Vậy nhưng, chỉ 5 năm trở lại đây, bằng quyết tâm và sự mạnh dạn thay đổi tư duy, các tổ chức đảng đã bồi dưỡng, giúp đỡ nhữngcán bộ, đảng viên trẻ nhiệt huyết thành những hạt nhân, người dẫn đường giúp cho tộc người “lá vàng” thay đổi nhận thức, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, từng bước chuyển mình.
Phận đời như lá của người La Hủ
Không phải ngẫu nhiên mà các dân tộc khác gọi dân tộc La Hủ là “tộc lá vàng”; đơn giản là bởi tộc người này trước đây luôn sống phận đời lang thang, du mục. Tuy có làm nương, rẫy, nhưng do phụ thuộc quá nhiều vào thiên nhiên nên không có sự ổn định định canh định cư. Thường thì sau mỗi mùa nương rẫy, khi lá phủ trên nóc lều chưa kịp ngả hết sang màu vàng thì họ lại di cư sang một khu vực khác để bắt đầu một mùa săn bắn, hái lượm mới. Sự thiếu ổn định cùng với các hủ tục tệ nạn tràn lan nên cái đói, cái nghèo cứ lằng nhằng đeo bám lấy bà con như những bóng ma mãi chẳng chịu dời đi.
Đường vào Sín Chải B của những năm trước giai đoạn 2015. |
Cũng như lá, phận người La Hủ trước đây cũng mong manh bởi những mùa đói lắt lay kéo dài triền miên. Và hàng năm cũng chỉ có gạo cứu đói của nhà nước mới giúp bà con có được những ngày no. Nếu như giai đoạn trước những năm 2015, đến các xã Tá Pạ, Pa Ủ, Bum Tở… nơi có đông đảo người La Hủ tập trung sinh sống; thứ bắt gặp trong tầm mắt ở khắp nơi là đồi núi xác xơ, nương trắng bạc màu. Những ngôi nhà vách nứa tiêu điều, nếu không được lợp bởi những tấm tôn hỗ trợ của nhà nước có lẽ nó sẽ giống chuồng trâu hơn nhà ở. Cuộc sống khó khăn lại thêm bản tính thật thà, ít va chạm với bên ngoài, nên cũng đã có một số hộ dân của xã bị kẻ xấu lợi dụng lôi kéo, dụ dỗ mua bán, sử dụng ma túy và đi theo tà đạo lạ.
Anh Phùng Vạ Hừ, bản Phìn Khò, xã Bum Tở, huyện Mường Tè chia sẻ: Trước đây tình hình an ninh trật tự, tệ nạn ma túy ở bản rất phức tạp. Thêm vào đó nạn uống rượu bỏ bê lao động xảy ra thường xuyên. Chính những điều này đã kéo chân bà con “ở lỳ” với đói nghèo, lạc hậu. Khi đó phần lớn các hộ đều thuộc diện hộ nghèo “bền vững” cuộc sống cùng cực, gia tài lớn nhất trong nhà của nhiều hộ chỉ vỏn vẹn là mấy cái nồi, không có vật dụng có giá trị nào khác. Đã vậy, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của bà con, nhiều kẻ xấu đã dụ dỗ người dân ở một số bản trong xã bỏ bàn thờ tổ tiên, ốm không đến bệnh viện, bỏ lao động sản xuất, chỉ đọc kinh cầu nguyện để mong có được cuộc sống ấm no... làm cho cuộc sống của bà con càng cùng cực thêm .
Bà con La Hủ tại xã biên giới Pa Vệ Sủ trước đây cũng giống như bao người La Hủ ở huyện Mường Tè, họ cũng có một quá khứ “lắt lay” cùng cái đói. Các bản của xã Pa Vệ Sủ những năm trước 2015 đều có tỷ lệ hộ nghèo trên 90% thậm chí là 100%.
Theo lời anh Pờ A Sò, bản Sín Chải B, xã Pa Vệ Sủ; gia đình anh có đông anh em. Quá khứ trẻ thơ của anh quanh quẩn ở Sín Chải B, nơi bốn bề là rừng núi. Căn nhà to nhất bản bấy giờ vẻn vẹn chỉ là một túp lều với bốn bề liếp tre; đường vào bản lô nhô dốc đá, phải đi bộ cả ngày mới ra đến trung tâm xã. Bấy giờ gia đình anh cũng như những hộ khác trong bản do mới ổn định định canh định cư nên diện tích ruộng nước khai hoang chưa nhiều, bà con chưa biết làm ăn; một năm vẫn có trên 6 tháng trông đợi vào gạo cứu đói của nhà nước.
