Giao thừa trên độ cao 36.000ft
Gắn bó với “mái nhà” Vietnam Airlines, tiếp viên Trần Ngọc Trung vẫn thường đùa với các đồng nghiệp rằng chẳng cần mua sắm quần áo đón Tết bởi những ngày này, hầu hết các tiếp viên đều chỉ mặc đồng phục đi bay. Và năm nay cũng không ngoại lệ khi anh đón năm mới ở đất nước “mặt trời mọc” Nhật Bản. Đây cũng là năm thứ 3 mà Ngọc Trung không được đón giao thừa cùng cha mẹ ở nhà.
“Thực ra, mỗi một lần đón giao thừa trên không trung đều là những lần đáng nhớ, nhưng ấn tượng nhất đối với tôi là dịp Tết 2019, mình thực hiện chặng bay Cam Ranh-Bắc Kinh (Trung Quốc), được đón giao thừa trên độ cao 36.000ft (gần 11.000m)”, anh Trung tâm sự.
Đó là lần đầu Trung không được đón giao thừa với gia đình nhưng cảm nhận không khí Tết ở độ cao 36.000 ft, cũng có bánh chưng, dưa hành, hoa đào và lì xì của tổ tiếp viên. Đến giờ, anh Trung vẫn còn giữ tờ tiền lì xì của tổ tiếp viên ngày hôm ấy và tờ 10 nhân dân tệ do một bác hành khách lì xì cho anh.
Giờ đây, mỗi lần nhìn lại, nhắc nhớ một bữa tất niên ở độ cao 36.000 ft, anh luôn có cảm giác đó là một lời nhắn gửi đến bản thân cần nỗ lực hơn nữa, cố gắng hơn nữa để đem lại sự hài lòng cho hành khách sau mỗi hành trình bay.
Với Ngọc Trung, lần đầu bao giờ cũng là kỷ niệm đáng nhớ nhất, vì những cảm xúc chỉ đến một lần và sau này dù có đón bao nhiêu cái Tết ở độ cao đó, cảm giác cũng sẽ không giống nhau.
Điều đặc biệt trên những chuyến bay Tết là tổ bay và tổ tiếp viên sẽ được cấp thêm bánh chưng trong đêm giao thừa. Bên cạnh đó, các nữ tiếp viên được mặc áo dài tự chọn, theo một số tiêu chuẩn chung của hãng, làm cho chuyến bay thêm vui tươi và rực rỡ sắc Xuân.
Quay ngược lại khoảng thời gian năm 2017, khi ấy Ngọc Trung đang làm việc ở mảng ngân hàng với thu nhập “rất ổn”. Trong một lần tình cờ lướt Facebook, Ngọc Trung nhìn thấy bài đăng của một người bạn đại học trong bộ đồng phục tiếp viên Vietnam Airlines. Ngay lúc ấy, một suy nghĩ bỗng xuất hiện trong đầu Ngọc Trung: Bạn cũng giống mình, học chung lớp, khả năng ngoại ngữ mình còn có phần nhỉnh hơn bạn, vậy sao mình không thử sức ở lĩnh vực này?”
Nghĩ là làm, Ngọc Trung lập tức hoàn thiện hồ sơ, nhưng phải đợi đến sau Tết năm 2018, khi Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam mở lại đợt tuyển dụng tiếp viên ở Hà Nội, cơ hội hiện thực hóa giấc mơ mới chính thức gõ cửa. “Tôi nghĩ việc tình cờ lướt Facebook là cơ duyên đến với Vietnam Airlines, nhưng thời điểm chính thức là người của Vietnam Airlines thì tôi coi đó là lựa chọn. May mắn là Vietnam Airlines cũng lựa chọn tôi”, Ngọc Trung chia sẻ.
Đến giờ, sau nửa thập kỷ gắn bó với bầu trời, Ngọc Trung tin rằng bản thân đã có một “ngã rẽ” cuộc đời đúng đắn. “5 năm không phải một chặng đường dài, nhưng cũng không còn là ngắn. Mỗi ngày đi bay, mình đều gom góp lại những câu chuyện về hành khách, về đồng nghiệp hay chính bản thân, giúp mình có thêm động lực để rắn rỏi hơn nữa”, anh Trung khẳng định.
