Gia tăng ca mắc viêm đường hô hấp do ô nhiễm môi trường

NDO - Tuần qua, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh và Phòng khám đa khoa Tâm Anh quận 7 tiếp nhận hơn 1.500 người bệnh viêm đường hô hấp trên (viêm họng, viêm mũi xoang, viêm thanh quản, viêm amidan…); tăng 30% so với tuần trước đó.
Bác sĩ Thái Duy đang nội soi mũi cho một người bệnh.
Bác sĩ Thái Duy đang nội soi mũi cho một người bệnh.

Người bệnh đến khám trong tình trạng sốt, ho kéo dài, đau họng, nhức vùng mũi xoang, sổ mũi, nghẹt mũi kéo dài, tự uống thuốc không bớt. Trung tâm Tai Mũi Họng cũng mở thêm phòng khám và phòng rửa mũi xoang đáp ứng nhu cầu khám và điều trị của người bệnh.

Chị L.P.V. (34 tuổi) đến Phòng khám đa khoa Tâm Anh quận 7 khi đã ho ra máu nhiều lần, tưởng ung thư. Trước đó 2 tuần, chị V. đau họng, ho khan kéo dài nghẹt mũi, chảy nước mũi, sốt, khó thở, cảm giác nặng ở ngực, mệt mỏi toàn thân, không đáp ứng với thuốc cảm sốt thông thường. Người bệnh có tiền sử viêm mũi và viêm xoang.

Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa I Trương Tấn Phát, Trưởng Đơn vị Tai Mũi Họng, Phòng khám đa khoa Tâm Anh quận 7, nội soi tai mũi họng thấy niêm mạc họng người bệnh phù nề, xung huyết, chỉ định chị V. chụp X-quang.

Kết quả ghi nhận, dày thành phế quản, có hiện tượng viêm đường hô hấp lan rộng, đã biến chứng viêm phế quản. Chị V. được kê thuốc và rửa mũi xoang để làm sạch dịch nhầy, thông thoáng mũi xoang; phối hợp điều trị viêm phế quản với bác sĩ chuyên khoa hô hấp.

Gia tăng ca mắc viêm đường hô hấp do ô nhiễm môi trường ảnh 1

Bệnh nhân đến khám vì bệnh lý viêm đường hô hấp.

Bác sĩ Phát giải thích, khi viêm đường hô hấp trên, người bệnh ho khạc nhiều, vỡ mạch máu vùng vòm, khiến ho ra máu. Nhiễm trùng ban đầu ở họng, xoang không được điều trị dứt điểm, dịch nhầy chứa vi khuẩn và virus lan xuống đường hô hấp dưới gây viêm. Viêm phế quản có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng hơn như viêm phổi, nhiễm trùng thứ cấp, tràn khí màng phổi, suy hô hấp.

Bé M.V.N. (7 tuổi) nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh sau 3 ngày sốt cao liên tục, không đáp ứng với thuốc hạ sốt, ho kéo dài, đau họng, không ăn uống được, nghẹt mũi, khó thở đặc biệt vào ban đêm.

Kết quả các xét nghiệm và nội soi tai mũi họng ghi nhận hầu họng bé N. phù nề nặng, niêm mạc mũi xung huyết, tắc nghẽn khí quản nhẹ do dịch tiết. Xét nghiệm máu cho thấy bạch cầu tăng cao, dấu hiệu nhiễm trùng. N. được chẩn đoán viêm mũi họng tiến triển nặng với nguy cơ biến chứng thành viêm phổi hoặc áp xe hầu họng.

Bé N. được rửa mũi xoang, thở khí dung để giảm phù nề, làm sạch dịch tiết trong đường hô hấp, điều trị kháng sinh liều cao, nhằm kiểm soát tình trạng nhiễm trùng kèm bổ sung điện giải, thuốc giảm đau, hạ sốt và hỗ trợ miễn dịch. Hiện sau 7 ngày điều trị, các triệu chứng sốt, ho, nghẹt mũi của bé N. cải thiện. Bé được xuất viện và kê đơn thuốc hỗ trợ thêm tại nhà.

