Chuyển đổi số trong ngành du lịch Ninh Bình

Để thật sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thời gian qua, ngành du lịch tỉnh Ninh Bình tập trung thực hiện chuyển đổi số, từng bước hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh, du lịch số, coi đây là đòn bẩy cho ngành du lịch phát triển bền vững hơn.
0:00 / 0:00
0:00
Chuyển đổi số giúp Ninh Bình được nhiều du khách biết đến.
Chuyển đổi số giúp Ninh Bình được nhiều du khách biết đến.

Phó Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình Phạm Duy Phong cho biết, ngành du lịch Ninh Bình đã tập trung triển khai các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chuyển đổi số. Có thể kể đến những kết quả nổi bật như: xây dựng hệ thống thông tin số du lịch tỉnh Ninh Bình phục vụ công tác quản lý nhà nước; kiểm tra, giám sát hoạt động du lịch; tuyên truyền, quảng bá, hỗ trợ khách du lịch.

Ngành đã triển khai phần mềm tiện ích du lịch thông minh; hệ thống wifi hỗ trợ các ứng dụng du lịch thông minh, các ki-ốt du lịch hỗ trợ khách tại các khu, điểm du lịch chính trên địa bàn tỉnh; phần mềm ứng dụng hướng dẫn viên du lịch ảo tích hợp trên nền tảng website và thiết bị di động; số hóa 100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số ngành du lịch; thiết lập kết nối liên thông hệ thống thông tin giữa cơ quan quản lý, địa phương và doanh nghiệp; thường xuyên cập nhật dữ liệu của ngành trên hệ thống chỉ đạo điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh (OIC); phối hợp cập nhật dữ liệu của ngành vào kho dữ liệu dùng chung của tỉnh, bảo đảm nội dung, thời gian.

Bên cạnh đó, ngành du lịch Ninh Bình thường xuyên phối hợp với Trung tâm thông tin Du lịch thuộc Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, Tạp chí Du lịch đẩy mạnh truyền thông quảng bá du lịch Ninh Bình trên các trang báo điện tử và không gian số; thường xuyên quản lý và cập nhật tin, bài, phản ánh các hoạt động của ngành và các thông tin nổi bật khác trên website, trang mạng xã hội do ngành quản lý, áp dụng công nghệ số chuyển đổi bài viết thành dạng audio tích hợp vào các bài viết trên website.

Giám đốc Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch Ninh Bình (Sở Du lịch Ninh Bình) Nguyễn Văn Minh cho biết thêm: Đến nay, đơn vị đã xây dựng phần mềm thuyết minh du lịch ảo Chatbox AI đưa vào sử dụng và đã tạo lập gần 100 tài khoản cho các doanh nghiệp để đưa dịch vụ trên phần mềm du lịch thông minh của ngành; triển khai marketing trên 7 nền tảng số của mạng xã hội; xây dựng hơn 120 clip quảng bá với hơn 7 triệu lượt tương tác. Đơn vị cũng tích cực phối hợp với các kênh marketing lớn như Amazing Things xây dựng các clip và chiến dịch quảng bá, có những chiến dịch đã thu hút hơn 3 triệu lượt tương tác và theo dõi.

Đáng ghi nhận trong quá trình chuyển đổi số, ngành du lịch Ninh Bình đã huy động được sự vào cuộc tích cực của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động du lịch. Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Ninh Bình Dương Thị Thanh cho biết: Hòa chung “dòng chảy” chuyển đổi số của ngành du lịch Ninh Bình, các doanh nghiệp du lịch đã tăng cường ứng dụng các công nghệ số trong quản trị, cung cấp các dịch vụ trực tuyến cho khách hàng; duy trì tương tác với khách để hiểu tâm lý, hành vi, nhu cầu, trên cơ sở đó giới thiệu và xây dựng các sản phẩm phù hợp; nhiều doanh nghiệp, đơn vị đã hoàn thiện hệ sinh thái về dịch vụ, mua sắm, ẩm thực.

Tại các điểm đến cũng mang tới những trải nghiệm thuận tiện và an toàn cho khách hàng như các hệ thống thuyết minh tự động, mã QR Code giới thiệu hiện vật, thanh toán không dùng tiền mặt; giúp du khách không cần phải mất nhiều thời gian đi lại mà vẫn có thể tiếp cận dịch vụ, thông tin du lịch một cách đa dạng với chất lượng tốt nhất; đồng thời du khách có thể gửi phản ánh về chất lượng dịch vụ đến cơ quan quản lý.

Có thể khẳng định, chuyển đổi số đã góp phần thúc đẩy thu hút du khách đến với Ninh Bình, nhờ đó du lịch Ninh Bình luôn nằm trong nhóm 15 điểm đến hàng đầu, 10 tỉnh có lượng khách đến cao nhất cả nước; được nhiều chuyên trang du lịch có uy tín trong nước và quốc tế bình chọn là điểm đến hấp dẫn, điểm du lịch hiếu khách và được yêu thích nhất.

Trong kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, ngành du lịch Ninh Bình đang hướng đến mục tiêu năm 2025, phát triển đồng bộ hệ sinh thái du lịch thông minh; thúc đẩy ứng dụng trí tuệ nhân tạo, trợ lý du lịch ảo và các công nghệ tiên tiến khác phục vụ du khách, cộng đồng, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, góp phần đưa du lịch Ninh Bình trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Tuy nhiên, để việc chuyển đổi số trong ngành du lịch Ninh Bình đạt hiệu quả cao hơn, tỉnh và ngành du lịch cần khắc phục hạn chế là nguồn nhân lực chuyển đổi số chưa đồng đều về trình độ, khả năng sử dụng công nghệ thông tin chưa cao, tính sáng tạo, đổi mới trong chuyển đổi số còn thấp. Mặt khác, ngành phải phát huy sự phối hợp, gắn kết chặt chẽ giữa các đơn vị liên quan trong quá trình chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số đồng bộ, bởi trên thực tế, các doanh nghiệp du lịch ở Ninh Bình chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc chuyển đổi số sẽ phải áp dụng công nghệ mới, dẫn đến vấn đề chi phí đầu tư bước đầu khá lớn, bao gồm chi phí cho hạ tầng công nghệ, thay đổi hệ thống quản lý, con người, hệ thống đào tạo.