Năm 2023, doanh thu toàn ngành thông tin và truyền thông ước đạt hơn 3,7 triệu tỷ đồng
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2023, với phương châm chủ động thích ứng, hành động quyết liệt theo tinh thần điều hành của Chính phủ là “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả” và thực hiện chủ đề của năm 2023 là “Năm Dữ liệu số, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới”, Bộ tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương và hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, tham mưu đề xuất để có phản ứng chính sách phù hợp, kịp thời với tinh thần trách nhiệm cao, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của toàn ngành thông tin và truyền thông.
Năm 2023, doanh thu toàn ngành ước đạt 3.744.214 tỷ đồng, tăng 1,49% so với năm 2022. Nộp ngân sách nhà nước ước đạt 99.323 tỷ đồng, tăng 1,31% so với năm 2022. Đóng góp vào GDP của ngành thông tin và truyền thông ước đạt 887.398 tỷ đồng, tăng 1,34% so với năm 2022. Tổng số lao động toàn Ngành năm 2023 ước khoảng 1.767.766 lao động, tăng 2,72% so với năm 2022.
Năm 2023, công cuộc chuyển đổi số quốc gia với mục tiêu kép là: Vừa phát triển Chính phủ số, Kinh tế số, Xã hội số; vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số lớn mạnh của Việt Nam để vươn ra thế giới ngày càng được lan tỏa sâu, rộng trên phạm vi toàn quốc, không để ai bị bỏ lại phía sau trong công cuộc chuyển đổi số toàn dân
Hoạt động bưu chính tiếp tục có bước chuyển dịch mạnh mẽ với sự bùng nổ của thương mại điện tử góp phần thúc đẩy kinh tế số. Năm 2023, doanh thu dịch vụ bưu chính đạt 58.900 tỷ đồng, tăng 9,3% so với năm 2022. Việt Nam thăng 1 hạng theo xếp hạng chỉ số phát triển bưu chính năm 2023 (từ nhóm 5 lên nhóm 6; nhóm 10 là nhóm cao nhất).
Đối với ngành viễn thông, tổng doanh thu dịch vụ viễn thông ước đạt 139.260 tỷ đồng, tăng0,41% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 99,5% kế hoạch năm 2023.
Công nghiệp công nghệ số có những bước tiến mạnh mẽ. Doanh thu của lĩnh vực đạt 142 tỷ USD với tỷ lệ giá trị Việt Nam chiếm 28,7%. Khoảng 1.500 doanh nghiệp công nghệ số có doanh thu từ thị trường nước ngoài (tăng gần 4% so với năm 2022). Phát triển công nghiệp công nghệ số, đưa công nghệ Make in Viet Nam vào mọi mặt của đời sống xã hội.
Về lĩnh vực xuất bản, năm 2023, quy mô doanh thu thị trường sách nói đạt trên 102 tỷ đồng, tăng 2 lần so với 2022 (52,3 tỷ); ước đạt trên 40 triệu bản sách nghe, tăng 25% so với năm 2022. Tỷ lệ nhà xuất bản đăng ký hoạt động xuất bản phẩm điện tử ước đạt 40,3%, vượt 20% so với kế hoạch; Số tựa sách điện tử xuất bản trong năm ước đạt 4.600, tăng 31,4%, đưa tỷ lệ sách điện tử/sách đạt 15,3% trên tổng số xuất bản phẩm (vượt chỉ tiêu năm 12%).
Đặc biệt, năm 2023, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế tiếp tục được ưu tiên thực hiện. Luật Giao dịch điện tử và Luật Viễn thông đã được Quốc hội khóa XV thông qua với tỷ lệ biểu quyết thông qua cao. Sau 14 năm, ngành Thông tin và Truyền thông lại có được 2 luật được ban hành trong vòng một năm.
