Vành đai ô nhiễm (Kỳ 2)

Kỳ 2: Rác thải “tập kết” trong Hà Nội
0:00 / 0:00
0:00
Rác bị đốt trộm cạnh biển cấm tại xã Tân Triều.
Rác bị đốt trộm cạnh biển cấm tại xã Tân Triều.

Lúc 8 giờ ngày 17/12/2024, kết quả quan trắc của 2 trong số 3 trạm đo thuộc Trung tâm Quan trắc môi trường miền bắc cho thấy, chất lượng không khí tại một số điểm của Hà Nội ở mức rất xấu; trạm còn lại cũng ở mức xấu. Cụ thể, tại Trạm đo Trung tâm Quan trắc môi trường miền bắc (số 556 Nguyễn Văn Cừ, Hà Nội), chỉ số chất lượng không khí (AQI) là 220; cổng Trường đại học Bách khoa (đường Giải Phóng) chỉ số AQI là 217; Công viên Nhân Chính (đường Khuất Duy Tiến) là 164. Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) đánh giá khi chỉ số AQI ở mức 201-300, tương ứng với thang mầu tím, thể hiện chất lượng không khí ở mức rất xấu, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của cộng đồng.

Cũng phải thôi, từ trung tâm Hà Nội, nhìn tứ phía về các địa bàn giáp ranh, đã bắt gặp thêm một số hành vi trong quá trình dùng khói bụi ô nhiễm làm vẩn đục bầu không khí Thủ đô.

Nhiều kiểu gây ô nhiễm

Những kẻ đốt trộm rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp, thậm chí rác thải nguy hại thường chọn vị trí lẫn vào các khu đổ rác sinh hoạt tập trung cố định, những nơi đồng không mông quạnh thiếu vắng bóng người. Ở ven mỗi làng, khu giáp ranh mỗi xã, huyện, dưới chân những cột điện cao thế (bởi nằm trong hành lang an toàn lưới điện thì không có người hay cơ sở nào hoạt động) hoặc là ở ven đê, sát dòng sông, con suối, bên những con đường vắng, thậm chí là những khoảng trống giữa các làn đường cao tốc (người xả thải hầu như không bị bắt gặp bởi cao tốc là đoạn đường cách xa khu dân cư, các đối tượng chỉ cần thời gian tính bằng giây để trút bỏ tất cả những thứ rác rưởi mà cần phải xử lý theo quy định thì rất tốn công tốn sức). Thời gian đốt rác vào khoảng từ 18 giờ cho tới nửa đêm bởi đây là quãng thời gian người dân sở tại không qua lại những điểm được chọn đốt. Thời gian chạng vạng là “giờ vàng” của những kẻ đốt trộm rác thải. Nó là khi cơ quan chức năng không làm việc. Giờ ấy, chẳng ai cất công ra bãi rác để dập lửa trong môi trường cực kỳ độc hại vì không có… bị hại. “Bí quyết” này thường xuyên được áp dụng ở các địa bàn quanh nội thành Hà Nội. Bởi thế, rác sinh hoạt và rác thải công nghiệp trộn lẫn vào nhau, hằng ngày vẫn đang bay theo gió hun khói nội thành…

Theo “bí quyết” của dân xả trộm rác thải, chúng tôi chọn cách đi về phía tây Hà Nội dọc theo đường cao tốc Láng - Hòa Lạc. Trên cung đường này, có thể bắt gặp nhiều đám khói nhỏ nằm ngay giữa làn đường xe ô-tô. Những đám cháy không ngẫu nhiên xuất hiện khi nó là tập hợp của những túi nylon, kính vỡ, xà bần các loại nằm ở chỗ không có cư dân. Dọc theo quãng đường từ đoạn hầm chui Trần Duy Hưng tới đường gom xuống khu đô thị Mailand (nam An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội) cách đó chưa đầy 10 km, đã có thể bắt gặp cả chục điểm đổ thải trộm, nó nhỏ lẻ và quen thuộc tới mức người dân chẳng buồn để ý. Nhưng nó sẽ thành một khối lượng rác khổng lồ nếu như gom tất cả chúng vào một chỗ.

Ở chân mỗi cầu chui dân sinh nằm bên đường ven cao tốc Láng - Hòa Lạc cũng dễ dàng bắt gặp tình trạng tương tự. Nó là những đống rác thải xây dựng, kính vỡ, túi nylon luôn trong tình trạng âm ỉ cháy… Chưa biết ai là người bị quy tội đốt trộm rác ở những đống rác lộ thiên ấy. Chỉ có một điều chắc chắn là rác không tự nhiên sinh ra, cũng không tự nhiên mất đi, nó chỉ bị… đốt để trở thành khói độc bay quanh Hà Nội.

