Chợ Lách mùa hoa, cây kiểng Tết

Vùng đất Chợ Lách là xứ hoa, cây kiểng (cảnh) lớn nhất của tỉnh Bến Tre khi cung cấp hàng chục triệu sản phẩm mỗi năm cho thị trường trong nước và ngoài nước.
0:00 / 0:00
0:00
Gia đình bà Trần Thị Thu Hương (ngụ xã Sơn Phú, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) chăm sóc hoa chuẩn bị bán trong dịp Tết Nguyên đán.
Gia đình bà Trần Thị Thu Hương (ngụ xã Sơn Phú, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) chăm sóc hoa chuẩn bị bán trong dịp Tết Nguyên đán.

Đặc biệt, vào dịp cận Tết Nguyên đán, hình ảnh người dân nơi đây tất bật hoàn tất những công đoạn cuối cùng để chuẩn bị mang hoa, cây kiểng ra chợ đã tạo nên khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp với muôn sắc hoa tươi thắm.

Những ngày đầu tháng Chạp, du khách đến Chợ Lách sẽ cảm nhận không khí Tết khi khắp các con đường, thửa ruộng đều tràn ngập sắc hoa. Làng nghề truyền thống trồng hoa, cây kiểng nổi tiếng hơn một thế kỷ với nhiều loại hoa như: Cúc mâm xôi, hoa giấy, mai vàng, vạn thọ… được người dân chăm sóc cẩn thận để chuẩn bị cho vụ mùa quan trọng nhất trong năm là vào Tết Nguyên đán.

Mùa xuân đến sớm

Những ngày này, đi dọc các con đường từ xã Hưng Khánh B đến Vĩnh Thành, Phú Sơn, Long Thới… của huyện Chợ Lách, đâu đâu cũng bắt gặp người dân tất bật chăm sóc hoa, cây kiểng. Mới sáng sớm, bà Trần Thị Thu Hương (ngụ xã Phú Sơn) cùng chồng và con gái lo tưới nước rồi chăm sóc hàng nghìn chậu cúc mâm xôi, cúc Hà Lan, hoa mào gà, ớt… để kịp giao cho thương lái.

Bà Hương cho biết: “Tôi về đây hơn 20 năm rồi theo nghề trồng hoa bán trong dịp Tết. Gia đình chồng cũng mấy thế hệ chuyên trồng hoa và thế hệ con của tôi nay cũng tiếp tục theo nghề truyền thống của gia đình. Cả xóm này hầu như nhà nào cũng trồng hoa, nhờ hoa mà nhiều gia đình khá giả, đón Tết đủ đầy…”. Dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm nay, gia đình bà Hương trồng hơn 3.000 giỏ hoa các loại và đã được thương lái đặt hàng để cung ứng tại các chợ hoa.

Nghề trồng hoa, cây kiểng cùng với nghề làm cây giống trở thành nghề mang thu nhập chính cho người dân nơi đây. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phú Sơn Trần Minh Đức cho biết: “Nghề trồng hoa, cây kiểng có từ lâu đời của người dân xã Phú Sơn. Hiện toàn xã có gần 2.000 hộ chuyên trồng hoa, cây kiểng, chiếm gần 70% tổng số hộ trên địa bàn. Làng nghề có sản phẩm bán quanh năm nhưng nhiều nhất là trong dịp Tết Nguyên đán với các sản phẩm phong phú, đa dạng về loại, kích cỡ để cung ứng ra thị trường”.

Trong khi nhiều hộ dân trồng cúc mâm xôi, cúc Hà Lan chỉ mới chớm nụ, một số ruộng hoa tại xã Long Thới đã nở vàng để cung ứng ra thị trường Hà Nội và các tỉnh phía bắc. Ra ruộng hoa cúc mâm xôi với số lượng 2.500 giỏ đã nở vàng, ông Nguyễn Văn Cường (ngụ xã Long Thới) chuẩn bị vận chuyển ra xe tải để giao cho thương lái với giá bán 80 nghìn đồng/giỏ.

Năm nay, giá phân bón, thuốc, cây giống… đều tăng nhưng gia đình ông Cường cũng đạt lợi nhuận gần 100 triệu đồng sau hơn sáu tháng chăm sóc cúc mâm xôi. Ông Cường cho biết: “Mấy năm nay, thị trường các tỉnh phía bắc ưa chuộng cúc mâm xôi nên nhiều hộ dân trồng trước gần một tháng để thương lái vận chuyển ra ngoài kia tiêu thụ. Khi đó, hoa sẽ nở bung hết mới vận chuyển vì mang ra ngoài các tỉnh phía bắc gặp không khí lạnh, hoa sẽ không nở nữa. Vì vậy, một số hộ dân có thương lái quen từ các năm trước đặt hàng sẽ sản xuất sớm hơn so với các hộ dân khác tiêu thụ tại thị trường các tỉnh lân cận”.

