Ngày xưa đất này có 8 danh thắng độc đáo, gọi là Nghi Xuân bát cảnh, bao gồm: Hồng Sơn liệt chướng (Núi Hồng dựng thành), Đan Nhai quy phàm (Buồm về Cửa Hội), Song ngư hý thủy (Đôi cá giỡn nước), Cô độc lâm lưu (Nghé lẻ lội rào), Giang Đình cổ độ (Bến cũ Giang Đình), Quần Mộc bình sa (Bãi cát bằng Quần Mộc), Uyên Trừng danh tự (Chùa đẹp Uyên Trừng), Hoa Phẩm thắng triền (Chợ đẹp Hoa Phẩm).
Vượt khó
Trầm tích Phối Phối - Bãi Cọi (Xã Xuân Viên) có niên đại cách ngày nay hơn 2000 năm. Ở đó có sự hiện diện và giao thoa của văn hóa Đông Sơn và văn hóa Sa Huỳnh. Đó là nhận định của giới nghiên cứu khi khai quật di chỉ này.
Người Nghi Xuân, mỗi xã có một giọng nói riêng, có khi trong một xã lại tồn tại nhiều giọng nói. Lạ lắm! Người Nghi Xuân cởi mở, chân thành, có nét hồn nhiên, chân chất.
Trước khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, Nghi Xuân được đánh giá là một trong những huyện nghèo của Hà Tĩnh. Nhưng đến năm 2018, Nghi Xuân bỗng vươn mình đạt chuẩn nông thôn mới, lại là huyện đầu tiên của tỉnh Hà Tĩnh, trước kế hoạch những 2 năm.
Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", huyện Nghi Xuân đã thảm nhựa hầu hết các tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn. Ảnh ĐẬU HÀ |
Được đà, năm 2019, nhân dân Nghi Xuân bắt tay vào xây dựng Đề án Nông thôn mới kiểu mẫu, điển hình về văn hóa gắn với phát triển du lịch. Khó lắm, văn hóa là trầm tích, là nét đẹp tích tụ từ nghìn đời, là giao thoa, là tiếp nhận tinh hoa, là gạn đục khơi trong… có phải nói là làm ngay được đâu.
Thế mà nhân dân Nghi Xuân vẫn cứ làm. Trong lúc chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án, Nghi Xuân củng cố các tiêu chí Nông thôn mới, xây dựng xã Nông thôn mới nâng cao, tập trung cho Khu dân cư Nông thôn mới kiểu mẫu, Đô thị văn minh. Hàng loạt nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ, chính sách của Hội đồng nhân dân huyện ra đời. Từ Nghị quyết về triển khai đề án nông thôn mới kiểu mẫu, về phát triển văn hóa, du lịch đến chính sách cải tạo đồng ruộng, hỗ trợ khu dân cư kiểu mẫu, hỗ trợ bê-tông, thảm nhựa, hỗ trợ người dân xây dựng bờ rào khi hiến đất làm đường giao thông nông thôn…
Dân Nghi Xuân tiền hô hậu ủng, nhiều đường giao thông nông thôn chật chội, một bước đạt chuẩn. Nhiều gia đình phá cả cổng mới xây dựng trị giá vài chục triệu đồng để hiến đất làm đường. Ngày càng nhiều tuyến phố được thảm nhựa. Xã Xuân Hồng, Xuân Lam cải tạo đồng ruộng, vừa trồng lúa, vừa dưỡng rươi. Chính sách đúng được hồ hởi tiếp thu.
Đến nay, toàn huyện có 77 khu dân dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Nhiều khu dân cư kiểu mẫu chờ tiền hỗ trợ của chính sách. Bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên một bước, thu nhập bình quân đầu người thuộc top đầu toàn tỉnh.
Đi lên từ văn hóa
Tháng 10/2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Thí điểm tỉnh nông thôn mới, trong đó nội dung “Xây dựng huyện Nghi Xuân thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu, điển hình về văn hóa, gắn với phát triển du lịch” là một tiêu chí “cứng”. Từ đó đến nay, nhờ nỗ lực vượt khó, huyện Nghi Xuân có thêm 6 xã đạt nông thôn mới nâng cao, 2 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó dự kiến hết năm 2022 có thêm 2 xã nâng cao, 1 xã đạt kiểu mẫu.
Nghi Xuân vốn là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa với hệ thống di sản vật thể và phi vật thể dày đặc. Sở hữu cái nền truyền thống ấy, Nghi Xuân ban hành bộ Quy tắc ứng xử văn minh của người dân.
“Cũng chả phải là cái gì mới mẻ đâu, các hành vi vượt lên khuôn khổ Quy tắc thì đã có chế tài được quy định tại các Bộ luật. Chỉ là người dân Nghi Xuân có thêm được lời khuyên của chính quyền về những điều nên làm, những điều không nên làm trong các mối quan hệ gia đình, làng xóm, họ mạc và ở nơi công cộng mà thôi” - anh Nguyễn Văn Long - một người dân thị trấn Tiên Điền nói một cách dễ hiểu như thế.
