Những ngôi nhà không an toàn
Ngày 13/12 vừa qua, Bệnh viện Nhi đồng 1 (Thành phố Hồ Chí Minh) đã tiếp nhận một bé trai 18 tháng tuổi ở Tây Ninh tử vong vì ngã vào lu nước tại nhà.
Bé trai được người nhà từ Tây Ninh đưa vào bệnh viện trong tình trạng nguy kịch, nhịp tim rời rạc. Theo lời kể của người nhà, trong lúc ba mẹ đi làm, bé trai 18 tháng tuổi ở nhà cùng anh trai 12 tuổi. Người anh phát hiện bé trai ngã cắm đầu nằm trong lu nước. Ngay lập tức, cậu bé đã đưa em ra ngoài, nhờ hàng xóm giúp đỡ, xốc nước và đưa đi cấp cứu tại bệnh viện cách nhà khoảng 3km. Sau đó, bệnh nhi được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 1, nhưng em đã không qua khỏi.
Theo phân tích của bác sĩ, có thể do lu nước thấp và không đầy, nên trẻ khom lưng cúi xuống và bị ngã vào trong lu. Đây là điều các phụ huynh cần chú ý, vì thời gian qua, Bệnh viện Nhi đồng 1 (Thành phố Hồ Chí Minh) đã tiếp nhận một số trường hợp trẻ gặp tai nạn sinh hoạt khi ngã vào các vật chứa nước gây ngạt nước hoặc rơi xuống ao hồ, hố xây dựng bị tử vong…
Hay mới đây, ngày 20/11/2024, tại xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Phúc, bé gái P.D.M., 5 tuổi, đang chơi ở quanh nhà thì bị hai con chó béc-giê của nhà hàng xóm bất ngờ lao tới cắn vào vùng cổ, vùng bụng. Cháu bé bị chó cắn đứt động mạch cảnh hai bên cổ, dẫn đến mất nhiều máu và tử vong.
Vào năm ngoái, vụ cháy chung cư mini tại phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội xảy ra vào ngày 12/9/2023 đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản. Vụ cháy kinh hoàng này đã cướp đi sinh mạng của 56 người, trong đó có tới 16 trẻ em. Ngoài ra, vụ hỏa hoạn này còn làm 37 người khác bị thương, gây thiệt hại nhiều tài sản của người dân.
Hiện trường vụ cháy chung cư mini tại phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, Hà Nội vào ngày 12/9/2023 làm 56 người thiệt mạng, trong đó có 16 trẻ em. (Ảnh NHẬT QUANG) |
Không chỉ là câu chuyện đau lòng vì những em bé thiệt mạng vì một lu nước, hay bị chó cắn tử vong, trong thực tế, còn rất nhiều vụ việc khác xảy ra liên quan tới những tai nạn thương tích trong không gian ngôi nhà của trẻ. Đó là các trường hợp các em bị bỏng do nước nóng, điện giật, ngã cầu thang, dập nát chân, tay do đóng mở cửa...
Có thể nói, một trong những nguyên nhân gây nên hậu quả thương tâm với trẻ em nêu trên là do ngôi nhà của các em chưa được an toàn.
Thời gian qua, đã có không ít những trẻ em bị tai nạn thương tích dẫn đến thương tật, thậm chí tử vong ngay tại gia đình. Nguyên nhân gây tai nạn thương tích ở trẻ có thể do hóc dị vật, bị bỏng nước sôi, lửa; điện giật; ngã cầu thang, lan can, nhất là ở những chung cư cao tầng; bị động vật cào, cắn…
Một thống kê của Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) gần đây cho thấy, mỗi năm, cả nước có hơn 370.000 trẻ em dưới 16 tuổi bị tai nạn thương tích, trong đó 6.600 trường hợp tử vong.
Thời gian qua, đã có không ít những trẻ em bị tai nạn thương tích dẫn đến thương tật, thậm chí tử vong ngay tại gia đình. Nguyên nhân gây tai nạn thương tích ở trẻ có thể do hóc dị vật, bị bỏng nước sôi, lửa; điện giật; ngã cầu thang, lan can, nhất là ở những chung cư cao tầng; bị động vật cào, cắn…
Bên cạnh việc trẻ em chưa nhận thức được đầy đủ những mối nguy hiểm tiềm ẩn ở chung quanh mình, chưa có kiến thức, kỹ năng phòng tránh, thì sự chủ quan, bất cẩn, thiếu kiến thức của người lớn; thiếu sự quan tâm, giám sát con trẻ; nhận thức của một bộ phận người dân về phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ còn hạn chế… là lý do khiến môi trường sống của các em luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Tạo dựng môi trường sống an toàn cho trẻ em
Hướng dẫn kỹ năng phòng cháy, chữa cháy cho trẻ em. (Ảnh THỦY NGUYÊN) |
Có thể nói, để xây dựng “Ngôi nhà an toàn”, phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ em, các bậc cha mẹ cần có kiến thức cũng như sự cẩn trọng trong quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ. Từ đó, giúp tạo dựng môi trường sống để trẻ luôn được an toàn trong chính gia đình mình.
Trước đó, từ tháng 5 năm 2011, Bộ Lao động-Thương binh và xã hội ban hành tiêu chí “Ngôi nhà an toàn” phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em.
