nhân tình và quyền lực đáng sợ của đồng tiền trong xã hội phong kiến đang dần suy vong.
Ông đã chứng kiến tận mắt những cảnh “bãi bể hóa nương dâu”, cuộc sống xa hoa cũng như sự thống trị áp bức của giai cấp phong kiến, đời sống lam lũ và những đau khổ cùng cực vì nghèo đói và bất công của tầng lớp dân nghèo. Những điều này đã góp phần không nhỏ làm nên những giá trị vượt thời gian trong kiệt tác Truyện Kiều sau này.
Để có được một nhân cách Nguyễn Du, một tài năng Nguyễn Du, một nỗi đau thời đại Nguyễn Du và sự hóa thân của nhân cách ấy, tài năng ấy, nỗi đau ấy vào từng trang Kiều bất hủ, đó là sự hun đúc từ tinh hoa của truyền thống gia tộc, sự cuộn chảy của các dòng văn hóa lớn từ cha và mẹ, sự trải nghiệm đầy đau thương và khắc nghiệt hàng chục năm trời chốn nhân gian.
Hậu thế dâng hương Đại thi hào Nguyễn Du. (Ảnh: H.T) |
Có người cha tài hoa, mang nặng cốt cách văn chương của xứ Nghệ, là tác giả của rất nhiều bài hát nói (là chất liệu của ca trù, thể thơ độc đáo được sử dụng nhuần nhuyễn thi liệu trong thi ca dân gian Việt Nam với lối nói dân dã, giàu âm điệu). Nguyễn Du từ nhỏ rất được cha cưng chiều và cho đi theo các buổi trình diễn nhã nhạc cung đình, các không gian diễn xướng tại gia phủ.
Mẹ Nguyễn Du là bà Trần Thị Tần, quê ở Kinh Bắc, Bắc Ninh, một vùng quan họ nổi tiếng, có truyền thống hát bội, bà nổi tiếng xinh đẹp, hát hay. Tuổi thơ bên mẹ với những câu hát ru dân ca quan họ, những đêm nghe hát ca trù, ví giặm ở tư gia đã nuôi dưỡng cái dịu dàng, nhã nhặn và phong lưu của xứ Kinh Bắc, tình yêu dung dị mà nồng nàn, mộc mạc mà thủy chung xứ Nghệ đã sớm kích thích năng khiếu văn học của Nguyễn Du có điều kiện nảy nở và phát triển rất sớm.
“Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn...”.
Nhà văn hóa Phạm Quỳnh
Nguyễn Du vốn đã rất vĩ đại nhưng ông trở nên vĩ đại hơn khi tiếng khóc thương vì số phận con người của ông được cả nhân loại nghe thấy. Ông khóc thương cho những con người bất hạnh trong xã hội như các em bé mồ côi không nơi nương tựa, các cô gái làm nghề kỹ nữ và bao kiếp người đau khổ khác.... Kiệt tác Truyện Kiều đã được dịch ra hơn 20 thứ tiếng với hơn 35 bản dịch, khiến nhân loại phải đi sâu tìm hiểu và chiêm ngưỡng. Năng lượng tỏa ra từ Truyện Kiều thật vô tận, Nguyễn Du giúp chúng ta nối dài vòng tay với nhân loại, gắn kết thế giới bằng chữ Tâm, chữ Tình.
Truyện Kiều giống như một viên ngọc nhiều màu sắc, càng mài càng sáng, mỗi một con người và mỗi một dân tộc tự soi vào đó đều thấy số phận của mình. Nhà thơ Nga Va-xi-li Pô-pôp, người dịch Truyện Kiều sang tiếng Nga đã nói: “Đọc xong Truyện Kiều của Nguyễn Du, tôi trở thành một con người khác”. Nhà văn hóa Phạm Quỳnh viết: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn...”.