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách Trần Hữu Nghị thông tin: Năm nay tại các làng trồng hoa, cây kiểng của địa phương sản xuất khoảng 12 triệu sản phẩm các loại để cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán. Đến thời điểm hiện tại, một số sản lượng hoa, cây cảnh được thương lái đặt hàng; số lượng còn lại người dân mang ra chợ bán trực tiếp cho người tiêu dùng hay bán hàng qua kênh online. Hằng năm, địa phương đều liên hệ, kết nối với các chợ hoa tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trong khu vực để người dân thuê lô, sạp tiêu thụ hoa, cây cảnh trong dịp cận Tết.

Xứ sở của những nghệ nhân

Nhắc đến Chợ Lách, nhiều người nghĩ ngay đến những nghệ nhân nông dân chuyên tạo dáng những cây quất, si, mẫu đơn, hoa giấy… thành hình những cây bon sai, con vật, lục bình, ngôi nhà… độc đáo được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trên địa bàn huyện Chợ Lách có hơn 6.000 hộ chuyên trồng hoa, cây kiểng thì có đến 2.500 hội viên Hội sinh vật cảnh với khoảng 700 nghệ nhân cấp tỉnh và bảy nghệ nhân cấp quốc gia.

Theo nhiều nghệ nhân tại địa phương, người đặt nền móng cho nghề trồng hoa, cây kiểng tại Chợ Lách là nhà khoa học Trương Vĩnh Ký (1837-1898) khi ông mang nhiều cây giống, hoa, cây kiểng về cho dân vùng này trồng. Nhờ thiên nhiên ưu đãi với đất đai màu mỡ, nước ngọt quanh năm nên người dân phát triển thành nhiều làng nghề nổi tiếng như: Hoa giấy Lân Đông (xã Phú Sơn), mai vàng Cái Mơn (xã Vĩnh Thành), kiểng thú (xã Hưng Khánh Trung B), cúc mâm xôi (xã Long Thới)…

Nghệ nhân Nguyễn Văn Công, 77 tuổi (ngụ xã Hưng Khánh Trung B) là người đầu tiên tạo dáng cây si thành những hình thù độc đáo như: Con vật, máy bay, bình trà, ngà voi, ngôi nhà, lục bình… Sản phẩm nổi tiếng của ông từng xuất khẩu sang Singapore, Campuchia, Australia… Nghệ nhân Nguyễn Văn Công cho biết: “Trước đây ở Chợ Lách có nhiều nghệ nhân tiền bối sử dụng cây bùm sụm, mai chiếu thủy để uốn thành hình con vật nhưng do thân cây cứng nên việc tạo dáng rất khó khăn.

Cách đây hơn 30 năm, trong lần tình cờ bán hoa trong chợ Tết tại Thành phố Hồ Chí Minh, tôi biết cây si phát triển nhanh, thân dẻo có thể uốn thành nhiều hình dáng khác nhau nên mang về trồng thử. Sau đó, tôi phát bỏ vườn cây ăn quả để trồng cây si rồi chiết nhánh uốn thành con rồng. Sau đó, sáng tạo ra nhiều con vật khác và dần dần có thể làm bất cứ hình dáng nào theo nhu cầu của khách hàng như: Máy bay, tàu, hàng rào, cổng, hình con vật, lục bình, bình trà...

Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán, nhiều khách hàng đặt làm hình con vật như rồng, trâu, ngựa, voi…”. Cơ sở của ông Công giải quyết việc làm ổn định cho 17 nhân công tại địa phương. Từ mô hình ban đầu của mình, nhiều người dân trong vùng đã học hỏi và phát triển ra hơn 20 cơ sở cùng làm kiểng thú, kiểng hình từ cây si để cung ứng thị trường trong và ngoài nước.

