Nỗ lực khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí

Những ngày gần đây, thành phố Hà Nội và một số địa phương khu vực phía bắc đối mặt tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Trong đó, ô nhiễm bụi PM2,5 được coi là loại bụi “tử thần” trong không khí, có thể đi sâu vào phổi, gây ra nhiều bệnh về hô hấp, tim mạch, đặc biệt là với người già, trẻ em.
0:00 / 0:00
0:00
Tình trạng ô nhiễm không khí diễn ra thường xuyên tại Hà Nội trong những ngày qua. (Ảnh TỐ LINH)
Tình trạng ô nhiễm không khí diễn ra thường xuyên tại Hà Nội trong những ngày qua. (Ảnh TỐ LINH)

Theo hệ thống quan trắc không khí IQAir, sáng 6/1, với chỉ số chất lượng không khí AQI ở mức 197, Hà Nội là thành phố ô nhiễm không khí xếp thứ 4 thế giới. Cụ thể, trạm đo tại quận Tây Hồ (Hà Nội) ghi nhận chỉ số AQI mầu nâu “nguy hiểm” lần lượt ở mức 344 và 318.

Trong khi đó, kết quả tại các trạm đo do Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) thực hiện ghi nhận: Tại trạm 556 đường Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên) chỉ số AQI 197, mức xấu; trạm đo Đại học Bách khoa Hà Nội, đường Giải Phóng (quận Hai Bà Trưng), chỉ số AQI 176, mức xấu; trạm đo Công viên Nhân Chính-Khuất Duy Tiến (quận Thanh Xuân) chỉ số AQI 167, mức xấu. Không chỉ Hà Nội, mà các tỉnh Thái Bình, Hà Nam, Hải Dương đều có các AQI lần lượt ở mức 246, 228 và 221(rất không tốt cho sức khỏe con người).

Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam nhận định: Kết quả số liệu từ các mạng lưới quan trắc cho thấy, số ngày ô nhiễm trong năm ngày càng nhiều, thậm chí có ngày AQI mầu nâu, mầu tím. Đặc biệt là Hà Nội, ô nhiễm không khí do nồng độ khói bụi dày đặc.

Trong số đó, các hạt bụi mịn với kích thước nhỏ hơn 2,5 micron (PM2,5) đáng chú ý nhất vì chúng có khả năng xâm nhập sâu vào phổi, ảnh hưởng hệ hô hấp và hệ thống mạch máu, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Thời gian ô nhiễm không khí thường tập trung từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau.

Nguyên nhân được xác định chủ yếu là do các nguồn thải từ sản xuất, xây dựng, giao thông, đốt rơm rác. Ngoài ra, điều kiện thời tiết mùa đông không thuận lợi cho phát tán không khí nên khí thải ra ngoài môi trường bị lưu cữu ở tầng thấp khiến nồng độ ô nhiễm không khí cao.

Theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, có nhiều nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí. Cụ thể, toàn thành phố có 17 khu công nghiệp; khoảng 806 làng có nghề, trong đó có 318 làng được công nhận làng nghề; hơn 770 nghìn xe ô-tô, gần sáu triệu xe máy lưu thông hằng ngày... là nguồn phát thải khí nhà kính gây ô nhiễm môi trường, trực tiếp khiến cho tình trạng ô nhiễm môi trường không khí ngày càng tăng.

Bên cạnh đó, hoạt động đốt rơm rạ, rác thải sinh hoạt của người dân không được kiểm soát cũng là nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường không khí. Kết quả quan trắc của Trung tâm Nghiên cứu quan trắc và mô hình hóa môi trường (Đại học Quốc gia Hà Nội) năm 2022 cho thấy, các hoạt động này tại Hà Nội đã phát thải ra môi trường không khí 758 tấn bụi mịn PM2,5 và hơn 8.400 tấn khí CO và gần 110 nghìn tấn khí CO2, gây ô nhiễm môi trường không khí nghiêm trọng.

Các chuyên gia lĩnh vực môi trường cho rằng, để từng bước khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí ở nước ta hiện nay, đặc biệt là tại các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, khu vực tập trung nhiều các hoạt động giao thông, xây dựng, công nghiệp…, chính quyền các địa phương cần chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

Quá trình thanh tra, kiểm tra cần chú trọng các nội dung về môi trường không khí đối với các công trình xây dựng, công trình giao thông, tập trung vào các quận nội thành, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường; đình chỉ hoạt động các công trình xây dựng vi phạm không che chắn, phát tán khói bụi ra môi trường; đề xuất các quy định xử phạt vi phạm hành chính về môi trường không khí theo hướng tăng mức xử phạt, bảo đảm tính răn đe.

Mặt khác, chính quyền các địa phương áp dụng các biện pháp nhằm xử lý rơm rạ, phế phẩm nông nghiệp sau thu hoạch; kiểm tra, giám sát và xử phạt nghiêm đối với những cá nhân, tổ chức đổ, đốt chất thải bừa bãi, đốt rơm rạ trong các vụ thu hoạch, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng nơi quy định nhằm giảm tác động tiêu cực đến môi trường không khí trên địa bàn mình quản lý.

Đặc biệt, trong những ngày ô nhiễm không khí ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, người dân cần thực hiện nghiêm các khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn, nhất là người dân cần hạn chế hoạt động ngoài trời và chuyển tất cả hoạt động vào trong nhà. Nếu cần thiết phải ra ngoài, người dân cần đeo khẩu trang đạt tiêu chuẩn.

Mới đây, tại hội nghị “Thúc đẩy thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn của Việt Nam” do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy đề nghị các bộ, ngành cần khẩn trương rà soát, tham mưu trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách tăng cường hiệu quả quản lý chất lượng không khí, trong đó, tập trung vào các chính sách về thuế bảo vệ môi trường, phí bảo vệ môi trường đối với khí thải; chính sách cho vay, hỗ trợ, ưu đãi “chuyển đổi xanh”; chính sách ưu đãi, hỗ trợ (thuế nhập khẩu) đối với thiết bị, công nghệ xử lý, giảm phát sinh khí thải; ban hành quy chuẩn khí thải đối với các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ nhập khẩu và sản xuất trong nước.

Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên môn của Bộ Tài nguyên và Môi trường cần nhanh chóng hoàn thiện và vận hành hiệu quả cơ sở dữ liệu về nguồn thải, giám sát tự động các nguồn thải lớn và kết nối dữ liệu trực tuyến. Trên nguyên tắc chất lượng môi trường không khí phải được quan trắc, giám sát thường xuyên, liên tục và công bố công khai theo quy định của pháp luật...