“Đọc xong Truyện Kiều của Nguyễn Du, tôi trở thành một con người khác”
Nhà thơ Nga Va-xi-li Pô-pôp
Những giá trị văn hóa kiệt xuất mà Đại thi hào để lại thuộc về nhân dân, thuộc về dân tộc và thuộc về nhân loại và sẽ trường tồn cùng thời gian. Không chỉ vậy, sự nghiệp văn học mà Nguyễn Du để lại cho nhân loại cũng thật đặc sắc với những tập thơ chữ Hán đầy chất suy tư, trắc ẩn, chứa đựng những giá trị hiện thực lớn lao của cả một thời đại như: Bắc hành tạp lục, Thanh Hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm, bài Văn tế thập loại chúng sinh… Những tác phẩm ấy đã tôn vinh vẻ đẹp của ngôn ngữ dân tộc, vẻ đẹp của thơ ca, của cốt cách và tâm hồn Việt Nam.
Thơ Nguyễn Du vừa dạt dào yêu thương, vừa bừng bừng căm giận. Đây là chỗ đặc sắc và cũng là chỗ tích cực nhất trong nghệ thuật của Nguyễn Du. Tên tuổi và sự nghiệp của ông, đặc biệt là tác phẩm “Truyện Kiều”, đỉnh cao của nền văn học cổ điển nước nhà đã góp phần đưa văn học Việt Nam vượt ra khỏi bờ cõi quốc gia, trở thành một phần của tinh hoa văn hóa nhân loại, ghi dấu ấn của văn học Việt Nam trên thi đàn quốc tế.
Qua Truyện Kiều, Nguyễn Du không chỉ kế thừa một cách sinh động tinh thần nhân văn và chủ nghĩa nhân đạo cao cả, các giá trị nhân bản của Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo và từ tín ngưỡng, phong tục, tập quán dân tộc mà còn nâng các giá trị đó lên một tầm cao mới mang giá trị nhân loại. Các tác phẩm của ông thể hiện lòng thương yêu con người tha thiết, ca ngợi vẻ đẹp thể chất và tâm hồn con người, khát vọng giải phóng họ khỏi sự áp bức, bất công, vươn tới tự do, bình đẳng, hạnh phúc.
Con người với thế giới tâm hồn phong phú, với đời sống nội tâm sâu sắc, phức tạp và thân phận bi kịch của họ được Nguyễn Du khám phá, phát hiện ở những tầng bậc sâu xa nhất. Tình yêu thương ấy không chỉ dành cho những con người bất hạnh khốn cùng mà cho cả nhân loại chúng sinh.
Có thể nói, những tác phẩm của ông là một cái tát mạnh mẽ vào những quan điểm nho giáo lạc hậu, tư tưởng trọng nam khinh nữ của chế độ phong kiến, góp phần thay đổi nhận thức về thực trạng tư tưởng và thực trạng xã hội. Khát vọng tự do, công lý, khát vọng chính nghĩa được thể hiện một cách mạnh mẽ, đặc biệt qua hai nhân vật Từ Hải và Thúy Kiều. Những khát vọng đó cũng là khát vọng của bao đời, được thể hiện một cách mãnh liệt trong văn học dân gian và thể hiện một cách tài hoa trong tác phẩm của Đại thi hào. Và chính điều này đã đưa ông trở thành một trong những nhà tư tưởng lớn của thời đại.
Năm 1802, nhà Nguyễn xưng đế. Năm 1803, Nguyễn Du được vua Gia Long mời ra làm quan. Sinh ở thời loạn lạc, chứng kiến cảnh loạn lạc tử ly, nhà tan cửa nát mà không thể vãn hồi, ông làm sao có thể yên vui nhận bổng lộc của triều đình mới.
Thời gian làm quan của Nguyễn Du không nhiều, chí hướng làm quan của Nguyễn Du không lớn, nhưng chắc rằng những tháng ngày ấy, với tầm nhìn vượt thời đại, một cốt cách tài hoa, một tâm hồn đầy yêu thương và nhân hậu như thế. Tin chắc rằng những điều mà ông làm được cho nước, cho dân là không hề nhỏ