Chủ tịch Hội sinh vật cảnh huyện Chợ Lách Trần Minh Mẫn cho biết: “Làng nghề truyền thống sản xuất hoa, cây kiểng ở Chợ Lách có từ rất lâu đời và phát triển, hiện đại hóa theo thời gian. Mỗi khu vực chuyên trồng các loại hoa, cây cảnh khác nhau tạo nên nét đặc trưng riêng như: làng trồng hoa giấy, cúc mâm xôi, mai vàng, cây cảnh tạo hình, bon sai… rất độc đáo. Trong đó, kiểng thú bằng cây quất được xem là sản phẩm “độc quyền” mà nhiều năm qua chỉ ở làng hoa Chợ Lách mới có”.

Tìm hướng phát triển bền vững làng nghề truyền thống

Nghề truyền thống trồng hoa, cây kiểng lâu đời tại huyện Chợ Lách đang từng bước xây dựng thương hiệu, phát triển du lịch trong làng nghề để tìm hướng đi bền vững. Năm 2017, tỉnh Bến Tre thực hiện thí điểm đề án xây dựng Làng văn hóa du lịch Chợ Lách kết nối bốn ấp gồm: Đông Kinh (xã Vĩnh Hòa), Lân Đông (xã Phú Sơn), An Hòa (xã Long Thới), Vĩnh Nam (xã Vĩnh Thành). Vòng kết nối với tổng diện tích 1.490 ha đi qua bốn xã của huyện Chợ Lách và trung tâm đặt tại xã Vĩnh Thành trong Khu lưu niệm nhà khoa học Trương Vĩnh Ký.

Từ đó, khách du lịch có thể tham quan các điểm du lịch của địa phương ở chung quanh như nhà thờ Cái Mơn, nhà cổ, vườn sầu riêng, làng hoa giấy, vườn cây ăn trái, vườn sản xuất cây giống lớn nhất cả nước… Mô hình Làng văn hóa du lịch Chợ Lách là sản phẩm của chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) thuộc nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn hướng đến mục tiêu kiến tạo điểm đến du lịch đặc thù miệt vườn, kích thích sản xuất, nâng cao giá trị và quảng bá sản phẩm nông nghiệp. Đây là mô hình làng điểm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lựa chọn thí điểm xây dựng.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Chợ Lách Phạm Anh Linh cho biết: “Địa phương đang tập trung hướng người dân trồng hoa, cây kiểng từ truyền thống sang sản xuất theo chuỗi giá trị và xây dựng thương hiệu hoa-kiểng Chợ Lách. Huyện đang chuẩn bị tổ chức Lễ hội “Hoa - Kiểng huyện Chợ Lách năm 2025” nhằm tạo không gian văn hóa được hình thành từ sản xuất nông nghiệp đặc trưng là kinh tế vườn, nghề làm cây giống, hoa kiểng hàng trăm năm trên vùng đất này.

Từ đó, tập trung đẩy mạnh tăng cường xúc tiến thương mại, phát triển thị trường; quảng bá thương hiệu địa phương và tiếp tục mời gọi các nhà đầu tư nhằm khai thác tốt hơn nữa những lợi thế từ làng nghề truyền thống hoa, cây kiểng góp phần tăng thu nhập, phát triển bền vững kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân”.

Bên cạnh việc triển khai xây dựng Làng văn hóa du lịch Chợ Lách, tỉnh Bến Tre đang triển khai đề án phát triển cây giống và hoa kiểng Chợ Lách mang tầm quốc gia, với tổng kinh phí đầu tư gần 85 tỷ đồng. Đề án sẽ tiến hành xây dựng vùng sản xuất chuyên canh tập trung đạt 300 ha đến 500 ha gắn với phát triển chuỗi giá trị.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh cho biết: Để phát huy tiềm năng và thế mạnh của tỉnh, tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ 11 (nhiệm kỳ 2020-2025) đã đề ra nhiệm vụ xây dựng đề án “Phát triển cây giống và hoa kiểng Chợ Lách mang tầm quốc gia” nhằm tạo một sức bật mạnh mẽ về định hướng đầu tư và sản xuất cho ngành giống cây trồng, hoa kiểng có giá trị kinh tế cao, góp phần hỗ trợ sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.

Trong đó, mục tiêu phát triển sản xuất giống cây trồng, hoa kiểng theo hướng công nghiệp hiện đại nhằm cung cấp cho sản xuất đủ giống có năng suất, chất lượng, thích ứng biến đổi khí hậu và nhu cầu thị trường. Từ đó, góp phần thực hiện thành công định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tổ chức lại sản xuất nghề cây giống, hoa kiểng để huyện Chợ Lách trở thành trung tâm sản xuất cây giống và hoa kiểng mang tầm quốc gia.