Dấu ấn đổi mới
Sau thời kỳ suy giảm do tác động của đại dịch Covid-19 với muôn vàn khó khăn, từ năm 2023 đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tiếp tục “Hành trình đổi mới tư duy – Từ phương tiện đi lại đến trải nghiệm văn hóa, từ hành trình di chuyển đến hành trình trải nghiệm”. Các giải pháp nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng nhu cầu của hành khách và chủ hàng được triển khai đồng bộ. Nhiều sản phẩm và dịch vụ mới, độc đáo đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, điển hình như hành trình food tour Hà Nội – Hải Phòng, hành trình “Kết nối di sản miền Trung” Huế - Đà Nẵng; tàu chất lượng cao Hà Nội - Đà Nẵng (SE19/20), Sài Gòn - Đà Nẵng (SE21/22), tàu du lịch charter, tàu hạng sang Sjourney, tàu du lịch chất lượng cao “Hành trình đêm” Đà Lạt-Trại Mát, tổ chức đám cưới trên tàu,....ngày càng thu hút đông đảo hành khách. Không ít hành khách nhiều năm không chọn tàu hỏa là phương tiện di chuyển đã quay trở lại, những hành khách thường xuyên đi tàu càng thêm tin yêu, gắn bó.
![]() |
Biểu diễn văn nghệ trên toa cộng đồng tàu Kết nối di sản miền trung |
Mỗi cung đường, con tàu, nhà ga như được khoác thêm tấm áo mới, đẹp bởi phong trào “Đường tàu - Đường hoa” lan tỏa khắp 34 tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua, con đường hoa đẹp và dài nhất Việt Nam đã và đang hình thành. Mỗi nhà ga là một điểm đến hấp dẫn, mỗi chuyến tàu thật sự là hành trình trải nghiệm thú vị với mỗi hành khách. Tuyến đường sắt bắc - nam liên tục được Tạp chí du lịch Lonely Planet xếp đầu danh sách 8 điểm đến có hành trình du lịch tàu hoả đáng trải nghiệm trên thế giới. Tổng công ty tích cực phối hợp các đơn vị du lịch để cho ra mắt thêm nhiều sản phẩm mới nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế này.
Nâng cao chất lượng phục vụ hành khách và các dịch vụ trên tàu, hướng tới sự hài lòng của hành khách là khâu then chốt nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Do đó, Chi nhánh Đoàn tiếp viên đường sắt Hà Nội chú trọng bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực quản lý, giải quyết các tình huống của trưởng tàu và kỹ năng giao tiếp, ứng xử lịch sự, thân thiện, trình độ ngoại ngữ của tiếp viên để tạo ấn tượng, thiện cảm với mỗi hành khách đi tàu. Bí thư Đảng ủy Chi nhánh Nguyễn Anh Tuấn phấn khởi cho biết, Đảng ủy lãnh đạo, chỉ đạo sát hợp tình hình thực tế, phát huy tinh thần “vì hành khách phục vụ” của mỗi cán bộ, nhân viên nên lượng khách năm 2024 tăng trưởng cao so với năm trước, đời sống người lao động ngày càng cải thiện.
Cùng với đó, khối lượng vận tải hàng hóa ngày càng tăng. Một số ga được đưa vào khai thác liên vận quốc tế nhằm đưa cửa khẩu vào sâu trong nội địa, tăng sản lượng vận tải hàng hóa và cùng địa phương phát triển kinh tế vùng; phát triển các tuyến liên vận quốc tế như Yên Viên - Nam Ninh, Yên Viên - Thục Gia Trang (Trung Quốc).
Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ vào quản trị và tổ chức sản xuất vận tải góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng và hiệu quả hoạt động bước đầu có chuyển biến tích cực. Hệ thống quản trị hàng hoá đã từng bước số hóa các tác nghiệp điều hành vận tải, là cơ sở dữ liệu gốc để triển khai các phầm mềm khác của Tổng công ty. Triển khai chính thức sàn giao dịch vận tải hàng hóa; hệ thống bán vé điện tử được gia tăng tính năng hỗ trợ, nâng cao hiệu quả, đồng thời cung cấp thêm nhiều các dịch vụ, tiện ích, chương trình khuyến mại cho khách đi tàu thông qua việc hợp tác đa dạng với các đối tác, tích hợp hệ thống bán vé điện tử với nhiều nền tảng mạng xã hội, bước đầu thống nhất được giải pháp kết nối và bán vé trên Google Maps.
