Năm 2023, quán triệt phương châm chủ động thích ứng, hành động quyết liệt theo tinh thần điều hành của Chính phủ là “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả” và thực hiện chủ đề của năm 2023 là “Năm Dữ liệu số, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới”, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương và hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, tham mưu đề xuất để có phản ứng chính sách phù hợp, kịp thời với tinh thần trách nhiệm cao, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của toàn ngành thông tin và truyền thông.
Một số kết quả nổi bật của ngành thông tin và truyền thông trong năm 2023: doanh thu toàn ngành ước đạt 3.744.214 tỷ đồng, tăng 1,49% so năm 2022; nộp ngân sách nhà nước ước đạt 99.323 tỷ đồng, tăng 1,31% so năm 2022; đóng góp vào GDP của ngành thông tin và truyền thông ước đạt 887.398 tỷ đồng, tăng 1,34% so năm 2022; tổng số lao động toàn ngành năm 2023 ước khoảng 1.767.766 lao động, tăng 2,72% so năm 2022.
Các đại biểu tham dự Hội nghị. |
Năm 2023, công cuộc chuyển đổi số quốc gia với mục tiêu kép là: vừa phát triển Chính phủ số, Kinh tế số, Xã hội số; vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số lớn mạnh của Việt Nam để vươn ra thế giới ngày càng được lan tỏa sâu, rộng trên phạm vi toàn quốc, không để ai bị bỏ lại phía sau trong công cuộc chuyển đổi số toàn dân, toàn diện đã đạt được những kết quả tích cực.
Công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế tiếp tục được ưu tiên thực hiện. Luật Giao dịch điện tử và Luật Viễn thông đã được Quốc hội khóa XV thông qua với tỷ lệ biểu quyết thông qua cao. Sau 14 năm, ngành thông tin và truyền thông lại có được 2 luật được ban hành trong vòng một năm. Bên cạnh đó, Chỉ thị số 07 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác truyền thông chính sách đã thay đổi căn bản về tư duy, nhận thức, coi truyền thông chính sách trước hết là một việc, một chức năng của cơ quan hành chính nhà nước, góp phần hình thành bộ máy, nguồn lực cho công tác này.
Hoạt động bưu chính tiếp tục có bước chuyển dịch mạnh mẽ với sự bùng nổ của thương mại điện tử góp phần thúc đẩy kinh tế số. Năm 2023, doanh thu dịch vụ bưu chính đạt 58.900 tỷ đồng, tăng 9,3% so năm 2022. Việt Nam thăng 1 hạng theo xếp hạng chỉ số phát triển bưu chính năm 2023 (từ nhóm 5 lên nhóm 6; nhóm 10 là nhóm cao nhất)…
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại hội nghị. |
Hạ tầng viễn thông và hạ tầng số trong năm vừa qua đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, từng bước đáp ứng vai trò là hạ tầng kinh tế kỹ thuật quan trọng của Chính phủ số, Kinh tế số, Xã hội số. Mặc dù là một nước đang phát triển có thu nhập trung bình thấp nhưng Việt nam có độ phủ sóng 4G cao hơn các nước phát triển có thu nhập cao.
Độ phủ 4G tại Việt Nam là 99,8%, các nước thu nhập cao có độ phủ là 99,4%. Đây là nỗ lực của ngành thông tin và truyền thông trong quá trình phổ cập hạ tầng viễn thông đặc biệt là chương trình sóng và máy tính cho em để bảo đảm việc học và làm việc trực tuyến. Tỷ lệ này trước đây là 97%. Đã triển khai thử nghiệm 5G tại 59 tỉnh, thành phố; tỷ lệ dân số được phủ sóng 4G lên đến 99,8%.