Học sinh ở Sín Chải B phải lội suối đi bộ cả ngày mới về được trung tâm xã để học. |
Tìm nhân tố vực dậy “tộc lá vàng”
Việc thực hiện các Nghị quyết của Đảng là việc làm thường xuyên của cấp ủy, chính quyền các cấp. Tuy nhiên thực hiện như thế nào để mang lại kết quả thì cần có những ý tưởng, những định hướng cụ thể trong cách triển khai và thực hiện. Tại các vùng dân tộc ít người nhất là dân tộc La Hủ ở Lai Châu việc xóa bỏ các hủ tục, tính trông chờ ỷ lại vào chính sách của Nhà nước đã ăn sâu vào trong đồng bào là việc làm hết sức khó khăn.
Mặc dù Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho vùng đồng bào dân tộc đặc biệt khó khăn như La Hủ. Tuy nhiên hiệu quả, tính đột phá trong các chương trình, chính sách và các nhân tố giúp thay đổi chưa cao...
Bà con ở bản Pìn Khò, xã Bum Tở được cán bộ hướng dẫn người dân chăm sóc cây riềng. |
Ông Tống Văn Thi, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mường Tè nhận định, nhiệm vụ giúp dân tộc La Hủ thay đổi tư duy trong phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo đã được cụ thể hóa từ các chương trình 30a, 135 và Quyết định 1672 của Thủ tướng chính Phủ. Gần đây các chính sách mới cũng đã được triển khai, tuy nhiên những kết quả đạt được chưa thực sự như kỳ vọng.
“Hiện tại các Chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 đang được triển khai lồng ghép và kỳ vọng những chính sách này sẽ giúp đồng bào La Hủ nói riêng và đồng bào các dân tộc của huyện Mường Tè sẽ có sự khởi sắc. Tuy nhiên theo tôi cần có những cách làm đặc thù và phải để các hạt nhân chính là những người có tư duy kinh tế của đồng bào làm trước cho bà con học theo”, ông Tống Văn Thi chia sẻ.
Trồng quế giúp bà con xã Bum Tở tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống. |
Bà Lò Phù Mé, Chủ tịch UBND xã Pa Vệ Sủ, huyện Mường Tè khẳng định: Hàng chục năm qua nhà nước đã ưu tiên và dành nhiều nguồn lực đầu tư cho đồng bào dân tộc La Hủ. Tuy nhiên các chính sách thường nhỏ lẻ, hiệu quả đạt được vẫn chỉ đang dừng ở hệ thống cơ sở hạ tầng như giao thông, điện đường, trường trạm tốt hơn. Còn những chính sách an sinh phần lớn vẫn khó duy trì và phát triển sau khi mô hình kết thúc.
Theo bà Mé, với đồng bào La Hủ hiện nay các chính sách hỗ trợ nên lập theo nhóm và mọi người cùng làm, thậm chí có hợp tác xã, doanh nghiệp đứng ra làm và người dân làm công để học sau đó về phát triển cho gia đình.
Đơn cử như hiện tại ở xã Pa Vệ Sủ, một số doanh nghiệp đã vào trồng sâm với kỹ thuật và quy mô lớn người dân đã xin vào làm công nhân và hiện nay nhiều hộ học theo đã phát triển rất tốt; không cần có chính sách họ vẫn làm. Thêm vào đó họ làm tốt công tác trồng và chăm sóc rừng để hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng, mỗi năm các hộ cũng có thu nhập 30-40 triệu đồng/năm. Chỉ cần họ chăm lao động, học hỏi và có người làm để họ học theo thì nhất định thoát được nghèo.
Xác định, cần phải có người “dẫn đường” huyện Mường Tè đặt niềm tin vào đội ngũ cán bộ, đảng viên trẻ. Gần 200 bí thư chi bộ, trưởng bản thế hệ 8X, 9X được bố trí tại cơ sở với kỳ vọng phát huy hiệu quả, sự sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của tuổi trẻ để thúc đẩy kinh tế - xã hội, làm gương cho bà con noi theo.