Theo bác sĩ Phát, đây là thời điểm đạt ‘đỉnh’ số ca bệnh liên quan đến đường hô hấp trên trong năm. Nếu như hơn một tháng trước, nhiều người bệnh viêm đường hô hấp vì thời tiết chuyển mùa thì giai đoạn cuối năm, thời tiết se lạnh, nhiệt độ giảm cùng với chất lượng không khí giảm khiến số ca bệnh gia tăng với triệu chứng nặng nghiêm trọng và kéo dài hơn.

Đặc biệt, trẻ em có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, dễ nhiễm khuẩn; người lớn tuổi có hệ miễn dịch suy yếu, người mắc bệnh đường hô hấp mạn tính vì niêm mạc mũi họng nhạy cảm hơn với dị nguyên.

Từ đầu tháng 12/2024 đến nay, theo ứng dụng quan trắc không khí Air Visual đo được tại nhiều khu vực ở TP Hồ Chí Minh có chất lượng không khí ở mức cảnh báo đỏ, nồng độ bụi mịn PM2.5 có thời điểm đạt ngưỡng 165 µg/m³, vượt ngưỡng nhiều lần theo tiêu chuẩn (5 µg/m³) của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Bụi mịn hay bụi PM2.5 là những hạt bụi li ti trong không khí, khi nồng độ tăng lên, không khí sẽ mờ đi và tầm nhìn bị giảm trông giống như sương mù. Nhiệt độ Thành phố Hồ Chí Minh hơn một tuần qua cũng xuống thấp khoảng 22-23 độ C, có mưa vào sáng sớm và ban đêm.

Khi bụi mịn thâm nhập sâu vào đường hô hấp, gây kích ứng, phù nề niêm mạc mũi họng, suy giảm chức năng phòng vệ của hệ hô hấp. Thời tiết lạnh còn tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm mốc và các vi sinh vật có hại phát triển mạnh. Niêm mạc đường hô hấp giảm lưu thông máu khi nhiệt độ giảm, khả năng chống lại vi khuẩn và virus bị suy yếu nên càng tăng nguy cơ mắc bệnh, tái phát và làm nặng hơn bệnh hô hấp mạn tính sẵn có.

Đồng thời, độ ẩm cao hiện nay còn khiến bụi mịn khó phát tán mà tồn tại lâu hơn ở tầm thấp. Bụi mịn “bám” vào nhau, tạo thành cụm, xâm nhập vào đường thở làm trầm trọng bệnh. Những yếu tố này cộng hưởng làm người bệnh viêm đường hô hấp tiến triển nặng hơn thông thường.

Gia tăng ca mắc viêm đường hô hấp do ô nhiễm môi trường ảnh 2
Bác sĩ Phát nội soi họng cho một người bệnh.

Thạc sĩ bác sĩ chuyên khoa I Thái Duy, Trung tâm Tai Mũi Họng cho biết, với người viêm mũi xoang mạn tính, khi bụi mịn xâm nhập vào đường hô hấp gây phù nề, tắc đường dẫn lưu của các xoang, ứ đọng dịch nhầy, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển; cùng thời tiết lạnh, viêm xoang tái phát với các triệu chứng nặng hơn, nhất là người lớn tuổi, người có hệ miễn dịch suy yếu, người nhiều bệnh nền.

Viêm xoang nếu không điều trị và điều trị kịp thời có thể biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng ổ mắt, dẫn đến suy giảm thị lực, nhiễm trùng não, viêm màng não, áp xe não tai, mạch máu…

Viêm đường hô hấp trên là bệnh theo mùa, bùng phát mạnh mẽ vào mùa lạnh, thời tiết hanh khô, ô nhiễm môi trường, có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: nhiễm trùng ổ mắt, giảm thị lực, tắc mạch xoang hoang, viêm não, áp xe họng, nhiễm trùng huyết…

Bác sĩ Thái Duy khuyến cáo, để phòng ngừa bệnh giai đoạn này, mọi người cần giữ ấm vùng cổ, ngực; đeo khẩu trang khi ra ngoài hoặc đến nơi đông người; sử dụng máy lọc không khí; tăng cường miễn dịch như ăn uống đủ chất, bổ sung vitamin C, uống đủ nước, ngủ đủ giấc; dọn dẹp nhà cửa, hạn chế nấm mốc; rửa tay thường xuyên. Đặc biệt không chủ quan với triệu chứng nhỏ, đi khám sớm để điều trị đúng, tránh biến chứng nặng.