Với sự hỗ trợ của khoa học công nghệ góp phần bảo đảm an toàn chạy tàu. Lắp đặt camera hỗ trợ giám sát tại 301 phòng trực ban chạy tàu, 334 đầu máy, 677 đường ngang có gác, 738 đường ngang cảnh báo tự động, đồng thời kết nối về trung tâm giám sát của các đơn vị để phục vụ công tác giám sát, cảnh báo, ngăn ngừa các trường hợp vi phạm. Ứng dụng công nghệ hàn ray, tà vẹt sợi nhân tạo, công nghệ Radar, Lidar phát hiện, cảnh báo chướng ngại vật tại đường ngang; triển khai hệ thống hỗ trợ đảm bảo an toàn, như: giám sát hành trình tuần đường; giám sát các điểm xung yếu trên đường sắt bằng hình ảnh; giám sát truyền dẫn hình ảnh về trung tâm; nghiên cứu, chế tạo thành công thiết bị đếm trục cho đường ngang cảnh báo tự động,…
![]() |
Đại hội đại biểu lần thứ XIII, Đảng bộ Công ty CP Đường sắt Hà Hải |
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Đường sắt Hà Hải Nguyễn Văn Hải chia sẻ, xác định bảo đảm an toàn giao thông đường sắt là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, coi đây là giá trị cốt lõi quyết định sự tồn tại và phát triển của Công ty, hàng năm Đảng ủy Công ty xây dựng chương trình hành động về lãnh đạo bảo đảm an toàn giao thông vận tải đường sắt, các nghị quyết chuyên đề về tăng cường lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với chống xóc lắc bảo đảm an toàn chạy tàu. Các giải pháp trong duy tu bảo quản nâng cao chất lượng cầu đường và sửa chữa giảm xóc lắc, làm hàng rào, đường gom xóa lối đi tự mở qua đường sắt đã đạt được kết quả khả quan.
Phát huy truyền thống, nỗ lực tự cường, hợp tác hiệu quả
Ngày 30/11/2024, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV đã thông qua Nghị quyết số 172/2024/QH15 về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục bắc – nam, phấn đấu cơ bản hoàn thành dự án năm 2035. Dự án được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để đẩy nhanh tiến độ.
Nghị quyết số 187/2025/QH15 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đề xuất nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt; lập báo cáo nghiên cứu khả thi từ năm 2025 và phấn đấu cơ bản hoàn thành dự án năm 2030. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tiếp nhận quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng và tổ chức vận hành, khai thác; huy động các doanh nghiệp khác đầu tư phương tiện; tiếp tục tái cơ cấu, xây dựng mô hình quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng bảo đảm thống nhất, hiện đại, hiệu quả; tham gia phát triển công nghiệp đường sắt.
Bộ Giao thông vận tải cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch 1769, theo đó mục tiêu đến năm 2030 về kết cấu hạ tầng: nâng cấp, cải tạo bảo đảm an toàn chạy tàu 7 tuyến đường sắt hiện có; triển khai đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao bắc - nam; đường sắt kết nối với cảng biển cửa ngõ quốc tế khu vực Hải Phòng, Bà Rịa-Vũng Tàu và cửa khẩu quốc tế quan trọng. Ưu tiên xây dựng mới các tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Biên Hòa - Vũng Tàu. Đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt đầu mối Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; kết nối TP Hồ Chí Minh với Cần Thơ, kết nối cảng hàng không quốc tế Long Thành; kết nối với Trung Quốc, Lào và Campuchia. Đến năm 2030 sẽ quy hoạch 10 tuyến đường sắt mới, với tổng chiều dài 2.720 km.
Khối lượng công việc rất lớn đòi hỏi toàn ngành đường sắt đoàn kết một lòng, phát huy truyền thống 70 năm xây dựng và trưởng thành của Đảng bộ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trở thành ý chí, năng lực nội sinh để vượt mọi khó khăn, thách thức thực hiện thành công Chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tổng công ty đang tích cực chuẩn bị cho việc xây dựng đường sắt tốc độ cao trong tất cả các các lĩnh vực: xây dựng, quản lý vận hành, công nghiệp đường sắt, đào tạo nhân lực với công thức: “Phát huy truyền thống, nỗ lực tự cường, hợp tác hiệu quả và kiến tạo đột phá”.
![]() |
Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam |
Theo Bí thư Đảng ủy Công ty CP Vận tải đường sắt Đỗ Văn Hoan, các cấp ủy đảng nghiêm túc triển khai thực hiện các nghị quyết, chủ trương của BCH Đảng bộ Công ty về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, các đảng viên nêu cao tinh thần gương mẫu, trách nhiệm, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Sau khi hợp nhất 2 Công ty Vận tải đường sắt Hà Nội và Sài Gòn, Công ty dần đi vào ổn định, khai thác tối đa nguồn lực, tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng cao về doanh thu vận tải, doanh thu tàu khách. Bám sát xu thế thị trường, nâng cao thị phần vận tải đường sắt, Đảng ủy Công ty tiếp tục chỉ đạo tháo gỡ nút thắt để tăng sản lượng, doanh thu vận tải liên vận quốc tế, vận tải chuyên tuyến; nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin góp phần nâng cao chất lượng kinh doanh, chăm sóc, thu hút khách hàng, giữ vững chất lượng các sản phẩm vận tải hành khách đồng thời xây dựng thêm sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu của khách đi tàu.
![]() |
Công tác phát triển đảng viên luôn được chú trọng |
Từ ngày 24/2/2025, Đảng bộ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trực thuộc Đảng bộ Chính phủ. Hiện nay, toàn Đảng bộ Tổng công ty có 55 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc, 46 đảng bộ cơ sở, 8 chi bộ cơ sở, với 779 chi bộ trực thuộc, 8.152 đảng viên. Bên cạnh những nhiệm vụ quan trọng trong việc tiếp tục duy trì đường sắt hiện hữu, Đảng bộ Tổng công ty quyết tâm biến khát vọng phát triển, đột phá sáng tạo thành hiện thực, tiếp tục lập thêm thành tựu mới, cùng đất nước vững bước trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển.