Nỗ lực bảo bảo đảm chỗ ở an toàn cho công nhân

NDO - Ngày 24/9, báo Kinh tế và Đô thị, tổ chức ActionAid quốc tế tại Việt Nam (AAV), Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) phối hợp tổ chức tọa đàm “Bảo đảm chỗ ở an toàn cho công nhân: Từ mục tiêu đến hành động”.
0:00 / 0:00
0:00
PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập báo Kinh tế và Đô thị, phát biểu khai mạc tọa đàm.
PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập báo Kinh tế và Đô thị, phát biểu khai mạc tọa đàm.

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình “Những cống hiến thầm lặng” mùa 3. Tọa đàm được tổ chức với mong muốn góp phần tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, cũng như thực thi hiệu quả các chính sách về phát triển nhà ở cho công nhân, đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội, góp thêm tiếng nói góp ý vào dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

Khách mời tham gia chương trình là các chuyên gia, nhà khoa học đến từ Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và doanh nghiệp…

Phát biểu khai mạc tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi - Tổng Biên tập báo Kinh tế và Đô thị, Trưởng Ban tổ chức - cho biết, đơn vị này tổ chức buổi tọa đàm chuyên đề thứ 4 với chủ đề “Bảo đảm chỗ ở an toàn cho công nhân: Từ mục tiêu đến hành động”. Đây là chủ đề hết sức có ý nghĩa, vừa có tính thời sự vừa có ý nghĩa lý luận sâu sắc, cung cấp thêm các luận cứ để giải quyết những vấn đề đang đặt ra về nhà ở cho người lao động.

Ông Nguyễn Thành Lợi hy vọng, thông qua ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia ở các lĩnh vực với góc nhìn mới, sẽ có nhiều góc tiếp cận khác nhau, tuyên truyền hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về vấn đề an sinh xã hội, thực hiện tốt công tác truyền thông chính sách. Từ đó, góp phần tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, cũng như thúc đẩy việc thực thi hiệu quả các chính sách về phát triển nhà ở cho công nhân, bảo đảm cho người lao động có chỗ ở an toàn.

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Tạ Việt Anh, Chủ tịch Hội đồng quản lý AFV, Phó Trưởng Ban tổ chức cuộc thi “Những cống hiến thầm lặng” năm 2023, cho biết, nhu cầu về chỗ ở, nhà ở cho công nhân, đặc biệt là chỗ ở an toàn đã được các cơ quan, tổ chức từ cấp Chính phủ đến bộ, ngành, địa phương tích cực đặt ra trong nhiều năm qua. Trong khuôn khổ cuộc thi "Những cống hiến thầm lặng năm 2023", ban tổ chức đã triển khai 2 tọa đàm chuyên đề trao đổi các nội dung liên quan đến vấn đề này với sự tham gia của các chuyên gia, phóng viên báo chí trao đổi, đại diện người lao động. Các đại biểu đã đề xuất các giải pháp đáp ứng về nhu cầu nhà ở cho công nhân, lao động hiện nay, đặc biệt là nhà ở bảo đảm điều kiện an toàn và các dịch vụ tối thiểu, như một nhân tố quan trọng trong bảo đảm an sinh xã hội.

Vừa qua, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã báo cáo Quốc hội, bày tỏ quan điểm chỉ làm nhà ở cho công nhân thuê chứ không bán. Các thế hệ công nhân sẽ vào đó ở, tài sản của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam vẫn giữ được.

Trưởng Ban Quản lý dự án thiết chế công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Lê Văn Nghĩa

"Vụ cháy chung cư mini ở quận Thanh Xuân vừa qua lại một lần nữa cho chúng ta thấy rõ tình trạng nhà ở thiếu an toàn tồn tại tràn lan, đặc biệt ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh… hoặc các tỉnh, thành phố có các khu công nghiệp quy mô lớn. Việc tồn tại nhà ở thiếu an toàn về điều kiện phòng cháy chữa cháy, xây dựng… dẫn đến hậu quả thảm khốc mà đến hôm nay mỗi khi nhắc lại, chúng ta lại thấy nhói lòng. Rõ ràng, nếu không có giải pháp khắc phục loại bỏ tình trạng nhà ở xã hội không bảo đảm an toàn thì tính mạng, của cải của người lao động sẽ còn bị đe dọa bởi những hiểm họa khôn lường, mà cháy nổ chỉ là một nguy cơ" - ông Tạ Việt Anh nêu rõ.

Tại tọa đàm, các diễn giả tập trung trao đổi làm rõ các nội dung đang được người dân và người lao động quan tâm.

Cụ thể như: Những nguy cơ thiếu an toàn đang rình rập ở những khu nhà trọ công nhân - Từ vụ cháy chung cư mini tại Thanh Xuân, đâu là giải pháp để quản lý các chung cư mini đang nở rộ hiện nay…; Giải pháp thực hiện mục tiêu của Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030"; Các cơ quan thực hiện, cơ quan bảo vệ quyền lợi cho người lao động cần làm gì để biến ý tưởng thành hành động, giúp mục tiêu xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội đạt hiệu quả cao.

Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Quản lý dự án thiết chế công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Lê Văn Nghĩa cho biết, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam luôn đề cập đến vấn đề giải quyết nhà ở cho người lao động, Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã nhắc nhiều nhưng do cơ chế chưa thực hiện được nên đang đề xuất Quốc hội, Chính phủ thông qua luật. Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, có thể thực hiện được ngay trong năm 2023, hiện chỉ chờ chính sách được thông qua. Năm 2022, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đề xuất 3 quỹ từ quỹ kết dư của năm dành cho đầu tư xây dựng cơ bản, trong đó có nhà ở cho công nhân, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam sẽ xây dựng được khoảng chục khu nhà ở cho công nhân. Với xu thế như vậy, cơ quan này hy vọng được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân thuê tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Vừa qua, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã báo cáo Quốc hội, bày tỏ quan điểm chỉ làm nhà ở cho công nhân thuê chứ không bán. Các thế hệ công nhân sẽ vào đó ở, tài sản của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam vẫn giữ được.

Hiện nay nước ta đang có 3,78 triệu công nhân lao động trực tiếp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, trong số đó có khoảng 1,8 triệu lao động có nhu cầu về nhà ở.
Theo báo cáo của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, kết quả phát triển nhà ở xã hội cho công nhân chưa đáp ứng được nhu cầu, cụ thể đến nay, đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 126 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 62.700 căn hộ, với tổng diện tích 3.135.000 m2, mới đáp ứng được gần 30% nhu cầu của công nhân lao động.