Đồng chí Trần Đức Hiển - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mường Tè cho biết, trước đây những người làm trưởng bản thì phải uy tín, sống lâu năm có kinh nghiệm, nhưng hiện nay với lớp trẻ được đào tạo bài bản, được ăn học đầy đủ, sức trẻ lại có trình độ chuyên môn, có kiến thức cộng với sự nhiệt huyết, họ chủ động trong phát triển kinh tế hộ gia đình, tạo được sức lan tỏa rất lớn trong phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Cây thảo quả mang lại thu nhập và cuộc sống ổn định cho người La Hủ ở Sín Chải B. |
Phát huy sức trẻ dẫn đường
Thực hiện chủ trương của huyện Mường Tè, Đảng ủy xã Bum Tở đã từng bước triển khai đổi mới cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi những vạt nương, thửa ruộng bạc màu kém hiệu quả sang trồng quế, riềng mang lại thu nhập cao. Để những loại cây mới phát huy hiệu quả, cần áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và những người trẻ có trình độ chính là nhân tố then chốt để triển khai thực hiện.
Gia đình chị Phùng Giò Xó vốn là hộ khó khăn của bản Phìn Khò, xã Bum Tở huyện Mường Tè. Trước đây, giống như tất cả hộ dân trong bản, gia đình chị cũng chỉ trông chờ vào mấy nương lúa, nương ngô, ăn cũng chẳng đủ. Khi xã có chủ trương chuyển đổi cơ cấu kinh tế, với vai trò là đảng viên trẻ, mong muốn thoát nghèo chị Xó mạnh dạn chuyển đổi 4 héc ta đất nương sang trồng quế, riềng cho thu nhập cao hơn.
Hơn 40 hộ dân La Hủ của bản Sín Chải B tham gia trồng cây sâm Lai Châu (còn gọi là tam thất). |
Với phương châm mình là đảng viên phải làm trước để cho dân bản học tập, từ một hộ gia đình trẻ khó khăn, chị Xó đã vươn lên trở thành người khá giả nhất bản. Chị Xó không ngần ngại chia sẻ cách làm ăn và giúp các hộ dân trong bản cùng nhau vươn lên. Hiện, Bản Phìn Khò có hơn 80ha quế và hơn 100ha riềng. Chị Xó được bà con dân bản quý mến nên được bầu giữ chức trưởng bản khi mới tuổi 23.
Thời điểm, đạo lạ “lôi kéo” bà con La Hủ thì Chà Dì là một trong các bản của xã Bum Tở bị ảnh hưởng nhiều nhất. Trưởng bản Phàn Thị Tâm và nhiều đồng chí đảng viên trong chi bộ cũng rất khó khăn để vận động, tuyên truyền bà con trở về với văn hóa truyền thống, âu cũng bởi cuộc sống khó khăn, sản xuất lạc hậu.
Dù là một đảng viên trẻ thuộc thế hệ 9X, nhưng trưởng bản Tâm vẫn kiên trì từng ngày, một mặt thủ thỉ chuyện trò, mặt khác tích cực chuyển đổi sản xuất, trồng quế dần tạo lập được giá trị kinh tế nhất định. Thế rồi bà con thấy hiệu quả, thành ra nói gì bà con cũng nghe và làm theo. Bây giờ bản Chà Dì không còn ai theo đạo trái pháp luật nữa và nhà nào gần như cũng có diện tích trồng riềng, trồng quế, cả bản có 84 hộ giờ đã trồng được 64ha cây quế. Cùng với cây riềng, cây quế phát triển tương đối tốt và đã bắt đầu cho bà con thu nhập, ổn định cuộc sống.
Hành trình để cây quế, cây riềng đến với bà con Bum Tở không dễ dàng gì bởi đây là loại cây mới. Mà muốn người dân nghe và làm theo thì phải cho họ thấy được giá trị kinh tế mà những loại cây trồng này mang lại. Vậy nên, ngay từ năm 2017, Đảng ủy xã Bum Tở đã có chủ trương giao nhiệm vụ cho một số hộ gia đình đảng viên làm mẫu, trồng trước, khảo nghiệm và đánh giá, sau đó là nhân rộng.