Đốt rác để tìm… phế liệu

Cách trung tâm thành phố gần 10 km, Tân Triều như một bán đảo của huyện Thanh Trì cắm vào lòng quận Hoàng Mai và quận Hà Đông. Chỉ mới hơn chục năm trước, đây là địa chỉ bị đánh giá là ô nhiễm bậc nhất với hàng đống rác, phế thải đủ các loại, bao túi nylon, chai lọ thủy tinh vỡ, săm lốp ô-tô, xe đạp hỏng, đặc biệt là lông gà, lông vịt ướt... chất bên đường, trong ngõ xóm, bốc mùi khó chịu. Thực tế cho thấy đây là khu vực lý tưởng cho các hành vi trốn tránh cơ quan chức năng, bởi nó nằm ở địa bàn giáp ranh, có tới 3 địa phương quản lý.

Trung tuần tháng 12, chúng tôi đi khảo sát khu vực. Chỉ cách đường Nguyễn Xiển chưa đầy cây số, rẽ vào những nhánh đường ngang chạy dọc theo cánh đồng đang… chờ quy hoạch, sẽ bắt gặp nhiều đống rác cùng lúc đang bốc khói ngay giữa ban ngày. Rác cháy ngay cạnh cổng nghĩa trang của làng. Cạnh những khu tập kết đầy thùng nhựa của một công ty không tên. Có lẽ người ta đốt thường xuyên ở đây nên ở cả 4 đống rác đang bốc khói đen cùng một lúc trong một khoảnh đất chỉ trăm mét vuông, không thấy cỏ mọc lên.

Ông Nguyễn Thanh Chương ở khu tái định cư gần đó cho biết, hiện nay Tân Triều còn rất ít hộ giữ nghề đồng nát. Còn khoảng gần trăm hộ thu gom phế liệu đã được chuyển ra Đường 25 m, xa khu dân cư. Đi theo Đường 25 m vẫn còn hàng đống phế liệu đã được tập kết, đóng bao, chất đống ven đường chờ chuyển đi. Anh Trần Mạnh Quỳnh, nhân viên một cửa hàng ven đường cho biết, các hộ làm nghề thu gom phế thải đã được tập trung hết về Đường 25 m này. Cạnh Đường 25 m, đang hình thành rất nhiều nhà xưởng, kho hàng dựng bằng khung sắt mái tôn, bãi thu gom phế liệu. Khu vực này cũng tập trung lượng lớn rác vật liệu xây dựng và rác thải sinh hoạt bị đổ trộm, rác bị đốt nhiều đến mức chỉ cách nhau một đoạn đường ngắn vài trăm mét, “ai đó” lại phải đặt một biển cảnh báo “khu vực cấm vứt rác, bỏ rác ở nơi công cộng” với nội dung phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với hành vi này. Vậy nhưng rác vẫn cứ la liệt ngay dưới những tấm biển cảnh báo, thậm chí người ta còn đốt cháy cả tấm biển cảnh báo như trêu ngươi những người có trách nhiệm.

Anh Nguyễn Thanh Tùng (xã Tân Triều, Thanh Trì) ngao ngán, chỗ này lắm rác vì bị người ta ra đổ trộm, đặc biệt từ những hộ thu gom phế liệu. Mấy bà thu gom phế liệu hay ra đây đốt để nhặt nhạnh ít đồng, ít sắt... đem bán, có khi đốt cả cái ghế sofa rồi nhặt sắt ra đem bán, nếu bắt gặp ra nói thì người ta lại dập đi, gọi xã cũng chẳng được! Theo anh, việc này diễn ra đã từ nhiều năm, có những điểm tập kết rác lớn cứ đúng 17 đến 18 giờ hằng ngày là đốt, điểm này nằm ngay sát Phòng Phát tín của Cục Viễn thông và Cơ yếu (Bộ Công an). Còn những điểm lắt nhắt khác thì… không tính vì cứ đợi một lúc sẽ thấy luôn, đã có lần rác cháy to, bốc cao làm cháy cả dây điện.

