Cùng dự có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, các địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, đại diện các hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp; đại diện một số cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, đối tác phát triển. Sự kiện này diễn ra trong chuỗi hoạt động liên quan Festival tôm Cà Mau và Diễn đàn OCOP đồng bằng sông Cửu Long năm 2023.
Tại Hội nghị, lãnh đạo tỉnh đã công bố Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, ngày 17/11/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1386/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Cà Mau trở thành tỉnh phát triển khá của vùng đồng bằng sông Cửu Long; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại; có nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển; hệ sinh thái được bảo tồn, thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc; trong đó, Cà Mau phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt trên 7,5%/năm.
Quy mô GRDP năm 2030 gấp 2-2,5 lần so với năm 2020. Cơ cấu kinh tế: Tỷ trọng khu vực ngư, nông, lâm nghiệp chiếm khoảng 23%; công nghiệp-xây dựng chiếm khoảng 36,5%; dịch vụ chiếm khoảng 37%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm khoảng 3,5%; GRDP bình quân đầu người đạt trên 146 triệu đồng.
Về xã hội, tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đạt trên 80%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 65%, trong đó tỷ lệ lao động đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt trên 30%.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị công bố Quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Cà Mau. |
Tầm nhìn đến năm 2050, Cà Mau là tỉnh kinh tế phát triển, xã hội văn minh, hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu; các giá trị văn hóa mang bản sắc của con người Cà Mau được giữ gìn và phát huy. Môi trường sinh thái, đa dạng sinh học được bảo vệ, bảo tồn. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, hạ tầng số phát triển đồng bộ, hiện đại. Chính trị, quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm.
Nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh Cà Mau là chủ động đề xuất xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp để huy động nguồn lực phát triển kinh tế biển, trọng tâm là đầu tư Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai, Khu kinh tế Năm Căn, Đề án xuất khẩu điện tỉnh Cà Mau (sau khi được cấp thẩm quyền phê duyệt), năng lượng tái tạo; phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, du lịch, hạ tầng phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; thực hiện chuyển đổi số toàn diện.
Quy hoạch đề ra mục tiêu phát triển, ngư, nông, lâm nghiệp hiện đại, thông minh, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nông nghiệp sinh thái hữu cơ. Thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn; xây dựng và vận hành trung tâm đầu mối gắn với vùng nguyên liệu về thủy sản góp phần đẩy mạnh sản xuất, chế biến, phát triển chuỗi giá trị về thủy sản.
Tổ chức, sắp xếp không gian phát triển ngư, nông, lâm nghiệp theo 3 vùng: vùng bắc Cà Mau, vùng nam Cà Mau, vùng ven biển và hải đảo. Trong đó, giữ gìn và bảo vệ hệ sinh thái ngọt ở huyện Trần Văn Thời và huyện U Minh.
Xây dựng và phát triển tỉnh Cà Mau trở thành một trung tâm kinh tế biển của cả nước; đầu tư xây dựng Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai, Khu kinh tế Năm Căn, Cảng sông Ông Đốc gắn với phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị ven biển; phát triển nuôi biển công nghệ cao, hiệu quả và bền vững; ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong bảo quản sau thu hoạch, chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm biển.
Phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ nguồn tài nguyên, môi trường sinh thái, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo; phát triển và quản lý bền vững kinh tế biển theo phương thức tổng hợp, quản trị biển dựa vào không gian, liên ngành với sự tham gia của các cộng đồng dân cư và doanh nghiệp.
Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải phát biểu ý kiến tại hội nghị. |
Tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải nhấn mạnh, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng các ban, bộ, ngành Trung ương, sự phối hợp của các tỉnh, thành phố trong khu vực, ý kiến đóng góp quý báu của các nhà khoa học, các chuyên gia, Cà Mau đã nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1386/QĐ-TTg, ngày 16/11/2023.
Quy hoạch được phê duyệt là cơ sở để tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý toàn diện, thống nhất trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, hội nhập và đối ngoại trên địa bàn; là căn cứ quan trọng để hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch đầu tư và kiến tạo động lực phát triển sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội, an ninh, an toàn, văn minh. Khai thác hiệu quả các trục tăng trưởng, hành lang kinh tế của tỉnh trong phát triển thương mại và dịch vụ logistics gắn với các chuỗi cung ứng; tăng cường liên kết, hợp tác giao thương, trung chuyển, kết nối thị trường hàng hóa của Cà Mau với cả vùng đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh. Phấn đấu đến năm 2030, Cà Mau trở thành tỉnh phát triển khá của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Việc tổ chức Hội nghị này là vô cùng quan trọng, tạo điều kiện để các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương, nhà đầu tư, doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh và toàn thể nhân dân nắm được các nội dung cơ bản, cốt lõi của quy hoạch, từ đó thống nhất cao trong nhận thức và hành động để triển khai thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các nội dung của quy hoạch, tạo ra nguồn lực mới, không gian mới, cơ hội phát triển mới, giúp cho tỉnh Cà Mau “cất cánh”, trở thành một cực tăng trưởng của vùng đồng bằng sông Cửu Long và xứng tầm là vùng địa đầu cực nam của Tổ quốc.