Đặc biệt, tại 7 chi bộ bản, các đồng chí là bí thư chi bộ trẻ đều đồng loạt triển khai và phải đạt được hiệu quả, qua đó người dân trong xã cũng tin và làm theo. Hiện toàn xã Bum Tở đã có trên 700ha quế và gần 200 ha riềng và sa nhân tím, những diện tích này vẫn đang tiếp tục được mở rộng.
Là một người con La Hủ, chứng kiến bà con dân bản quanh năm đói nghèo, chàng thanh niên Pờ Và Hừ - trưởng bản Sín Chải B, xã Pa Vệ Sủ, huyện Mường Tè đã sớm nhận thức: “Muốn thoát nghèo cho bà con, không còn cách nào khác là phải giúp họ thay đổi tư duy, nhận thức; phải tìm ra cách làm giàu”. Với quyết tâm đó, anh đã tìm hiểu, đi nhiều nơi, đến nhiều vùng để “học cách làm giàu”.
Đi rồi mới thấy, các địa phương đều nỗ lực khai thác, phát triển tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương. Sín Chải B tuy có địa hình xa xôi, cách trở, nhưng lại là vùng phân bổ tự nhiên của cây sâm Lai Châu, loại cây bà con vẫn quen gọi là cây tam thất.
Xác định rõ đây sẽ là loại cây mang lại giá trị kinh tế cao, chàng thanh niên Pờ Và Hừ quyết định mày mò, tìm hiểu thêm kỹ thuật trồng, chăm sóc loại cây sâm này. Nắm được đặc tính sinh trưởng của cây sâm, năm 2017, Pờ Và Hừ quyết định nhân rộng diện tích trồng sâm và làm bài bản hơn. Sau thành công bước đầu, anh đã tuyên truyền, động viên bà con tham gia để nhân rộng mô hình. Hiện nay toàn bản Sín Chải B đã có trên 80% các hộ dân tham gia trồng sâm theo mô hình của Pờ Và Hừ.
Người dân La Hủ ở Mường Tè đã có sự thay đổi tư duy, nhận thức trong làm ăn, phát triển kinh tế. |
Không chỉ là người đầu tiên của bản đưa cây sâm Lai Châu về trồng, Pờ Và Hừ còn cùng với cấp ủy, chính quyền các cấp phối hợp với bà con dân bản mở rộng hàng chục héc-ta lúa nước, hàng trăm héc-ta thảo quả, tích cực phát triển các mô hình chăn nuôi… góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế ở địa phương.
Năm 2014, Pờ Và Hừ chính thức được kết nạp Đảng khi tuổi đời mới 20. Và đến năm 2018, dù vẫn còn trẻ, nhưng Pờ Và Hừ đã được dân bản tín nhiệm, bầu làm Trưởng bản Sín Chải B và trở thành người “chỉ đường, thắp sáng” cho người La Hủ trên đỉnh Pu Si Lung.
Nếu như năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo của Sín Chải B còn đến 99%, thời điểm này hộ nghèo chỉ còn dưới 50%. Với những đổi thay rõ nét ấy, bản Sín Chải B nhiều năm trở lại đây luôn là lá cờ đầu trong các phong trào, hoạt động ở địa phương, đặc biệt là phong trào phát triển kinh tế hộ gia đình.
Đồng chí Lý Mỹ Ly, Bí thư Đảng ủy xã Pa Vệ Sủ nhận định, với những người trẻ táo bạo biết làm kinh tế trong đồng bào La Hủ thì chúng tôi lựa chọn để dân bầu vào các chức danh ở bản. Những người này nói được làm được, bà con nhân dân rất tín nhiệm.
Để phát huy sức trẻ phát triển vùng dân tộc và miền núi, theo đồng chí Trần Đức Hiển - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mường Tè, thực hiện Nghị quyết 06 của tỉnh ủy Lai châu về nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ dân tộc thiểu số trên địa bàn, sau khi đánh giá và thấy được hiệu quả khi nhân tố trẻ trong đảng được phát huy trong cộng đồng người La Hủ, huyện đang xem xét nhân rộng mô hình đảng viên trẻ giữ vị trí chủ chốt ở cơ sở trong toàn huyện.