Ở Nghi Xuân, các hộ gia đình đều ký bản cam kết thực hiện bộ Quy tắc này.
“Nếu người dân đồng tình, hưởng ứng và thực hiện thì không có gì là không làm được” - anh Long chia sẻ.
Cấp ủy, chính quyền địa phương luôn coi trọng, chăm lo sự nghiệp giáo dục. Ảnh: Đậu Hà |
“Tiếc là đại dịch Covid-19 làm chậm nhịp phát triển của Nghi Xuân, ít nhất là 2 năm. Giờ là lúc cả Đảng bộ, chính quyền và nhân dân phải căng mình thực sự. Nếu không sẽ khó mà đạt được mục tiêu Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 22 đã đề ra, đó là trở thành Huyện nông thôn mới kiểu mẫu, điển hình về văn hóa, sớm trở thành đô thị trực thuộc tỉnh” - đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Phó Bí thư Huyện ủy Nghi Xuân chia sẻ
Các xã cam kết về đích Nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu năm 2023 đang rà soát tiêu chí, nguồn lực. Huyện đang tập trung xây dựng kế hoạch Tuần lễ văn hóa Nguyễn Du, kế hoạch Kỷ niệm 245 năm ngày sinh, 165 năm ngày mất Uy viễn Tướng công; nâng cấp hạ tầng khu du lịch biển Xuân Thành và các điểm đến cho mùa du lịch mới…
Quy hoạch tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mở ra những thuận lợi mới. Nghi Xuân tiến hành rà soát, bổ sung quy hoạch đô thị. Nhân tố mới lộ diện. Khu đô thị Song Long, Khu đô thị nam cầu Bến Thủy, Khu đô thị mới Xuân Thành được phê duyệt; Đô thị sinh thái biển Ecopark từng bước khởi động. Nhà máy may mặc Sport chuẩn bị đi vào hoạt động. Các nhà máy chế biến gỗ của Thanh Thành Đạt được đầu tư bài bản, sản phẩm đa dạng, phong phú và chất lượng.
Huy động được sức dân trong chừng ấy thời gian, làm được chừng ấy công việc quả không phải là lớn, nhưng lại có ý nghĩa lớn trong thời gian bị đại dịch Covid-19 chi phối. “Mục đích của Đảng bộ, chính quyền là tốt đẹp, tuyên truyền cho người dân thấy được, hiểu được cái “tốt đẹp” ấy, người dân thấy yêu quê hương hơn, càng ra sức xây dựng cuộc sống hạnh phúc, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp hơn” - đồng chí Nguyễn Văn Hiếu cho biết thêm.
Công tác cán bộ là "then chốt của then chốt”, “cán bộ nào phong trào ấy”, Nghi Xuân đang có một lực lượng cán bộ cơ sở khá đồng đều, được đào tạo bài bản, đủ sức để vận hành “cỗ xe Nông thôn mới - Đô thị văn minh. “Năng lực có thể chưa ngang tầm, nhưng lãnh đạo nhiệt huyết với phong trào, biết thương dân là đã có thể đảm đương tốt nhiệm vụ rồi” - ông Nguyễn Văn Hiếu chia sẻ.
Ghé qua sân golf 18 lỗ Xuân Thành, thấy cảnh xe ô tô chật bãi gửi, mới thấy đã đến lúc Hà Tĩnh phải nghĩ đến các giải pháp phát triển du lịch bốn mùa. Nghi Xuân cũng trăn trở từ lâu, cùng với du lịch nông thôn, du lịch văn chương, du lịch tín ngưỡng… nhưng tất cả cũng mới chỉ là trăn trở. Mới đây, tại Kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh cuối năm, đồng chí Hoàng Trung Dũng - Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh có nói “Hà Tĩnh nhiều tiềm năng, nhưng lợi thế không có nhiều”. Phải làm sao để biến tiềm năng thành lợi thế cũng là trăn trở của lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh nhiệm kỳ này.
Công việc ngổn ngang, nguồn lực thiếu. Khi xây dựng Đề án nông thôn mới kiểu mẫu, dự kiến nguồn lực Trung ương hỗ trợ là khá lớn mà chưa có, trong khi tiêu chí Huyện nông thôn mới kiểu mẫu đòi hỏi nguồn lực lớn; nhiều dự án trọng điểm có sử dụng đất trên địa bàn dự kiến chuyển đổi mạnh cơ cấu kinh tế cho Nghi Xuân nhưng vướng cơ sở pháp lý, chậm triển khai… đang là những vấn đề lớn, “ngoài tầm” của Nghi Xuân.
Nghinh xuân với những trăn trở lớn như thế nhưng Nghi Xuân vẫn tràn đầy niềm tin. Sự đồng thuận, hứng khởi hiển hiện trên cảnh sắc và mặt người.
Tôi cũng tin vào niềm tin ấy khi nghiền ngẫm câu Kiều:
“Cửa trời rộng mở đường mây
Hoa chào ngõ hạnh hương bay dặm phần”