Nhân dịp này, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, tỉnh Cà Mau đã trao quyết định giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và chủ trương đầu tư cho các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, trước hết, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi tới Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Cà Mau, quý vị đại biểu, đại diện các tổ chức, đối tác phát triển, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước, quốc tế và các đại biểu lời chào trân trọng, lời thăm hỏi ân cần và lời chúc tốt đẹp nhất.
Các đồng chí lãnh đạo, đại biểu tham dự Hội nghị. |
Thủ tướng nhấn mạnh quy hoạch phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, chỉ ra những khó khăn, thách thức, tồn tại để tìm cách hóa giải, phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, quy hoạch đi trước một bước, có tính ổn định, phát triển lâu dài, tránh điều chỉnh quy hoạch tùy tiện; quy hoạch của tỉnh gắn với quy hoạch của vùng, quy hoạch của vùng gắn với quy hoạch quốc gia.
Thủ tướng hoan nghênh tỉnh Cà Mau mặc dù gặp nhiều khó khăn những đã hoàn thành Quy hoạch; vấn đề quan trọng là thực hiện quy hoạch tốt, quá trình này chính sách giám sát, kiểm tra, đôn đốc, có những vấn đề phải điều chỉnh, “không phải cứ quy hoạch xong” vì tình hình còn biến đổi, nhất là biến đổi khí hậu không thể dự báo hết. Quá trình này phải bảo đảm thực hiện tốt, hiệu quả; nếu phải điều chỉnh thì hạn chế tối đa ảnh hưởng quy hoạch chung.
Thủ tướng nêu rõ, về tổng thể, đất nước đang thực hiện thời kỳ quá độ đi lên Chủ nghĩa xã hội, theo đó, Việt Nam chủ trương xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; thực hiện nhất quán mục tiêu chiến lược phát triển nhanh và bền vững; dựa trên 3 yếu tố nền tảng là xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa, nền dân chủ xã hộ chủ nghĩa; 3 đột phá chiến lược gồm thể chế, nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng; lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực của sự phát triển; không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần; người dân cũng phải đóng góp vào xây dựng chính sách.
Chúng ta cũng phải thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế vì mục tiêu hòa bình, hợp tác và phát triển.; chính sách quốc phòng “bốn không”. Chúng ta cũng đang nỗ lực xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, cộng đồng quốc tế đánh giá Việt Nam vẫn là điểm sáng trong bức tranh kinh tế xám màu của thế giới; là hình mẫu trong việc hàn gắn chiến tranh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu lại 5 bài học kinh nghiệm, đó là: độc lập dân tộc gắn liền với Chủ nghĩa xã hội, nhân dân làm nên lịch sử; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; đại đoàn kết toàn dân tộc; có sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng. Do đó, Thủ tướng yêu cầu Cà Mau phải quyết tâm làm để tạo bước phát triển. Cà Mau vì cả nước, cả nước vì Cà Mau; phải có niềm tin, bản lĩnh, kiên trì; phải kiên trì, kiên định, phát huy tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển, không trông chờ, ỷ lại.
Thủ tướng nêu rõ, khu vực đồng bằng sông Cửu Long rất đặc sắc: người dân hiền hòa, yêu nước; có bản sắc văn hóa, cởi mở, thân thiện, thật thà, có di sản đờn ca tài tử; có truyền thống cách mạng hào hùng, một lòng theo Đảng; là vùng sông nước, rừng ngập mặn…
Tuy nhiên, chúng ta đang phải đối mặt với các khó khăn như biến đổi khí hậu, ngập mặn, hạn hán; tiềm năng thì có nhưng giao thông hạn chế. Do đó, để tạo bước phát triển đột phá, Thủ tướng lưu ý các địa phương nói chung, Cà Mau nói riêng cần chú trọng phát triển hạ tầng giao thông, từ đó giảm chi phí logistics, giảm chi phí đầu vào; nhất là các trục bắc-nam và đông-tây; phải phát triển hệ thống giao thông thủy nội địa của đồng bằng sông Cửu Long, nguồn vốn từ trung ương, địa phương, các doanh nghiệp. Vấn đề là phải thông về tư tưởng, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, làm có trọng tâm, trọng điểm.