Lửa khói từ hướng bắc…

Tìm về hướng bắc của Hà Nội, đi theo đường số 3 tới cầu Phù Lỗ, rẽ theo con đê tới khu vực giáp ranh hai xã Xuân Nộn (Đông Anh) và Phù Lỗ (Sóc Sơn), chúng tôi bắt gặp cả chục cột khói đen bay lên dọc đê. Theo người dân phản ánh, đó là nơi tập trung một số nhà xưởng thu gom tái chế chất thải nguy hại như tái chế pin, linh kiện điện tử, xử lý rác y tế… Theo phản ánh của người dân thôn Đường Nhạn, cơ sở đúc nhôm trái phép của Công ty TNHH Môi trường P (trong địa bàn thôn) chưa hẳn dừng hoạt động, thì lại “mọc lên” cơ sở xử lý rác thải y tế, thi thoảng lại đốt rác. Cứ vài ngày, người dân lại thấy khói đen xì mù mịt, khét lẹt bay lên từ phía nhà xưởng công ty. Công ty này thuê lao động là người trong làng phân loại các loại rác thải y tế, kim tiêm, ống truyền... Họ còn “phát” cho mỗi công nhân vài bao tải rác nhựa y tế mang lên đê đốt trộm. Thử xem ba bao tải của công nhân được công ty phát cho nhưng chưa kịp mang đi đốt, thấy là bao bì của kim tiêm dùng một lần trong y tế. Bãi rác của thôn ở cuối làng là nơi tập kết rác thải của các cơ sở này thường xuyên bị đổ trộm, đốt cháy. Bà Đoàn Thị Xuyên, người dân thôn Đường Nhạn cho biết, khói khét suốt đêm. “Họ mang kim tiêm, ống chuyền máu, nhựa... mang ra đây, đổ hết vào làng tôi… đốt. Sau tinh vi hơn lại thuê “cô môi trường” - (lời người dân), chở sang đốt”, bà Xuyên phản ánh. Phần đất công ích xã cho các cơ sở sản xuất thuê, giờ đây lại thành nguồn gây ô nhiễm cho cả thôn.

4 giờ chiều 18/12, chúng tôi có mặt tại cơ sở mà người dân phản ánh là có hoạt động đốt rác thải y tế, công ty hoạt động không có bảng, biển hiệu, có khoảng 10 công nhân làm việc và vẫn có xe chở nguyên liệu ra vào liên tục. Hơn một giờ đứng ở đoạn đê khu vực thôn Đường Nhạn, nhìn sang phía bên kia sông Cà Lồ thấy cả chục cột khói bốc lên, họng khói to nhất xả ra từ khu vực được cho là một cơ sở tái chế chì quy mô lớn hoạt động chui trên đất nông nghiệp tại địa bàn xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội (?!).

Rác ở Quảng Phú Cầu

Xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa cũng là địa phương nổi danh về nghề thu gom phế liệu. Tại đây, dọc theo quốc lộ 21B là nhiều điểm tập kết của hàng trăm tấn phế liệu, phần lớn là bao bì nhựa, đồ nhựa cũ hỏng, giấy bìa carton, săm lốp ô-tô xe máy. Một chiều tháng 11, chị Đặng Thị Bài, Nguyễn Thị Thoa cùng nhiều lao động đang phân loại phế thải cho biết, họ đã làm việc ở đây hàng chục năm, chuyên thu gom, phân loại rác để đóng gói, chuyển đi, “môi trường làm việc ở đây chỉ có bụi chứ không có mùi khó chịu”. Tại thôn Xà Cầu (điểm nóng của xã về ô nhiễm rác thải) có con mương nước đen ngòm, lòng mương nhiều nơi cạn trơ lớp bùn đen quánh. Hai bên bờ mương còn nhiều rác lưu cữu. Anh Nguyễn Năng Hưng, lao động tại một cơ sở thu gom cho biết, khu vực Xà Cầu ô nhiễm khá nặng, biết là độc hại vẫn phải làm vì cuộc mưu sinh. Không thể nói là những điểm thu gom, tập kết phế liệu ở Tân Triều, ở Quảng Phú Cầu và nhiều nơi khác không gây ô nhiễm, bởi hàng núi rác, phế liệu tập trung một chỗ, quá trình phơi mưa, phơi nắng, nhựa,

cao-su, các hợp chất hóa học phân hủy tự nhiên sẽ phát tán bụi, khí độc ra môi trường. Những đống rác đổ trùm lấn ao hồ ngâm trong nước lâu ngày khiến nước đen ngòm, các loài thủy sinh không thể sống sót được trong môi trường tù đọng.

Điều không thể chối cãi là những điểm tập kết, chứa rác và đốt rác kiểu này đang hằng ngày gây tổn thương sâu sắc tới “lá phổi” của Thủ đô.

Khí hậu ở khu vực Hà Nội và đồng bằng sông Hồng bị ảnh hưởng khá nhiều bởi thời tiết. Vậy nên cứ tới những ngày này, Hà Nội lại bị đánh giá là ô nhiễm nhất trong năm. Hiện tượng “nghịch nhiệt” (trên lạnh, dưới nóng hoặc ngược lại) khiến cho bụi mịn và khói ô nhiễm không thể khuếch tán được mà bị ghìm lơ lửng giữa không gian. Chính bởi thế, nó gây ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe cộng đồng. Còn vào những mùa khác trong năm, khói bụi do ô nhiễm cơ bản không phải là không có, nó vẫn sinh ra và chỉ có thể được khuếch tán vào không khí, trong một môi trường rộng hơn và mức độ độc hại vì thế “loãng” hơn.

(Còn nữa)

Vành đai ô nhiễm (Kỳ 1)