Theo hướng dẫn của cơ quan này, “Ngôi nhà an toàn” cần bảo đảm các tiêu chí về an toàn chung quanh ngôi nhà, an toàn các phòng trong ngôi nhà, an toàn về điện, cầu thang và lan can và an toàn các đồ dùng gia đình…
Theo đó, ngôi nhà được công nhận an toàn phải bảo đảm đạt 23/33 tiêu chí, trong đó có 15 tiêu chí bắt buộc, như: Cầu thang phải có lan can, tay vịn chắc chắn, với độ cao, bề mặt rộng phù hợp để bảo đảm an toàn cho trẻ em; Khu bếp phải riêng biệt có cửa ngăn và có khóa để trẻ dưới 6 tuổi không tiếp xúc được; phích nước phải có hộp đựng hoặc dây đai giữ và để ở vị trí an toàn ngoài tầm với của trẻ dưới 6 tuổi; dây dẫn điện phải được đi ngầm trong tường hoặc có vỏ bọc chắc chắn nếu đi bên ngoài tường…
“Ngôi nhà an toàn” cần bảo đảm các tiêu chí về an toàn chung quanh ngôi nhà, an toàn các phòng trong ngôi nhà, an toàn về điện, cầu thang và lan can và an toàn các đồ dùng gia đình…
Vụ cháy chung cư mini tại phố Khương Hạ tại Hà Nội một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác phòng cháy, chữa cháy tại các gia đình, nhất là tại các chung cư nhỏ, nhà cho thuê hiện nay…
Trong thực tế hiện nay, tại Hà Nội và một số khu đô thị lớn có rất nhiều dạng nhà ống có các lồng sắt, hay còn gọi là “chuồng cọp”, bảo vệ. Khi xảy ra cháy, người trong nhà không có lối thoát hiểm, không có sẵn các dụng cụ thoát hiểm, phá dỡ, phòng chống khói độc. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến số lượng nạn nhân tử vong cao khi xảy ra hỏa hoạn.
Có thể thấy, việc trang bị bình cứu hỏa, thang dây, mặt nạ chống khói, kìm cắt sắt, các đồ dùng - dụng cụ phòng cháy, chữa cháy; làm lối thoát hiểm tại các tầng nhà, sân thượng phải là những tiêu chí bắt buộc phải có, phải thực hiện tại mỗi gia đình đặc biệt tại các khu dân cư trong các thành phố lớn. Đặc biệt, công tác kiểm tra, giám sát phải được thực hiện thường xuyên, xử lý quyết liệt, dứt điểm.
Đối với các chung cư, đặc biệt là các chung cư mini, hệ thống phòng cháy, chữa cháy, các phương tiện thoát hiểm, lối thoát hiểm cần được đầu tư xây dựng đầy đủ, bài bản, bảo đảm hoạt động 24/24 giờ, đáp ứng được yêu cầu tiêu chuẩn và hiệu quả về phòng cháy, chữa cháy.
Hay tại một số địa phương, người dân thường sử dụng lu/thùng đựng nước ăn hoặc nước tưới cây, nên việc cần làm nắp đậy cho các lu nước, đồ chứa nước là cần thiết. Điều này sẽ giúp tránh xảy ra tai nạn khi trẻ leo trèo, chơi đùa ngã vào dẫn đến tử vong.
Việc xây dựng và nhân rộng các mô hình “ Ngôi nhà an toàn”, “Cộng đồng an toàn”, “Trường học an toàn” được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Giáo dục - Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Xây dựng cùng các bộ, ngành có liên quan ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện, xây dựng bảng kiểm đánh giá thực hiện các tiêu chí; chỉ đạo thực hiện mô hình thí điểm tại một số địa phương.
Một số bộ ngành, đoàn thể đã phối hợp với các địa phương lồng ghép nội dung “Ngôi nhà an toàn”, “Cộng đồng an toàn”, “Trường học an toàn” vào phong trào xây dựng khu dân cư văn hóa, khu dân cư sức khỏe, xã phường phù hợp với trẻ em. Số liệu mới nhất từ Bộ Y tế chia sẻ vào cuối tháng 10 năm 2024 cho thấy, cả nước đã có gần 500 xã, phường được công nhận “Cộng đồng an toàn” phòng, chống tai nạn thương tích.
Chương trình Phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 19/7/2021.
Một trong những mục tiêu cụ thể của Chương trình trên là giảm tỷ lệ tai nạn, thương tích và tử vong do tai nạn, thương tích của trẻ em. Cụ thể như: Giảm tỷ suất trẻ em bị tai nạn, thương tích năm 2025 xuống còn 550/100.000 trẻ em và 500/100.000 trẻ em vào năm 2030; Giảm tỷ suất trẻ em bị tử vong do tai nạn, thương tích năm 2025 xuống còn 16/100.000 trẻ em và 15/100.000 trẻ em vào năm 2030; Giảm 10% số trẻ em bị tử vong do đuối nước năm 2025 và 20% vào năm 2030.
Chương trình cũng đặt ra mục tiêu vào năm 2025, có 7 triệu ngôi nhà thuộc các hộ gia đình có trẻ em đạt tiêu chí “Ngôi nhà an toàn” và nâng con số này lên 8 triệu vào năm 2030.
Cùng với đó, có 12.000 trường học đạt tiêu chuẩn "Trường học an toàn" vào năm 2025 và 15.000 vào năm 2030; 400 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn "Cộng đồng an toàn" phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em vào năm 2025 và 500 vào năm 2030.