Bên cạnh đó, Chỉ thị số 07 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác truyền thông chính sách đã thay đổi căn bản về tư duy, nhận thức, coi truyền thông chính sách trước hết là một việc, một chức năng của cơ quan hành chính nhà nước, góp phần hình thành bộ máy, nguồn lực cho công tác này.
"Cần cơ chế đặc thù cho chuyển đổi số"
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, |
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang khẳng định ngành CNTT Việt Nam đang nắm giữ vai trò quan trọng, vì chuyển đổi số vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển của đất nước. Trong đó, chuyển đổi số là phần việc quan trọng trong cải cách hành chính.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, việc đi tắt, đón đầu để xóa khoảng cách với các nước phát triển chỉ có thể thực hiện bằng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo.
Phó Thủ tướng cũng cho biết, một trong những rào cản lớn nhất của chuyển đổi số là thể chế, chính sách. Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông ngoài việc xây dựng được thông tư, nghị định, sửa đổi các nghị định cũ không còn hợp lý, thì các nghị định, quy định mới, cần phải làm nhanh, khẩn trương, và phải chuẩn mực.
"Chuyển đổi số là một lĩnh vực rất đặc biệt, nên cần nhiều cơ chế đặc thù. Nếu không có cơ chế đặc thù, không thể giải quyết được vấn đề", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, chương trình chuyển đổi số quốc gia đã qua 4 năm.
Năm 2020 là khởi động; năm thứ 4 - 2023 là năm dữ liệu số và đến lúc, đã đủ điều kiện để chuyển đổi số quốc gia phải gắn với nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 2024 sẽ là năm ngành thông tin và truyền thông thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm theo chủ đề: "Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động".
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ, kinh tế số là động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng, vừa giúp tăng trưởng GPD, vừa tăng năng suất lao động. 2024 sẽ là năm phổ cập hạ tầng số, phổ cập các thành tố nền tảng của chuyển đổi số, phát triển các ứng dụng số để phát triển kinh tế số, tạo ra động lực mới để tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động. Hạ tầng số của Việt Nam dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, phổ cập, bền vững, xanh, thông minh, mở và an toàn. Hạ tầng này phải được ưu tiên đầu tư, hiện đại hóa và đi trước một bước để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Định hướng 2024 là phổ cập hạ tầng số, sáng tạo ứng dụng số
Bộ trưởng Thông ti và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu. |
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, ngành thông tin và truyền thông sẽ tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được trong năm 2023, định hướng 2024 sẽ là năm ngành thông tin và truyền thông thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm theo chủ đề phổ cập hạ tầng số, sáng tạo ứng dụng số. Mục tiêu là để phát triển kinh tế số, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động.
"2024 sẽ là năm ngành thông tin và truyền thông thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm theo chủ đề: "Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động", Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng định hướng.
"2024 sẽ là năm phổ cập hạ tầng số, phổ cập các thành tố nền tảng của chuyển đổi số, phát triển các ứng dụng số để phát triển kinh tế số, tạo ra động lực mới để tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động. Trong đó, kinh tế số là động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng, vừa giúp tăng trưởng GPD, vừa tăng năng suất lao động", Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông cho biết thêm.
Ngoài ra, năm 2024 sẽ là năm ứng dụng mạnh mẽ AI, trợ lý ảo. Bộ trưởng cho rằng, với 120.000 văn bản, thể chế trong hệ thống pháp luật đã vượt quá khả năng xử lý của cá nhân. Số lượng này đang tiếp tục tăng qua mỗi năm.
"Vì vậy, lời giải duy nhất hiện nay là hãy để AI xử lý số lớn, con người xử lý số nhỏ", Bộ trưởng đưa ra giải pháp.
"Số nhỏ cần nhiều sự tưởng tượng, cần nhiều sáng tạo và đó là thế mạnh của con người. Số lớn thì con người luôn thấy không thoải mái khi làm, thấy vất vả khi làm và có xu thế thoái thác. Và hiện nay AI đã có thể làm thay được, lại làm tốt hơn rất nhiều", Bộ trưởng nói.