Đa dạng sinh kế
Do chồng mắc bệnh hiểm nghèo cho nên chị H’Chên, thôn Nam Tiến, xã Nâm Nung (huyện Krông Nô) phải bán phần lớn đất rẫy để chữa bệnh cho chồng. Khi chồng qua đời, hai mẹ con chị H’Chên được chính quyền địa phương đưa vào đối tượng khó khăn về nhà ở, thiếu đất sản xuất để tập trung hỗ trợ. Đầu năm 2023, chị H’Chên được hỗ trợ 40 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ngoài ra chị còn được tạo điều kiện vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội 40 triệu đồng để làm nhà. Sau hơn hai tháng thi công, gia đình chị H’Chên đã được ở trong căn nhà mới ấm áp, khang trang.
Cùng với chị H’Chên, bốn hộ nghèo khác trên địa bàn xã Nâm Nung cũng được hỗ trợ tiền và vay vốn ưu đãi. Tùy theo điều kiện kinh tế, mỗi gia đình sẽ đối ứng thêm một số tiền để hoàn thiện căn nhà. Đến nay, cả năm hộ dân nhận được hỗ trợ đã về ở trong căn nhà mới khang trang, tạo động lực cho các gia đình vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nâm Nung H’Thương cho biết, năm 2022, xã được giao chỉ tiêu giảm 45 hộ nghèo. Tuy nhiên, thực tế đã giảm được 53 hộ, đưa số hộ nghèo của xã từ 128 xuống còn 75 hộ. Năm 2023, xã tiếp tục triển khai một số chương trình, đề án giúp người dân thoát nghèo, trong đó có hỗ trợ sản xuất, đa dạng sinh kế, chuyển đổi nghề nghiệp, đồng thời phát huy tinh thần vươn lên thoát nghèo của người dân.
Với hơn 2ha đất đồi, trước đây gia đình ông Điểu Drây ở bon Prăng I, xã Quảng Trực (huyện Tuy Đức) chủ yếu trồng lúa rẫy, cà-phê. Do quen với tập quán canh tác truyền thống, phụ thuộc vào thiên nhiên cho nên năng suất thấp, gia đình lại đông con khiến cho cái nghèo, cái đói luôn đeo bám.
Từ nguồn vốn của chương trình khuyến nông, gia đình ông Điểu Drây nhận trồng gần 1ha mắc-ca. Ngoài việc tham dự các lớp tập huấn, được chuyển giao khoa học-kỹ thuật, ông còn được hỗ trợ giống, vật tư nông nghiệp. Ông Điểu Drây cho biết, với hơn 1ha mắc-ca, mỗi năm thu được khoảng 1 tấn quả, giá bán dao động từ 90-120 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, lãi hơn 80 triệu đồng/năm. Ngoài trồng mắc-ca, ông Điểu Drây còn trồng thêm cà-phê, chăn nuôi bò. Nhờ đó, nguồn thu nhập của gia đình ngày một ổn định, thoát khỏi cảnh nghèo đói.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Quảng Trực Nguyễn Hải Lý cho biết, địa phương có tỷ lệ người dân tộc thiểu số tại chỗ cao, chiếm hơn 30%, trước đây tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 50%. Những năm gần đây, được sự quan tâm đầu tư của Ðảng, Nhà nước bằng nhiều chương trình, dự án, sự hỗ trợ của địa phương trong việc tạo sinh kế, cùng với sự nỗ lực vươn lên của người dân cho nên cuộc sống từng bước thay đổi. Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã tạo lập được mô hình kinh tế thu nhập từ 150 đến hơn 300 triệu đồng mỗi năm, xây dựng nhà cửa khang trang, mua xe ô-tô, đầu tư cho các con học hành đến nơi đến chốn.
Chị Y Thị Loan, bon B’Dơng, xã Đắk Som (huyện Đắk Glong) cho biết, thời điểm mới lập gia đình kinh tế gặp rất nhiều khó khăn, chăn nuôi thả rông, trồng trọt với kỹ thuật lạc hậu, hiệu quả kinh tế đạt thấp, quanh năm thiếu ăn. Được sự hỗ trợ của các ngành chức năng, hướng dẫn kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, cho vay vốn để phát triển sản xuất, chị Loan đã nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, phấn đấu vươn lên trong cuộc sống. Đến năm 2011 gia đình chị Loan đã thoát nghèo, hiện thu nhập từ 3ha cà-phê, chăn nuôi gà, heo rừng lai mỗi năm cho thu nhập gần 1 tỷ đồng.
