Nhờ đó, đến nay, không chỉ gợi mở thị trường cho nông dân tìm hướng sản xuất mà Bắc Kạn còn xuất khẩu được nông sản, điều chưa từng có trong giai đoạn trước.
Nét mới
Những năm trước đây, công tác xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ nông sản của Bắc Kạn hiệu quả không cao. Hình thức phổ biến nhất là “đợi” có giấy, thư mời tham gia các hội chợ, triển lãm thì lên kế hoạch, cử ngành chuyên môn và các hợp tác xã mang sản phẩm đi tham gia. Với số lượng ít, cho nên sản phẩm nông sản của Bắc Kạn tham gia theo cách này gần như bị “lọt thỏm”, thiếu dấu ấn giữa vô số sản phẩm của các tỉnh bạn.
Từ khi thực hiện khá thành công chương trình OCOP, với 208 sản phẩm được xếp hạng sao, Bắc Kạn đã có những giải pháp mới trong xúc tiến thương mại. Trong đó, đột phá là: hướng dẫn để chủ thể sản xuất hiểu, biết cách chủ động kết nối tiêu thụ; tập trung quảng bá, giới thiệu, kết nối mang bản sắc riêng, gắn với du lịch.
Khởi đầu cho các giải pháp này là việc Bắc Kạn tổ chức các tuần lễ giới thiệu nông sản tại các thị trường lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh... Năm 2018, tỉnh tổ chức Tuần lễ giới thiệu cam, quýt Bắc Kạn và sản phẩm OCOP, đặc sản tỉnh Bắc Kạn tại Hà Nội với sự tham gia của 12 tổ chức kinh tế, 105 sản phẩm với số lượng lớn. Từ năm 2019 đến 2022, Bắc Kạn đã tổ chức thành công Tuần lễ giới thiệu hồng không hạt và các sản phẩm nông sản sạch; Tuần lễ giới thiệu bí xanh thơm, gạo Japonica và các sản phẩm nông sản sạch; Ngày hội Nông sản-OCOP và tôn vinh sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; Xúc tiến tiêu thụ bí xanh thơm và sản phẩm OCOP gắn với du lịch trải nghiệm năm 2022.
Cũng trong năm 2022, tỉnh Bắc Kạn lần đầu tổ chức Tuần lễ giới thiệu miến dong và các sản phẩm OCOP tại thành phố Hải Phòng. Tại đây, tỉnh tổ chức 24 gian hàng trưng bày hơn 100 mặt hàng, giới thiệu sản phẩm với sự tham gia của 30 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trong và ngoài tỉnh. Theo Sở Công thương Bắc Kạn, tại Tuần lễ này, các hiệp hội doanh nghiệp và hợp tác xã của Bắc Kạn đã ký kết ghi nhớ, hợp tác cung cấp sản phẩm miến dong, thịt lợn, bí xanh thơm, rượu men lá... vào hệ thống các siêu thị tại Hải Phòng. Nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã cũng liên kết, kết nối để chuẩn bị tiêu thụ thêm nhiều sản phẩm thông qua các doanh nghiệp tại Hải Phòng từ năm 2023.
Từ chỗ thụ động, Bắc Kạn chuyển sang chủ động hoàn toàn trong việc giới thiệu, kết nối các sản phẩm. Từ năm 2017, tỉnh tổ chức các hội nghị kết nối cung cầu, quảng bá, tiêu thụ nông sản Bắc Kạn thường niên. Các hội nghị ngày càng được mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng, gắn với du lịch sinh thái. Thông qua các hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa đã kết nối, mời gọi các nhà phân phối, đơn vị bán lẻ tại các tỉnh, thành phố, các sàn thương mại điện tử tham gia sự kiện và hỗ trợ kết nối tiêu thụ các sản phẩm của tỉnh. Các cơ quan chuyên môn của tỉnh đã đại diện ký kết các bản ghi nhớ hợp tác cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn với Tập đoàn General Group-Big C, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, Tập đoàn AEON-Việt Nam và Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, các sàn giao dịch thương mại điện tử.
Hướng tới xuất khẩu
Năm 2020, Bắc Kạn lần đầu có sản phẩm miến dong của một hợp tác xã do đồng bào vùng cao làm chủ xuất khẩu sang châu Âu. Năm 2022, tiếp tục một hợp tác xã của đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh xuất khẩu được rượu men lá sang Nhật Bản. Việc xuất khẩu được sản phẩm sang các thị trường khắt khe đã và đang tạo động lực rất lớn cho việc khai phá thị trường nước ngoài.
Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, giúp đỡ kết nối thương mại điện tử, các hợp tác xã ở vùng cao Bắc Kạn đã chủ động tìm lối ra cho sản phẩm. Giám đốc Hợp tác xã rượu men lá Thanh Tâm (Chợ Đồn) Nông Thị Tâm chia sẻ, thông qua thương mại điện tử, đơn vị đã kết nối được với doanh nghiệp chuyên xuất khẩu vào Nhật Bản. Từ cơ hội này, qua nhiều khâu thẩm định, sản phẩm của Hợp tác xã đã đến với thị trường Nhật Bản.
Năm 2022, tại Hội chợ triển lãm “ECO-GREEN VIET NAM EXPO” tại Athens (Hy Lạp), Bắc Kạn đã trưng bày 19 sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và các sản phẩm có thế mạnh của tỉnh. Thông qua chương trình, những sản phẩm tiềm năng, thế mạnh của tỉnh đã được quảng bá, giới thiệu rộng rãi đến quan khách, doanh nghiệp Hy Lạp, châu Âu, người dân và khách quốc tế tham quan tại Hội chợ triển lãm. Một số sản phẩm của tỉnh đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ doanh nghiệp Slovakia, như: các loại miến dong, sản phẩm từ gạo (bún khô, phở khô).
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn Đỗ Thị Minh Hoa cho biết, hướng tới xuất khẩu, tỉnh đặt mục tiêu và chỉ đạo sản xuất phải bằng lợi thế cạnh tranh về chất lượng, điều kiện đặc thù và giá trị riêng của sản phẩm. Thành công bước đầu vừa qua đã góp phần thay đổi nhận thức, tư duy và động lực để người dân Bắc Kạn dám nghĩ, dám làm theo đúng phương châm của chương trình OCOP, đó là sản phẩm từ làng, hướng ra toàn cầu.
Dù là tỉnh miền núi nhưng bước tiến trong kinh tế số, nhất là thương mại điện tử đang được Bắc Kạn thực hiện hiệu quả với nông sản. Tỉnh đã hỗ trợ 8 đơn vị xây dựng website bán hàng, tiếp thị sản phẩm; hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ nhóm được tập huấn kỹ thuật, kỹ năng tham gia các sàn thương mại điện tử... Tỉnh tích cực hỗ trợ cơ sở sản xuất, kinh doanh đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử trong nước và quốc tế; hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã trong việc tư vấn, hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu cho những sản phẩm có tiềm năng; hướng dẫn lập hồ sơ công bố phù hợp với quy định về an toàn thực phẩm.
Năm 2022, Bắc Kạn lựa chọn Hợp tác xã Tài Hoan, Hợp tác xã nông nghiệp Tân Thành tham gia sàn thương mại điện tử thế giới (https://www.alibaba.com/). Tỉnh lựa chọn 50 sản phẩm tiêu biểu tham gia các sàn thương mại điện tử https://shopee.vn và https://www.sendo.vn; đồng thời lựa chọn và đưa 50 sản phẩm của 5 doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh tham gia sàn thương mại điện tử Lazada và Backanmarket; phối hợp với Bưu điện tỉnh Bắc Kạn lựa chọn được 104 sản phẩm OCOP, nông sản hàng hóa trên sàn thương mại điện tử PostMart.vn; xây dựng và vận hành Sàn thương mại điện tử Bắc Kạn tại địa chỉ backanmarket.vn. Đến nay, đã có 176 sản phẩm OCOP và nông sản tỉnh Bắc Kạn được đăng tải thông tin, mua bán trực tuyến tại Sàn thương mại điện tử Bắc Kạn.
Trong năm 2023, Bắc Kạn tập trung thực hiện mục tiêu kết hợp nhiều hình thức nhằm góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại của tỉnh, hỗ trợ tích cực các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất nâng cao sức cạnh tranh, nâng cao lợi thế thương mại và mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm; nâng cao năng lực cho 100% doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp, 80% doanh nghiệp, hợp tác xã ứng dụng công nghệ thông tin chuyển đổi số trong quản lý sản phẩm từ sản xuất đến khi bán ra thị trường.