Ðể đáp ứng nhu cầu nhà ở cho công nhân, Hà Nội đã đầu tư, thực hiện dự án thí điểm xây dựng nhà ở công nhân tại xã Kim Chung, huyện Ðông Anh. Dự án có diện tích 20 ha, gồm 24 đơn nguyên nhà năm tầng, bốn tòa nhà 15 tầng, đáp ứng khoảng 12.000 chỗ ở. Ðây cũng là dự án đầu tiên của cả nước có quy mô lớn, được xây dựng đồng bộ với đầy đủ các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, xã hội như một khu đô thị lớn. Giá cho thuê của các căn hộ tại đây khoảng 120.000 đồng/người/tháng với căn hộ tập thể và gần 30.000 đồng/m2/tháng đối với căn hộ có diện tích 45 m2 đến 70 m2. Tuy nhiên, khu nhà chỉ đáp ứng được một phần nhỏ chỗ ở của người lao động có nhu cầu thuê nhà ở. Nhiều công nhân vẫn phải thuê nhà ở trọ tại những khu nhà cấp 4 do người dân xây dựng trong khu dân cư.
Anh Nguyễn Văn Long, chủ khu nhà trọ gần 20 phòng tại thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Ðông Anh cho biết, nhu cầu nhà ở của công nhân rất lớn. 20 phòng trọ do anh đầu tư xây dựng hơn 10 năm nay, mỗi phòng diện tích khoảng 20 m2, có gác xép, công trình phụ khép kín, bếp nấu ăn, luôn được khách thuê hết phòng. Giá cho thuê mỗi phòng từ 1,5-2 triệu đồng/tháng, phù hợp cho hai đến ba công nhân hoặc gia đình gồm hai vợ chồng và con nhỏ sinh sống. Anh Long cho biết thêm, nhờ có khu công nghiệp, đến nay cả xã có khoảng 700 đến 800 gia đình đầu tư xây dựng nhà trọ cho công nhân thuê.
Ðại diện Ủy ban nhân dân huyện Ðông Anh cho biết, huyện có hai khu, cụm công nghiệp lớn, gồm Khu công nghiệp Thăng Long, Cụm công nghiệp vừa và nhỏ Nguyên Khê, với hơn 4.000 doanh nghiệp hoạt động; hơn 22.400 công nhân đang thuê nhà trọ. Do khu nhà ở tập trung không đủ chỗ ở, cộng với việc tòa nhà xuống cấp, nhiều người lao động phải thuê nhà trọ của người dân các xã Kim Chung, Kim Nỗ, Ðại Mạch, Hải Bối... Chi phí thuê nhà do người dân đầu tư xây dựng cao hơn và điều kiện sinh hoạt cũng khó khăn, nhưng phần lớn nhà cho thuê đều kín chỗ.
Theo đại diện Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, thành phố hiện có gần 170 nghìn công nhân khu công nghiệp, trong đó người ngoại tỉnh chiếm khoảng 80%. Tuy nhiên, thành phố mới có ba khu công nghiệp (Thạch Thất, Thăng Long và Phú Nghĩa) có dự án nhà ở, đáp ứng gần 20% nhu cầu về chỗ ở của công nhân. Khoảng 80% số lao động chưa có nhà ở, phải thuê nhà do người dân tự đầu tư xây dựng trong các khu dân cư. Do xây dựng tự phát, không có quy hoạch, dẫn đến nhiều khu nhà trọ chật chội, an ninh trật tự và vệ sinh môi trường chưa bảo đảm. Ngoài tiền thuê nhà hằng tháng, người lao động còn phải chịu chi phí điện sinh hoạt, nước sạch giá cao.
Nhằm giải quyết nhu cầu về nhà ở cho công nhân, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025 xây dựng mới khoảng 1,25 triệu m2 sàn nhà ở xã hội; mục tiêu đến năm 2030 xây dựng mới khoảng 5,55 triệu m2 sàn nhà ở; triển khai đầu tư xây dựng một đến hai khu nhà ở xã hội tập trung, phấn đấu tất cả khu công nghiệp, khu chế xuất của thành phố đều có khu nhà ở xã hội phục vụ công nhân, người lao động. Thực hiện Ðề án "Ðầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030" của Thủ tướng Chính phủ, thành phố Hà Nội đang tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án nhà ở xã hội. Mới đây, Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt danh mục tám dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cập nhật vào kế hoạch phát triển nhà ở xã hội thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025. Thành phố đặt mục tiêu giai đoạn 2021-2025 hoàn thành 18 dự án, cung cấp khoảng 869.000 m2 sàn; giai đoạn sau năm 2025 hoàn thành 22 dự án với khoảng 1,6 triệu m2 sàn xây dựng.