Mới đây, lãnh đạo Thủ đô Hà Nội đã đi thực tế tìm cách xử lý nước cho sông Tô Lịch. Bởi, chỉ… “ngửi” thôi cũng biết, sông đã trở thành dòng sông ô nhiễm quá nặng nề. Sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo Thủ đô giúp cho người dân thêm hy vọng hồi sinh dòng sông chết. Nhưng đó mới chỉ là một phần ô nhiễm ở Thủ đô, phần còn lại nằm trên hệ thống sông Bắc Hưng Hải phía đông, bắc và lưu vực sông Nhuệ, Đáy phía tây, nam…
Không hôi chỗ này thì… hôi chỗ khác
Nói về mức độ ô nhiễm, một người dân ở Khu công nghiệp (KCN) Phố Nối A (Văn Lâm, Hưng Yên) kể rằng, có một hôm con chó nhà anh đuổi chuột và bị rơi xuống kênh (đoạn nằm trong KCN Phố Nối A), nó bị ướt nên lên nằm trên bờ cỏ để phơi mình. Vậy mà chỉ nửa giờ đồng hồ sau, con chó bị dính tí nước kênh ấy đã sùi bọt mép, chết không cứu nổi. Người kể nhăn mặt: “Tới giờ nghĩ lại vẫn kinh! Ai ngờ nước mà độc thế…”.
Chúng tôi có mặt tại một đoạn kênh khu vực giáp ranh giữa hai thôn Bùi và thôn Dâu của xã Cẩm Xá (Mỹ Hào, Hưng Yên) nước đen kịt, bốc mùi. Đây là khu vực tập trung nhiều cơ sở sản xuất nhựa tái chế nhất ở Cẩm Xá. Toàn bộ nước thải của các cơ sở tái chế nhựa đều được theo các ống dẫn đổ thẳng ra kênh. 2 giờ chiều 12/11, khu vực này mùi nhựa cháy khét lẹt. Khói đen không ngừng bay ra từ các cơ sở sản xuất, được đặt hai bên kênh, ranh giới tự nhiên giữa hai làng. Trên đoạn kênh tầm 3-4 km, ước lượng khoảng vài chục cơ sở nghiền gỗ, sản xuất, tái chế nhựa đang hoạt động ngay giữa ban ngày. Xe vận tải ra vào thường xuyên và rác chất đống trong xưởng. Rác thải công nghiệp, các thùng đựng hóa chất xếp bên bờ mương. Toàn bộ nước thải của các cơ sở tái chế nhựa đều được theo các ống dẫn đổ thẳng ra kênh. Dòng nước thải đen kịt từ kênh này chảy ra kênh Trần Thành Ngọ, rồi xả trực tiếp ra Bắc Hưng Hải.
“Ô nhiễm là tại phía trên đổ xuống”, ông Tạ Văn Đại ngồi trên cầu Thôn Dâu ngán ngẩm kết luận. Ông Đại người thôn Dâu, ngày nào cũng ngồi cạnh dòng nước, mà ông gọi là sông, đen sì, bốc mùi hôi thối, dù “thối nhức cả đầu”. Nguyên do được cho là tại khu vực Phan Bôi - Dị Sử, một trong những điểm nóng về tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực Hưng Yên. Làng nghề nằm ngay trong khu dân cư. Trong quá trình tái chế nước thải và cặn bã từ quá trình xay rửa phế liệu như bình ắc-quy, đồ điện, nhựa… không qua xử lý mà xả thẳng ra các cống nước tiêu, kênh mương chung quanh. Trong quá trình tái chế phế liệu ngoài việc gây ra bụi, bẩn, các cơ sở còn phải dùng rất nhiều hóa chất để tẩy rửa và nước thải này theo nguồn nước thải ra môi trường. UBND tỉnh Hưng Yên vừa ra Quyết định số 2826/QĐ-UBND, thu hồi bằng công nhận làng nghề nghề tái chế phế liệu Phan Bôi, phường Dị Sử, thị xã Mỹ Hào. Quyết định này dường như không ảnh hưởng đến quy mô sản xuất. Hằng ngày, rác thải nhựa được thu gom từ mọi nơi, chuyển về Phan Bôi để phân loại, tái chế. Rác chất đầy trong nhà, ngoài ngõ.
