Luật hóa để giảm ô nhiễm không khí

Để giảm ô nhiễm không khí, TP Hà Nội đang xây dựng dự thảo Nghị quyết quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp (Low Emission Zone - LEZ). Theo đó, các phương tiện giao thông hoạt động ở khu vực này phải đáp ứng tiêu chuẩn phát thải nghiêm ngặt, nếu không đạt sẽ bị hạn chế hoặc phải trả phí. Nếu được thông qua tại kỳ họp HĐND vào cuối năm 2024, quận Hoàn Kiếm sẽ được chọn thí điểm cho mô hình vùng LEZ từ đầu năm 2025.
0:00 / 0:00
0:00
Cần kiểm soát chặt chẽ mức độ phát thải của phương tiện giao thông. Ảnh: HẢI NAM
Cần kiểm soát chặt chẽ mức độ phát thải của phương tiện giao thông. Ảnh: HẢI NAM

Tác động lớn đến các phương tiện giao thông

Khí thải từ các phương tiện giao thông được xác định là một trong những nguyên nhân hàng đầu (chiếm 56%) gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Trong đó, lượng phát thải bụi PM2.5 và hợp chất hữu cơ bay hơi (VOC) chủ yếu đến từ xe tải chạy dầu diesel và xe máy, với VOC từ xe máy chiếm đến 90%. Theo số liệu của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, đến hết tháng 4/2024, Hà Nội có hơn 8 triệu phương tiện giao thông đường bộ, trong đó có 1.100 nghìn ô-tô, xe gắn máy và 72,58% trong số xe gắn máy này đã sử dụng hơn 10 năm.

Lần đầu tiên một giải pháp chống ô nhiễm không khí đã được luật hóa. Tại Khoản 6, Điều 3 của Luật Thủ đô, đưa khái niệm vùng phát thải thấp là khu vực để hạn chế các phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường nhằm cải thiện chất lượng không khí và bảo vệ sức khỏe cho người dân.

Mới đây, dự thảo Nghị quyết quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp mới được UBND thành phố Hà Nội tiến hành đang xin ý kiến rộng rãi của người dân thông qua cổng thông tin điện tử Hanoi.gov.vn. Theo đó, vùng phát thải thấp là khu vực giới hạn trong thành phố, các phương tiện giao thông hoạt động ở khu vực này phải đáp ứng tiêu chuẩn phát thải nghiêm ngặt. Phương tiện không đạt tiêu chuẩn sẽ bị hạn chế hoặc phải trả phí.

Vùng phát thải thấp là mô hình hoàn toàn mới mẻ, lần đầu tiên được quy định tại Việt Nam lại có tác động lớn đến các phương tiện giao thông, đặc biệt là xe máy, bởi vậy, người dân hết sức quan tâm. Ông Nguyễn Văn Mạnh, trú tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết: “Chủ trương xác định các vùng phát thải thấp để giải quyết các vấn đề ô nhiễm không khí do giao thông là rất bức thiết và cần phải giải quyết. Tuy nhiên, đi liền với đó cần phát triển hệ thống giao thông công cộng, giải quyết sinh kế cho người dân sử dụng xe gắn máy là phương tiện tạo thu nhập”. Bà Lê Thị Nhã, trú tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cũng chia sẻ: Gia đình chúng tôi sống trong khu vực phố cổ và bao cư dân khác đều đi lại bằng xe máy. Tại khu vực này, vì ngõ nhỏ, phố nhỏ nên rất khó sử dụng phương tiện công cộng. Thật khó khăn cho cuộc sống của chúng tôi nếu cấm hẳn phương tiện xe máy”.

TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) ủng hộ việc hình thành vùng LEZ theo xu hướng mà nhiều quốc gia đã thực hiện. Nếu mô hình này được thực hiện thành công ở Hà Nội, hoàn toàn có thể nhân rộng ra các đô thị cũng có mật độ dân cư đông và số lượng phương tiện cá nhân lớn như TP Hồ Chí Minh, TP Vinh (Nghệ An)... “Khi thực hiện, cần làm rõ phạm vi triển khai LEZ là ở một tuyến đường hay liên thông, đồng thời phải có chỉ số đo lường cụ thể. Cần nghiên cứu kỹ, tránh đưa ra phương án không khả thi và không có biện pháp giám sát. Quan trọng hơn, việc hạn chế phương tiện cá nhân sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của rất nhiều người dân nên cần có lộ trình cụ thể”, TS Hoàng Dương Tùng góp ý.

