Tới dự có đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình.
Những năm qua, tỉnh Ninh Bình tập trung, kiên định thực hiện phương thức phát triển “Xanh, bền vững và hài hòa”, tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, đô thị văn minh, hiện đại với đặc trưng cốt lõi là “Đô thị di sản thiên niên kỷ”.
Các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã tích cực hưởng ứng và tổ chức thực hiện kế hoạch trồng cây, bảo vệ và phát triển rừng, giữ gìn môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học.
Trong giai đoạn 2021-2023, tỉnh đã trồng được hơn 3,2 triệu cây xanh và gần 1.200ha rừng.
Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình phát động Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Giáp Thìn 2024. |
Tại lễ phát động, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình kêu gọi mỗi người, mỗi nhà, mỗi tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân toàn tỉnh có hành động cụ thể, thiết thực thực hiện Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 “Vì một Việt Nam xanh” của Thủ tướng Chính phủ, bảo vệ, giữ gìn, tôn tạo giá trị độc đáo, đặc sắc về tự nhiên, sinh thái của tỉnh, tạo không khí thi đua sôi nổi, phấn khởi, vui tươi trong tỉnh vào những ngày đầu xuân.
Đã thành thông lệ, cứ mỗi độ Xuân về, tỉnh Ninh Bình tổ chức lễ phát động trồng cây mở đầu cho phong trào "Trồng cây gây rừng" của năm mới. |
Với mục tiêu năm 2024 tỉnh Ninh Bình phấn đấu trồng mới được 1,2 triệu cây xanh và hơn 350ha rừng, đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện tốt phong trào, vận động các đoàn viên, hội viên và nhân dân hưởng ứng phong trào trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh.
Cùng với lễ phát động Tết trồng cây, tỉnh Ninh Bình tổ chức thông xe kỹ thuật tuyến đường Đồng Giao, tuyến đường Đông-Tây (giai đoạn I) đoạn từ đầu tuyến đến nút giao đường bộ cao tốc bắc-nam.
Dự án xây dựng tuyến đường Đông-Tây (giai đoạn I) từ Tam Điệp đến Nho Quan có tổng chiều dài 22,9km, tổng mức đầu tư hơn 1.913 tỷ đồng, quy mô đầu tư: Giải phóng mặt bằng toàn tuyến đủ mặt cắt ngang 8 làn xe, xây dựng nền đường 70m, mặt đường phần trục lõi 37m với 4 làn xe, còn lại trồng cây xanh; riêng đoạn đầu tuyến đến nút giao đường cao tốc bắc-nam xây dựng đủ 8 làn xe theo quy hoạch.
Đây là dự án lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh, kết nối cực phía tây với cực phía đông tỉnh Ninh Bình, đồng thời mở ra sự kết nối liên vùng (giữa vùng đồng bằng sông Hồng với vùng miền núi Tây Bắc và vùng duyên hải Bắc Trung Bộ).
Dự án được khởi công chào mừng kỷ niệm 200 năm danh xưng Ninh Bình và 30 năm tái lập tỉnh. Chỉ sau chưa đầy 2 năm kể từ ngày khởi công, dự án đã hoàn thành khối lượng công việc rất lớn, thi công cơ bản thông tuyến, hoàn thành và đưa vào khai thác 1,64km kết nối trực tiếp với tuyến đường bộ cao tốc bắc-nam.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã tập trung chỉ đạo, hỗ trợ kinh phí để thành phố Tam Điệp triển khai xây dựng tuyến đường Đồng Giao với chiều dài gần 1,1km, quy mô đồng bộ với tuyến đường Đông-Tây, kết nối liên thông, đồng bộ với trung tâm thành phố Tam Điệp, phát huy ngay hiệu quả khai thác, sử dụng của tuyến đường Đông Tây (Giai đoạn I) cũng như tuyến đường cao tốc Bắc-Nam.
Các đại biểu cắt băng thông xe kỹ thuật tuyến đường Đồng Giao, tuyến đường Đông-Tây (Giai đoạn I) đoạn từ đầu tuyến đến nút giao đường bộ cao tốc bắc-nam. |
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, nhiều dự án giao thông quan trọng của tỉnh đã được triển khai nhanh gọn, dứt điểm.
Nhiều tuyến đường, hạng mục đã sớm hoàn thành và cơ bản hoàn thành, đưa vào sử dụng, đã và đang phát huy hiệu quả, tạo ra không gian, dư địa, động lực mạnh mẽ cho sự phát triển trước mắt và trong dài hạn.
Thời gian tới, tỉnh Ninh Bình tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, đô thị văn minh hiện đại, với đặc trưng là “đô thị di sản thiên niên kỷ”; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, rút ngắn tối đa thời gian thực hiện và hoàn thiện các thủ tục đầu tư, tập trung triển khai thi công, phấn đấu giải ngân 100% vốn đầu tư công được cấp có thẩm quyền giao trong năm 2024, sớm hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng các dự án, phát huy hiệu quả đầu tư.
Đặc biệt là thực hiện phong trào thi đua toàn quốc “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” đã được Thủ tướng Chính phủ phát động.