Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thị Thanh Bình cho biết, năm 2024, số trẻ em tử vong do đuối nước trên địa bàn tỉnh giảm nhiều nhất trong 14 năm qua, với 10 trẻ thiệt mạng đuối nước, giảm 8 trẻ so với cùng kỳ.
Đây là thông tin được bà Bình chia sẻ tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác trẻ em năm 2024 diễn ra ngày 24/12.
Năm 2024, số trẻ em tử vong do đuối nước trên địa bàn tỉnh giảm nhiều nhất trong 14 năm qua, với 10 trẻ thiệt mạng đuối nước, giảm 8 trẻ so với cùng kỳ.
Là tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, hơn 80% dân số của Đồng Tháp tập trung phần lớn khu vực nông thôn, đa phần hộ gia đình người dân sống theo kênh rạch, sông nước. Với đặc điểm tự nhiên có hệ thống sông ngòi chằng chịt, có thể nói, ở Đồng Tháp ra khỏi cổng nhà thấy ngay ao, hồ, sông rạch - đây là yếu tố chính luôn rình rập gây đuối nước trẻ em.
Tình hình kinh tế-xã hội tỉnh Đồng Tháp phát triển khá. Tuy nhiên tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo vẫn còn cao, đại đa số người dân sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, đời sống còn gặp khó khăn. Một bộ phận người dân ý thức còn hạn chế nên chưa thật sự quan tâm đến việc bảo vệ con em mình tránh các tai nạn thương tích, đặc biệt là đuối nước trẻ em.
Đại diện Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Tháp cho hay, nhiều năm qua, tỉnh Đồng Tháp đã triển khai các chương trình phòng, chống đuối nước trẻ em. Tuy tỷ lệ tử vong do đuối nước có giảm theo từng giai đoạn nhưng vẫn còn ở mức cao. Trong giai đoạn 2011-2015, đã xảy ra 235 trẻ tử vong, giai đoạn 2016-2020 xảy ra 148 trẻ, giảm 87 trẻ, giai đoạn 2021-2024 xảy ra 66 trẻ, giảm 82 trẻ, trong đó tử vong nhiều nhất nhóm trẻ từ 0-6 tuổi. Trẻ em bị đuối nước xảy ra đều ở các tháng trong năm chứ không chỉ tập trung mùa nước lũ hay mùa mưa bão. Địa bàn xảy ra tai nạn đuối nước với trẻ nhiều nhất là ở nông thôn.
Chia sẻ về kết quả tích cực trong việc giảm tỷ lệ trẻ em tử vong do đuối nước của năm 2024, bà Nguyễn Thị Thanh Bình nhấn mạnh, để có được kết quả như trên, Đồng Tháp đã tập trung triển khai nhiều giải pháp phòng, chống đuối nước trẻ em của tỉnh và triển khai dự án phòng, chống đuối nước.
Điển hình như, tỉnh triển khai có hiệu quả Kế hoạch thực hiện Chương trình bơi an toàn, phòng, chống đuối nước trẻ em, dành ngân sách gần 9 tỷ đồng giai đoạn 2021-2025 để triển khai trong toàn tỉnh.
Tiếp đó, tỉnh cũng tích cực triển khai công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm về phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em.
Địa phương cũng duy trì các mô hình và thực hiện có hiệu quả dự án phòng, chống đuối nước trẻ em, thực hiện các can thiệp phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn đuối nước trẻ em trong trường học.
Công tác phối hợp giữa các ngành gắn kết, chặt chẽ, sử dụng nguồn kinh phí xã hội hóa để xây dựng hồ bơi cố định cho các huyện.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Bình, quá trình triển khai thực hiện các giải pháp phòng chống đuối nước trẻ em tại địa phương đã rút ra được những kinh nghiệm.
Trước hết, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các ngành, các cấp, giao nhiệm vụ chỉ tiêu cụ thể cho các ngành, các cấp thực hiện Chương trình. Tình trạng đuối nước trẻ em luôn được lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm, chỉ đạo trong các cuộc họp có liên quan.
Tỉnh cũng lựa chọn địa bàn triển khai phù hợp với tiêu chí của chương trình và đáp ứng được nhu cầu cấp bách của địa phương. VÌ thế, nên nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của người dân và chính quyền.
Lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ em của bà Trần Thị Kim Thia, ở xã Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh TRẦN PHƯỢNG) |
Việc đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền thường xuyên và bằng nhiều hình thức giúp người dân nhận thức rõ tác hại của đuối nước trẻ em và tự nguyện đưa rước con em tham gia học bơi, học kỹ năng thoát hiểm khi gặp nguy cơ đuối nước. Đồng thời lan tỏa sự chú ý, quan tâm của người dân, của ngành đoàn thể các cấp về phòng, chống đuối nước trẻ em.
Lựa chọn đúng đối tượng cử tham gia các lớp tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ do dự án phòng, chống đuối nước tổ chức. Từ đó, xây dựng được mạng lưới cán bộ tham gia dự án, hướng dẫn viên, cộng tác viên có đầy đủ kiến thức về phòng, chống đuối nước để tham gia dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em tại địa phương.
Theo dõi, giám sát chặt chẽ các hoạt động của các mô hình, dự án đặc biệt là công tác dạy bơi tạo điều kiện cho các em được học bơi trong điều kiện an toàn, bảo đảm tốt sức khỏe. Từ đó, tạo niềm tin để các bậc phụ huynh an tâm hơn khi cho con em tham gia các lớp học bơi.
Những cách làm hiệu quả của dự án phòng, chống đuối nước được nhân rộng đi đôi với việc minh bạch, công khai và sử dụng nguồn kinh phí đúng định mức, quy định của các chương trình, dự án.
Từ nguồn kinh phí vận động của cấp tỉnh và nguồn kinh phí của địa phương, từ năm 2022 đến nay, tỉnh đã xây dựng được 24 hồ bơi cố định tại 12 huyện, thành phố.
Đồng Tháp xác định việc vận động bố trí ngân sách cho công tác trẻ em là một nhiệm vụ quan trọng nhằm bảo đảm nguồn lực để thực hiện các chương trình, hỗ trợ chính sách và bảo vệ trẻ em, cụ thể là những giải pháp đã chuẩn bị và thực hiện thời gian qua.
Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết hỗ trợ 80.000 đồng/người/tháng cho nhân viên y tế khóm, ấp kiêm nhiệm công tác quản lý, bảo vệ và chăm sóc trẻ em, với khoảng 1.400 người của nhóm đối tượng này trong toàn tỉnh. Cùng với đó là Nghị quyết quy định số lượng và mức chi phụ cấp hằng tháng đối với cộng tác viên công tác xã hội xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2030, quy định mức chi phụ cấp hằng tháng đối với cộng tác viên công tác xã hội cấp xã, bằng mức lương cơ sở do Chính phủ quy định đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang với số lượng 143 người.
Ngân sách dành cho công tác trẻ em thông qua Sở Lao động-Thương binh và Xã hội giai đoạn đến 2030 tổng kinh phí hơn 66 tỷ đồng, mỗi năm hơn 8 tỷ đồng. Ngân sách mỗi năm dành cho công tác trẻ em thông qua Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội mỗi huyện, thành phố từ 100 triệu đồng đến 400 triệu đồng.
Ngoài ra, Ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình bơi an toàn, phòng, chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2021-2025, dành ngân sách hơn 8,8 tỷ đồng để triển khai thực hiện tại cấp tỉnh (thông qua Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và cấp huyện (mỗi năm gần 1,8 tỷ đồng).
Trong năm nay, tỉnh Đồng Tháp cũng tiếp tục thực hiện dự án “Hỗ trợ triển khai các can thiệp hiệu quả và bền vững để phòng, chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2024-2025” do tổ chức Campaign for Tobacco Free Kids tài trợ.
Dự án được triển khai tại 16 xã thuộc các huyện: Lấp Vò, Lai Vung, Châu Thành, Tam Nông với mục tiêu hỗ trợ phòng, chống đuối nước ở trẻ em thông qua triển khai các chương trình can thiệp hiệu quả và bền vững. Đồng thời tăng cường hoạt động truyền thông; tập huấn nâng cao năng lực quản lý, đánh giá phòng, chống đuối nước trẻ em và tổ chức dạy bơi cho khoảng 7.000 trẻ em (từ 7-15 tuổi) tại địa phương...