Về giáo dục đào tạo, Thủ tướng đề nghị phải mở rộng phân hiệu của các trường đại học lớn, thay vì mỗi tỉnh mở một trường đại học; tăng cường đào tạo nghề, chú trọng tạo sinh kế cho người dân. Đây là khu vực trù phú, tiềm năng thì lớn nhưng cơ chế, chính sách hạn hẹp.
Thủ tướng nêu rõ, thực hiện quy hoạch của Cà Mau thì phải gắn với quy hoạch vùng, nhiệm vụ của vùng gắn với nhiệm vụ của tỉnh; phải nỗ lực giải phóng mặt bằng, hỗ trợ các doanh nghiệp, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; nghiên cứu đầu tư làm đê kè biển gắn với phát triển du lịch, làm bài bản, đồng bộ. Các dự án vay vốn phải xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái.
Thủ tướng chỉ rõ, tỉnh Cà Mau có các đặc điểm của vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhưng Cà Mau là tỉnh cực nam của Tổ quốc, 3 mặt giáp biển; có tiềm năng về năng lượng tái tạo như điện gió (cả gần bờ và ngoài khơi), mặt trời, sinh khối. Vùng sông nước Cà Mau thuận lợi cho việc nuôi tôm. Điều quan trọng là trong nuôi tôm phải tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Tỉnh cũng cần khai thác tốt lĩnh vực du lịch vì tỉnh có nhiều đặc thù. Phát triển công nghiệp hóa chất, phân bón.
Theo Thủ tướng, Cà Mau đang thiếu hạ tầng giao thông, do đó hiện chúng ta đang làm đường cao tốc đến tận Đất Mũi. Đảng, Nhà nước và nhân dân tỉnh Cà Mau phải tính nguồn lực để phát triển đường cao tốc. Cần khai thác tối đa đường thủy của vùng sông nước, do đó phải xây dựng cảng thủy nội địa, điều này có thuận lợi là ít phải giải phóng mặt bằng. Về sân bay, cần nghiên cứu nâng cấp, cải tạo đường băng để tiếp nhận máy bay lớn (Boeing, Airbus). Cần khai thác các thế mạnh, đặc sản của tỉnh để thu hút khách du lịch như tôm, đờn ca tài tử.
Cà Mau cũng đang thiếu lao động chất lượng cao, do đó phải tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, thu hút chất xám; kèm theo đó là các cơ chế, chính sách. Cơ chế, chính sách cũng là do chúng ta và trước hết phải do tỉnh.
Thủ tướng nhấn mạnh lại, điều quan trọng là tỉnh phải đẩy nhanh đầu tư phát triển hạ tầng giao thông như sân bay, cảng biển, đường cao tốc; nguồn lực huy động từ ngân sách trung ương, địa phương, doanh nghiệp. Tăng cường cải cách thủ tục hành chính; thái độ thân thiện của các cán bộ các cơ quan công quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, lành mạnh, không được tham nhũng, tiêu cực; tất cả vì nhân dân phục vụ. Tỉnh Cà Mau phải đoàn kết, kết hợp sức mạnh bên trong và bên ngoài, huy động nguồn lực hợp tác công tư, đặt mục tiêu, thời hạn cụ thể hoàn thành đường băng sân bay, đường cao tốc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chụp ảnh lưu niệm với các nhà đầu tư được tỉnh Cà Mau trao quyết định chủ trương đầu tư, khảo sát dự án tại Hội nghị. |
Thủ tướng biểu dương Cà Mau có nhiều nỗ lực, cố gắng tổ chức hội nghị này; đạt GRDP cao hơn mức trung bình cả nước, thu nhập bình quân đầu người khá… chứng tỏ chúng ta có thể làm được, tự lực cánh sinh là chính, biết tận dụng nội lực để đi lên là con người, thiên nhiên, truyền thống lịch sử, văn hóa.
Đối với doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu thực hiện với tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, cân bằng lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp; có trách nhiệm đã hứa phải làm, đã cam kết phải thực hiện, có hiệu quả, sản phẩm, mang lại “cơm, áo, gạo, tiền”, sinh kế, ấm no, hạnh phúc cho người dân. Có khó khăn, vướng mắc thì Đảng bộ, chính quyền phải xử lý, nhân dân phải ủng hộ.
Thủ tướng tin chắc nỗ lực của các nhà đầu tư, doanh nghiệp sẽ được đền đáp; cùng nhau chúng ta làm, tất cả vì lợi ích của quốc gia, dân tộc. Đảng bộ, chính quyền phải trong sạch, hỗ trợ, đồng hành với các nhà đầu tư.