Tỷ lệ người dùng sử dụng smartphone/tổng số người dùng điện thoại di động tiếp tục tăng lên tới 84,4% (cao hơn mức trung bình của thế giới là 63%). Đây là nỗ lực của ngành thông tin và truyền thông hướng đến mục tiêu 100% người dùng có điện thoại thông minh vào cuối năm 2024. Độ phủ cáp quang đến từng hộ gia đình gần 80% so với trung bình thế giới khoảng 60%. Kết quả này nhắm thực hiện mục tiêu chuyển đổi số toàn dân toàn diện, không bỏ ai lại phía sau trong quá trình chuyển đổi số.
Cước phí data tại Việt Nam được duy trì ở mức thấp, chỉ bằng một nửa mức trung bình của thế giới. Nhờ vậy mọi người dân đều có cơ hội để có thể sử dụng internet, tiếp cận không gian số. Tỷ lệ sử dụng địa chỉ internet thế hệ mới Ipv6 của Việt Nam đứng thứ 2 tại Asean và thứ 9 toàn cầu, xếp trên cả các cường quốc như: Trung Quốc, Mỹ hay Canada. Điều này giúp Việt Nam có cơ sở và tiềm năng để tăng tốc trong phát triển IoT và thúc đẩy nền kinh tế số.
Công nghiệp công nghệ số có những bước tiến mạnh mẽ: doanh thu của lĩnh vực đạt 142 tỷ USD với tỷ lệ giá trị Việt Nam chiếm 28,7%; khoảng 1.500 doanh nghiệp công nghệ số có doanh thu từ thị trường nước ngoài (tăng gần 4% so năm 2022); phát triển công nghiệp công nghệ số, đưa công nghệ “Make in Viet Nam” vào mọi mặt của đời sống xã hội…
Quang cảnh hội nghị. |
Phát biểu ý kiến chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh yêu cầu tuyệt đối không được chủ quan trong công tác quản lý báo chí, có giải pháp chấm dứt chuyện "đánh đấm" trên báo chí; lưu ý Bộ Thông tin và Truyền thông phải phản ứng nhanh, can thiệp để loại bỏ sớm những thông tin xấu độc. Cùng việc quản lý tốt báo chí, trước sức ép của mạng xã hội, Bộ cần có giải pháp nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của báo chí để đội ngũ người làm báo có thể sống và trụ lại với nghề; tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 của Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025; quan tâm nhiều hơn đến thị trường sách và nhà xuất bản.
Chia sẻ khó khăn của các cơ quan báo chí, Phó Thủ tướng yêu cầu cần sớm có cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt đối với các cơ quan báo chí vì nếu coi những cơ quan báo chí như VTV, VOV là doanh nghiệp cạnh tranh bình đẳng thì khó hoàn thành phần nhiệm vụ chính trị được giao. Với lĩnh vực chuyển đổi số, Phó Thủ tướng nhấn mạnh để đạt được mục tiêu phát triển vào năm 2030 và 2045, phải đi tắt, đón đầu, và chỉ có đi tắt, đón đầu bằng khoa học công nghệ, bằng chuyển đổi số. Về xây dựng thể chế, yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông phải đáp ứng yêu cầu kịp thời, chất lượng văn bản phải chuẩn mực để hạn chế tối đa sửa đổi, bổ sung sau khi đã ban hành.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý mỗi cán bộ làm công tác thông tin truyền thông phải là những người tử tế theo nghĩa rộng, trước hết là tử tế với công việc, hay nói cách khác là sự nghiêm túc, trách nhiệm, tận tâm cố gắng, sự ngay ngắn; tử tế với các đối tượng thuộc quyền quản lý của mình, có sự chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ với các bộ, ngành, địa phương; đặc biệt, người giữ cương vị lãnh đạo, quản lý phải tử tế với đồng chí, anh em, với cấp dưới, để mọi người cùng cộng đồng trách nhiệm, chia sẻ rủi ro, và kể cả chia sẻ lợi ích. Phó Thủ tướng cũng đề nghị mỗi cán bộ làm công tác thông tin và truyền thông phải thượng tôn pháp luật.