Luật hóa để giảm ô nhiễm không khí ảnh 1

Khí thải từ các phương tiện giao thông là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí. Ảnh: HẢI ANH

Hành lang pháp lý chính thức

Để vùng phát thải thấp có thể đi vào thực tế, thành phố Hà Nội vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Theo bà Lê Thanh Thủy, Phó Trưởng phòng Quản lý môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, đó là, hiện chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn khí thải áp dụng cho xe mô-tô, xe gắn máy đang lưu hành và cũng chưa có hạ tầng cơ sở kiểm tra khí thải đối với các phương tiện giao thông đang lưu hành. Mạng lưới trạm quan trắc chất lượng môi trường không khí tại Thủ đô Hà Nội cũng chưa đầy đủ, vì vậy chưa có số liệu kiểm kê phát thải, cập nhật và thường kỳ, đặc biệt là từ nguồn phát thải giao thông để làm cơ sở đánh giá thực thi chính sách.

Hà Nội cũng đang phải đối mặt vấn đề hệ thống giao thông công cộng thiếu đồng bộ và chưa phát triển. Có thể thấy, hiện nay phương tiện công cộng tại Hà Nội chủ yếu dựa vào tuyến xe bus nội đô, nhưng mạng lưới này chưa đủ độ phủ và vẫn còn nhiều hạn chế khiến nhiều người dân chưa thể ưu tiên sử dụng phương tiện này.

Hà Nội là thành phố có mật độ dân số đông, đặc biệt lại tập trung tại các quận nội thành như: Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai... Số lượng dân cư sinh sống sâu trong các ngõ nhỏ là rất lớn và phương tiện đi lại chủ yếu vẫn là xe máy. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, để người dân chấp nhận từ bỏ phương tiện cá nhân, Hà Nội cần xây dựng một hệ thống giao thông thay thế thật sự hấp dẫn, sạch và tiện lợi. Bởi khi giao thông công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu di chuyển, việc yêu cầu người dân từ bỏ xe máy sẽ gặp phải sự phản đối mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, tâm lý e ngại chi phí cao của các phương tiện xanh như xe điện hoặc xe hybrid cũng là một rào cản lớn. Thực tế chỉ ra, phần đông người dân hiện có thu nhập ở mức thấp và trung bình. Điều này là rào cản lớn để tiếp cận với các loại phương tiện thay thế nếu không có các chính sách hỗ trợ hợp lý.

Từ thực tế nêu trên cho thấy, việc triển khai mô hình vùng phát thải thấp đòi hỏi nguồn lực tài chính lớn từ cả hai phía là chính quyền và cộng đồng. Đối với chính quyền, đó là nguồn kinh phí để xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông công cộng, cùng với những chính sách ưu đãi để khuyến khích người dân thay đổi nhận thức. Đối với người dân, chi phí để chuyển đổi từ phương tiện cũ sang xe điện hoặc xe đạt tiêu chuẩn khí thải là một gánh nặng không nhỏ.

Trong khi đó, các doanh nghiệp vận tải cũng phải chịu áp lực lớn trong việc nâng cấp đội xe, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ, vốn đã phải đối mặt với nhiều khó khăn về chi phí vận hành. Nếu không có các biện pháp hỗ trợ, như miễn giảm thuế, trợ giá hoặc vay ưu đãi, chính sách này có nguy cơ gây bất bình đẳng và làm tăng thêm gánh nặng cho các nhóm yếu thế.

Để xanh hóa hệ thống giao thông, mới đây UBND thành phố Hà Nội phê duyệt “Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe bus sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn thành phố”. Đề án nhằm đưa ra kế hoạch, lộ trình chuyển đổi và phát triển xe bus sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn thành phố theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022. Đồng thời, đề xuất các giải pháp chuyển đổi, phát triển và đạt được tỷ lệ 100% phương tiện xe bus sử dụng điện, năng lượng xanh vào năm 2035.

“Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đang nỗ lực hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết để trình HĐND vào tháng 12/2024. Nếu nghị quyết được thông qua, từ ngày 1/1/2025, Hà Nội sẽ có hành lang pháp lý chính thức về các điều kiện và tiêu chí cần thiết, từ đó tạo cơ sở cho chính quyền địa phương đánh giá thực trạng và khả năng của mình để xây dựng hồ sơ kỹ thuật về vùng phát thải thấp. Sau đó, các cấp có thẩm quyền như Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông vận tải, Sở Quy hoạch - Kiến trúc và các sở, ngành khác, đánh giá tổng thể các yếu tố về điều kiện, tiêu chí và giải pháp dựa trên thực tiễn và năng lực thực thi của khu vực được đề xuất”, bà Lê Thanh Thủy cho biết thêm.