Những hành trình hạnh phúc
Tiếp viên hàng không Việt Nam trước hành trình bay Tết. (Ảnh: VNA) |
Một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất của anh là chuyến bay Đà Nẵng-Hà Nội vào tháng 4/2020. Hôm đó, anh đang chuẩn bị chuyến bay thứ 4 trong ngày thì nhận được thông tin có hành khách trong khu vực chịu trách nhiệm phải nằm cáng do bị tai biến mạch máu não.
“Hành khách hôm ấy là hai vợ chồng cô chú lớn tuổi hơn bố mẹ tôi một chút xíu. Nghe chú kể cô chú vào Đà Nẵng chơi với con mỗi năm 2 lần, không may đợt này vừa vào hôm trước thì hôm sau cô bị tai biến, dẫn đến liệt toàn thân. Chú phải cùng cô bay về ngay để nhập viện ngoài Hà Nội để điều trị”, Ngọc Trung nhớ lại.
Điều khiến Ngọc Trung ấn tượng suốt chuyến bay là tình cảm ấm áp mà cô chú dành cho nhau. Những khoảnh khắc ấy khiến chàng trai trẻ hiểu thêm được giá trị của tình nghĩa vợ chồng. Với nghề tiếp viên “làm dâu trăm họ”, những lao động, cảm xúc càng nhiều và càng gắn bó, tiếp viên càng trưởng thành sớm hơn.
Hôm đó, thật sự Trung không làm được gì nhiều để giúp đỡ cô chú ngoài việc làm đúng vai trò của một tiếp viên hàng không, song hình ảnh chú nắm tay cô và luôn thủ thỉ động viên vợ yên tâm, sắp về nhà rồi khiến anh thấy như được thêm niềm tin vào cuộc sống, vào những giá trị cốt lõi tốt đẹp của tình thân. Và anh thầm cảm ơn cô chú vì đã cho anh có thêm niềm tin vào tình yêu cuộc sống.
Mỗi ngành nghề có một đặc thù công việc khác nhau và nghề tiếp viên hàng không cũng vậy. Ngọc Trung còn đùa vui rằng tiếp viên khá giống bên quân đội, cứ khi nào điều động là sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ, bất kể nắng, mưa, sáng, trưa, chiều tối hay dịp lễ Tết.
“Có nhiều anh chị tâm sự trên những chuyến bay xuyên Tết, phút giao thừa không cầm nổi nước mắt vì không được ở bên con cái, người thân. Mình chưa có gia đình riêng nhưng cũng phần nào hiểu được, ai có gia đình mà không muốn cái Tết được sum họp đủ đầy, nhưng vì nhiệm vụ vẫn sẵn sàng mặc đồng phục, kéo valy lên đường”, Ngọc Trung cho biết.
Công việc tiếp viên hàng không đã mang lại cho Ngọc Trung cơ hội trở thành người kết nối hạnh phúc với những người háo hức đi khám phá miền đất mới, hoặc với người trở về nhà sau một thời gian dài bôn ba tha hương nơi đất khách quê người.
Niềm vui được đặt chân đến những vùng đất mới, sự hăm hở được khám phá thế giới, sự hạnh phúc khi đồng hành cùng hành khách trên chặng đường về quê hương hay đơn giản là sự sẻ chia, quây quần cùng đồng nghiệp trên những chuyến bay xuyên Tết chính là điều đang khiến Trung thêm gắn bó với công việc này.
Ngọc Trung tâm sự: “Khoác lên mình thương hiệu của Hãng Hàng không Quốc gia, luôn đi tiên phong bay vào những vùng chiến sự hay dịch bệnh luôn là sứ mệnh lớn lao. Chung quanh tôi, tất cả người Vietnam Airlines đang ngày ngày gắng sức để toả sáng hơn nữa, đó là động lực để tôi luôn nỗ lực”.
Mong ước lớn nhất trong năm Quý Mão của các tiếp viên hàng không như Ngọc Trung là tiếp tục thực hiện những chuyến bay an toàn, góp công sức nhỏ bé đưa Hãng hàng không Quốc gia nâng tầm dịch vụ, sớm phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh để phát triển bền vững, giữ phong độ người đứng đầu như trước dịch.