Không chỉ làm giàu cho gia đình, chị Loan đã vận động, hướng dẫn cho 10 hộ nghèo về phát triển chăn nuôi gà và chăn nuôi heo rừng; trong đó có bốn hộ là người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ và sáu hộ là người dân tộc H'Mông ở địa phương. Ngoài ra, chị Loan còn hỗ trợ các hộ khó khăn về kỹ thuật sản xuất cà-phê, kỹ thuật chăn nuôi gà, bán heo rừng giống với giá rẻ hơn thị trường, hỗ trợ phân gà cho một số hộ đầu tư trồng cà-phê… để cùng nhau phát triển kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.
Từ kết quả sản xuất, kinh doanh và hành động cụ thể của chị Loan trong việc hỗ trợ hộ nghèo tại địa phương, liên tục trong 8 năm từ năm 2015 đến 2022, gia đình chị Loan đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất-kinh doanh giỏi các cấp trong tỉnh và cấp Trung ương.
Cụ thể hóa bằng chính sách
Để cụ thể hóa và bổ sung chính sách giảm nghèo trên địa bàn, Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Nông đã ban hành Nghị quyết số 11/2022/NQ-HĐND Quy định một số chính sách thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2023-2025. Nội dung nghị quyết đã bổ sung các chính sách hỗ trợ về giáo dục và nhà ở cho các hộ nghèo và cận nghèo, nhất là nhóm đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số.
Cụ thể, đối với chính sách hỗ trợ về giáo dục, tỉnh sẽ hỗ trợ 150.000 đồng/tháng cho mỗi học sinh là người dân tộc thiểu số thuộc hộ cận nghèo (từ mẫu giáo đến trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên) để mua sách vở và đồ dùng học tập. Ngoài ra, học sinh, sinh viên là thành viên của hộ thoát nghèo trong giai đoạn này cũng được hỗ trợ mức 100 nghìn-150 nghìn đồng/người/tháng.
Về nhà ở, tỉnh sẽ hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ cận nghèo có nhu cầu vay vốn làm nhà trong giai đoạn 2023-2025. Riêng các gia đình cư trú tại các khu vực có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn hoặc hộ neo đơn, tàn tật, hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số sẽ được hỗ trợ thêm 10 triệu đồng.
Mới đây, tỉnh Đắk Nông đã ban hành Kế hoạch số 219/KH-UBND về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023 với các mục tiêu cụ thể.
Tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ phát triển các mô hình giảm nghèo, đa dạng hóa sinh kế, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo việc làm tốt, có thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn; hỗ trợ các xã thuộc huyện nghèo đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản; ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu; thực hiện các chính sách xã hội đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm; thực hiện chính sách hỗ trợ có điều kiện gắn với đối tượng, địa bàn và thời hạn thụ hưởng nhằm tăng cường cơ hội tiếp cận chính sách.
Tỉnh Đắk Nông cũng ưu tiên phát triển giáo dục nghề nghiệp về quy mô và chất lượng, đào tạo cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và người lao động có thu nhập thấp phù hợp xu hướng chuyển dịch cơ cấu lao động; gắn kết giáo dục nghề nghiệp với việc làm bền vững cho người nghèo, tạo điều kiện để đối tượng được đào tạo nghề, phát triển sản xuất, có việc làm ổn định.
Từ việc triển khai, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, công tác giảm nghèo của tỉnh đã đạt được kết quả tích cực, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 19,26% năm 2015 xuống còn 7,97% vào năm 2022. Trong đó, hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm 8,55%; hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ giảm 8,45%.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông Tôn Thị Ngọc Hạnh cho biết, trong năm 2023, Đắk Nông sẽ hỗ trợ nhà ở cho tất cả các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo có nhà ở an toàn, ổn định, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo chung của địa phương giảm từ 3% trở lên, riêng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ giảm từ 5% trở lên. Tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh các nhiệm vụ, giải pháp giảm nghèo với phương châm giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn thoát nghèo.