Có mặt tại thôn Phần Hà (xã Bắc Sơn, huyện Ân Thi, Hưng Yên), đoạn kênh Trần Thành Ngọ đổ ra Bắc Hưng Hải, chúng tôi được nghe những búc xúc những người dân nơi đây đang ngày đêm chịu đựng mùi khó chịu vì ô nhiễm. Bà Nguyễn Thị Đoàn (79 tuổi) có ngôi nhà nhỏ ven sông. Theo bà Đoàn, cứ khi mưa lớn hoặc cuối tuần, các doanh nghiệp tranh thủ xả thải, dòng nước đen kịt từ kênh trôi đến đâu cá chết nổi ở đó. Các ao nuôi cá hoặc thả ngan, vịt không may bị nước ngấm vào đàn vật nuôi cũng chết hàng loạt. Chung quanh khu vực, người ta cũng làm các trang trại nuôi thủy đặc sản, trồng cây ăn quả, nuôi gia súc gia cầm… nhưng chỉ được một thời gian lại bỏ hoang. Gia đình nào có ao cạnh sông cũng không dám thả nhiều cá. Từ chục năm nay, gia đình nào có ao gần Bắc Hưng Hải, có đợt nước ngấm qua bờ ao là cá chết hàng loạt. Nằm trong nhà nghe tiếng dòng chảy trên sông, bà Đoàn thuộc cả giờ doanh nghiệp xả thải trộm: “Chu kỳ cứ 7- 10 ngày một lần, mà nó toàn thải về đêm, tầm 8 giờ tối. Hoặc hôm nào trời mưa to, y như rằng “nó xả”. Sông bốc mùi, sủi bọt. Có hôm đang ăn cơm nghe mùi thối bốc lên biết ngay”. Chất độc từ các khu công nghiệp ngấm xuống cả nước ngầm, nước giếng khoan nhà bà dù lọc hai lần nhưng cũng không thể dùng nấu ăn. Mỗi tháng, trung bình bà Đoàn mua 2 bình nước 20 lít để nấu ăn, uống nước. Tuy nhiên, Phần Hà chưa phải là “điểm đen” trong bản đồ ô nhiễm ở Bắc Hưng Hải.
Anh Nguyễn Quang Quyền, cán bộ Viện Quy hoạch thủy lợi cho biết, từ khi có hồ Hòa Bình, 20 năm nay gần như không lấy nước được từ sông Hồng qua cống Xuân Quan. Không có dòng chảy tự nhiên ở các mương, kênh, sông trong hệ thống cộng thêm việc xả thải từ các cơ sở sản xuất, đô thị dẫn đến toàn bộ hệ thống ô nhiễm. Khi được hỏi đoạn nào ô nhiễm nhất trong toàn bộ hệ thống Bắc Hưng Hải, anh Quyền cũng bối rối. Báo cáo thì hay nhắc đến sông Cầu Bây (Hà Nội), kênh Trần Thành Ngọ (TP Hưng Yên), kênh T2 (TP Hải Dương)… Dấu (…) ấy có nghĩa là chỉ có đoạn nào hay được nhắc đến trong báo cáo, đoạn nào có trạm bơm pha loãng mùi hôi đi, chứ “sông thì toàn bộ hệ thống ô nhiễm cả”.
Hà Nội đổ qua, Hưng Yên đổ lại
Thử khảo sát một điểm nóng thường xuyên xuất hiện trong các báo cáo môi trường của tỉnh Hưng Yên: Cụm CN Minh Khai (thôn Minh Khai, Văn Giang, Hưng Yên). Năm 2017, Sở Tài nguyên và Môi trường Hưng Yên đã tiến hành lấy 12 mẫu nước mặt tại thôn Minh Khai, kết quả có 12/12 mẫu nước mặt vượt quy chuẩn và có tổng 88/228 thông số vượt giới hạn cho phép. Năm 2022, kết quả lấy mẫu phân tích chất lượng nước mặt cũng không khả quan hơn: lấy 36 mẫu phân tích có 36/36 mẫu vượt và có 241/260 thông số vượt. Cụ thể TSS vượt từ 1,31 - 4,34 lần, COD vượt từ 1,04 - 1,77 lần, Coliform vượt từ 1,22-3,2 lần... Các chỉ số đều vượt gấp nhiều lần so với QCQG 08-MT:2015/BTNMT- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt. Theo số liệu quan trắc của Viện Nước, tưới tiêu và Môi trường năm 2020, tại nhiều vị trí, các chỉ tiêu gồm: NH4+ và Coliform có giá trị thực đo vượt gấp 10 lần so với giá trị giới hạn B1 trong QCVN 08-MT:2015/BTNMT, được xác định là đang bị ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng.
Nghiêm trọng thế nhưng tới giờ mỗi ngày làng Khoai thải ra 7.000 m3 nước thải chưa qua xử lý trực tiếp ra môi trường. Chất lượng môi trường không khí: có 3/12 mẫu vượt và có 3/108 thông số vượt, cụ thể tiếng ồn vượt từ 1,01-1,05 lần so quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn.
Cuộc sống của người dân huyện Văn Giang, đặc biệt tại các xã Vĩnh Khúc, Tân Tiến, Nghĩa Trai, Nghĩa Trụ (Hưng Yên)… nơi có các nhánh sông hoặc kênh thuộc hệ thống Bắc Hưng Hải chảy qua đều bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm. Cả ngày lẫn đêm, dòng nước đen kịt, đặc quánh chưa qua xử lý của hàng trăm cơ sở sản xuất, tái chế nhựa của Cụm CN Minh Khai đổ trực tiếp ra sông. Sống cạnh kênh, mương ô nhiễm, người dân quanh khu vực Minh Khai có một “hệ thống” đo khác, trực quan và dễ hình dung hơn những chỉ số trong báo cáo. Ngày ngày, họ quan sát những cây trồng ven sông, số lượng trai, cá, ốc… sót lại, họ đánh giá mùi hôi thối, thậm chí còn nắm chính xác “lịch” xả trộm của các doanh nghiệp. Họ xây dựng hệ thống đánh giá chất lượng dòng sông bằng quan sát thực tế, và cả bằng ký ức về khúc sông xưa. Thậm chí, “hội những người bị ảnh hưởng vì sông Bắc Hưng Hải ô nhiễm” cũng đã được thành lập. “Hội” tự phát này có khả năng tìm nơi xả thải, ghi hình hoặc tố cáo trực tiếp tới cơ quan chức năng. Hoạt động thậm chí tốt hơn hẳn những người được chính quyền giao nhiệm vụ.
“Rau muống hái trên sông, lợn ăn vào còn tiêu chảy”, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Khúc, Lương Đình Quyên đánh giá mức độ nghiêm trọng của ô nhiễm. Theo ông Quyên, từ khi bắt đầu có các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, dòng sông chảy qua địa phận xã ô nhiễm nghiêm trọng. Trước đây bè rau muống người ta hái ăn bình thường. Giờ ăn đau bụng hết, lợn ăn còn chết. Có những đợt nước đen, trên đồng cây cối, rau màu rất cần nước tưới nhưng không dám bơm dưới sông lên, vì nước đen ngòm. Trạm bơm lên có những cột bọt cao 2 m, bơm lên bọt trắng xóa.
Nhắc đến sông, ông Nguyễn Đình Thảo (65 tuổi ở thôn Lê Cao, xã Nghĩa Trụ, Văn Giang, Hưng Yên) cứ thở dài sướt sượt. Nhà ông Thảo quay ra hướng sông, sáng mở mắt ra là nó thối không chịu được, phải đóng hết cửa, “mùi cứ sực lên như mùi rác”. Nhất là những hôm gặp gió bấc đưa lên, mùa tháng 2, tháng 3 thì nhà đóng cửa suốt ngày. Đi ngủ cũng phải đeo khẩu trang. Là dân sông nước, mấy chục năm sinh sống bằng nghề mò trai, đánh cá dọc Bắc Hưng Hải, ông Thảo tự hào mình thuộc từng khúc sông dọc từ mạn Bắc Ninh xuống tận Hải Dương. Tôm ngày xưa nhiều lắm, tháng 3 đến tháng 5, đêm ông lặn máy mò trai, ốc dọc từ Văn Giang, ngày nào cũng cứ 1 tạ trai. Hồi đấy còn có trai cánh ngọc, loại bán được giá vì dân làng nghề họ lấy vỏ làm khảm. Giờ chả còn con nào. Cách đây chục năm thôi, xuống sông quay lưới, rút bè rau muống được hàng tạ cá, nào cá chày 7-8 lạng, cá ngão, cá thiểu… “Từ ngày khu công nghiệp về, tôm cá chết hết, trai không còn con nào. Ốc cũng chẳng sống được”, ông Thảo não nề.
“Xã mình bị ảnh hưởng nhiều chứ”, ông Khương Văn Oánh, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Trụ búc xúc. Cả đoạn sông mấy km chảy qua địa phận xã hôm ấy, mặt nước sông đen kịt, nổi váng, sủi bọt và bốc mùi hôi thối nồng nặc. Những hộ sống ven sông luôn đóng kín cửa cả ngày lẫn đêm. Theo ông Oánh, năm ngoái cống Xuân Quan vận hành, bơm nước vào pha loãng bớt ô nhiễm đi và đẩy xuống phía dưới. Mùi cũng đỡ đi nhưng chỉ là giải pháp tạm thời. “Cứ mỗi lần sông Cầu Bây xả nước, lại thấy nước sực mùi. Do ô nhiễm từ phía Hà Nội đổ về”. Sông Cầu Bây dài hơn 12 km từ phường Việt Hưng, quận Long Biên đổ ra hệ thống sông Bắc Hưng Hải tại cửa xả Xuân Thụy ở xã Kiêu Kỵ, Gia Lâm, TP Hà Nội.
Thế là nước sông từ Hà Nội đổ sang khiến Bắc Hưng Hải đoạn Hưng Yên thêm ô nhiễm, còn gió bấc thì cứ thế đưa khói bụi ở Hưng Yên đổ về Hà Nội. Cái sự “có qua có lại” ở hai địa phương lân cận này xem ra là điều vạn bất đắc dĩ, chẳng ai mong muốn cả. Và bởi thế, cần phải có sự phối kết hợp nhịp nhàng, đồng bộ để giải quyết giữa chính quyền các bên.
(Còn nữa)