Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề phát triển năng lượng tại Cà Mau

NDO - Chiều 7/8, tiếp tục chuyến giám sát chuyên đề tại Cà Mau, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do đồng chí Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Quốc hội làm trưởng đoàn, có buổi làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh về việc “thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021” trên địa bàn tỉnh.
0:00 / 0:00
0:00
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Lâm Văn Bi (đứng) báo cáo với Đoàn giám sát về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng tại địa phương.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Lâm Văn Bi (đứng) báo cáo với Đoàn giám sát về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng tại địa phương.

Tiếp và làm việc với Đoàn giám có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải, cùng lãnh đạo và các thành viên Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau.

Theo đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội, các nội dung giám sát lần này bám sát những vấn đề mà nhân dân và cử tri quan tâm. Qua giám sát nhằm giúp nhận diện các hoạt động đã triển khai, nguyên nhân khách quan, chủ quan trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021, cũng như yêu cầu làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân…

Báo cáo nhanh với đoàn giám sát, đồng chí Lâm Văn Bi, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau, cho biết, địa phương không có các mỏ có tiềm năng khai thác than, dầu khí và không có tiềm năng về thủy điện. Vì vậy, tỉnh được nghiên cứu quy hoạch về hạ tầng cung cấp khí và đánh giá tiềm năng các dạng năng lượng tái tạo.

Theo các quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Cà Mau đến năm 2025, có xét đến 2035 đã được Bộ trưởng Công thương phê duyệt, toàn tỉnh được phê duyệt quy hoạch 1.000MW điện gió, 60MW điện mặt trời, 24MW điện sinh khối. Tuy nhiên, đến nay số dự án điện tái tạo đưa vào sử dụng tại Cà Mau còn hạn chế (4/16 dự án), tổng công suất 150MW. Trong khi đó, điện mặt trời áp mái chủ yếu phát triển nhỏ lẻ trong dân…

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề phát triển năng lượng tại Cà Mau ảnh 1

Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải (đứng) nêu một số kiến nghị nhờ Đoàn giám sát giúp tỉnh tháo gỡ khó khăn.

Tại buổi làm việc, đại diện ngành chức năng và lãnh đạo tỉnh Cà Mau đã giải trình với Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số nội dung liên quan đến tồn tại, khó khăn trong đầu tư, phát triển một số dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh.

Qua đây, Cà Mau kiến nghị Đoàn giám sát quan tâm giúp tỉnh tháo gỡ một số khó khăn trong phát triển năng lượng: Xem xét, đề nghị cấp thẩm quyền ban hành giá mua điện chính thức cho các nhà máy điện gió, điện mặt trời và ban hành cơ chế, chính sách cụ thể khuyến khích phát triển nhà máy điện gió, điện mặt trời… để thu hút thêm nhà đầu tư thực hiện các dự án mới theo quy hoạch được phê duyệt; có ý kiến với Tập đoàn Điện lực Việt Nam tăng cường huy động sản lượng điện của Nhà máy điện Cà Mau 1 và 2; có ý kiến với Bộ Công thương xem xét, sớm thẩm định Đề án xuất khẩu điện tỉnh Cà Mau; xem xét, đề nghị cấp thẩm quyền ban hành quy định, hướng dẫn thực hiện dự án năng lượng tái tạo không nối lưới để sản xuất Hydrogen và xuất khẩu điện…

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề phát triển năng lượng tại Cà Mau ảnh 2

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải (đứng) phát biểu kết luận tại buổi làm việc với tỉnh Cà Mau về chuyên đề phát triển năng lượng vào chiều 7/8.

Thay mặt đoàn giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao những kết quả mà Cà Mau đạt được trong thực hiện các chính sách về năng lượng để bảo đảm an ninh năng lượng cho tỉnh, góp phần ổn định an ninh năng lượng của quốc gia.

Với những tiềm năng, lợi thế về năng lượng tái tạo mà địa phương đang có, Phó chủ tịch Quốc hội yêu cầu Cà Mau tiếp tục nghiên cứu để phát triển hơn nữa thời gian tới. Trong đó, lưu ý vấn đề đầu tư hoàn thiện giao thông về miệt rừng huyện Ngọc Hiển nhằm thu hút thêm nhà đầu tư phát triển năng lượng điện tái tạo, đặc biệt là điện gió.

Đồng chí Nguyễn Đức Hải cũng chia sẻ với những khó khăn mà địa phương đang gặp phải trong phát triển năng lượng, trong đó có về vấn đề áp dụng thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Những trở ngại trên, có những nội dung thuộc thẩm quyền, Trưởng Đoàn giám sát hứa sẽ tổng hợp đầy đủ trong quá trình nghiên cứu, đề xuất nhằm hoàn thiện cơ chế chính sách, phát luật về phát triển năng lượng trong thời gian tới.