Người làm con giống bột cuối cùng ở Đồng Xuân
Nghệ nhân Phạm Nguyệt Ánh năm nay đã 75 tuổi, thuở nhỏ gia đình bà sống ở phố Đồng Xuân, chuyên nhận bán con giống bột cho những người thợ nặn bột từ nhiều nơi đem đến. Bà kể, hồi đó cả gia đình chỉ làm đầu mối bán, không học nghề mà cũng không thợ nặn bột nào nhận dạy vì sợ mất nghề, mất mối làm ăn. Hình ảnh những con giống, mâm ngũ quả đủ màu in sâu vào tâm trí bà từ hồi đó. Sau này lớn lên và trưởng thành, đất nước trải qua nhiều thay đổi, nhu cầu của người tiêu dùng cũng thay đổi, mặt hàng con giống bột không còn được quan tâm nhiều như trước nữa, người gửi hàng bán cũng thưa vắng dần.
Bà kể lại: “Hồi đó thỉnh thoảng lại có người đến nhà tôi hỏi con giống bột mà không có. Nhớ và tiếc, bố tôi đã mày mò tự tìm cách làm lấy. Thời gian đó tôi cũng đi làm công nhân chứ chưa để ý nhiều đến công việc này. Chính bố tôi đã khơi gợi cho tôi sự tò mò và cảm hứng đối với việc nặn con giống bột”.
Nghệ nhân Phạm Nguyệt Ánh tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam năm 2010. |
Năm 1985, bà Ánh bắt tay vào làm nghề. Vừa tự làm tự mày mò điều chỉnh từ cách pha bột tỷ lệ thế nào, trộn màu ra sau, từ những loại màu gì. “Màu thực phẩm hồi đó chỉ có một số loại cơ bản, muốn có màu đẹp và phong phú thì phải tự pha” – bà nói. Cách tạo hình các loại trái cây cũng là do bà tự tìm hiểu, sáng tạo. “Hồi trước, muốn làm quả na, tôi cứ phải ngồi vạch từng cái mắt. Sau này tình cờ một quả na bị rơi vào mắt lưới của chiếc túi giặt, in thành đúng hình mắt na đều tăm tắp. Từ đó tôi đã thử với các loại mắt lưới và tìm ra cách tạo hình phù hợp với từng cỡ quả” – bà kể.
Nghệ nhân Phạm Nguyệt Ánh 12 năm sau, tại Bảo tàng trong chương trình Trung thu 2022. |
Mỗi năm vào mùa Trung thu, người đi chợ Hàng Mã lại thấy chiếc mẹt nhỏ bày đầy ắp những con giống bột đủ màu sắc, nằm khiêm tốn giữa những xanh đỏ nhấp nháy của đồ chơi nước ngoài. Bà kiên trì giới thiệu đến từng khách hàng, kể cho họ nghe những câu chuyện của con giống bột. Từ năm 2006, bà trở thành khách mời thường xuyên của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, hướng dẫn cho hàng nghìn lượt trẻ nhỏ “nghịch bột” bằng sự kiên trì và khéo léo của mình. Năm 2010 bà đã được mời sang Hàn Quốc để trình diễn và giới thiệu về đồ chơi bột.
Chủ nhân của “phép lạ sau tán giấy”
Khi đốt nến trong chiếc đèn kéo quân, đĩa đèn chuyển động kéo theo những hình anh học trò vinh quy bái tổ, chú mục đồng chăn trâu thổi sáo, bác nông dân gặt lúa, các con vật… xoay vòng tròn bên trong tán đèn, như một sân khấu kỳ diệu lung linh ánh sáng. Người làm nên “phép lạ” này là nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền, năm nay đã 85 tuổi (thôn Đàn Viên, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội), có nghề làm đồ chơi dân gian như đèn lồng cổ, diều sáo… hàng chục năm nay.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền bên một chiếc đèn đã hoàn thành. |
Vốn say mê những món đồ chơi sáng tạo từ thuở bé, ông Nguyễn Văn Quyền đã học cách làm đủ loại đồ chơi chuyển động, từ con rối tre, rối đu xà đơn cho đến điện thoại ống tre. Đặc biệt là đèn kéo quân, một loại đồ chơi “nhà giàu” có từ thời các cụ. Ông Quyền bảo, làm đèn không khó, yêu cầu cao nhất là độ chính xác của các que tre để khi đốt nến, luồng khí bay lên có thể làm chuyển động trục quay và khiến cho các hình ảnh chạy theo. Đèn kéo quân trong trí nhớ của ông là món đồ chơi chỉ dành cho con nhà giàu, chỉ nhà “có của” mới chơi đèn. Cây đèn mang theo bao mong muốn, ước nguyện của con người: mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa, con cái học hành thành tài…
Xã hội ngày càng hiện đại, cây đèn kéo quân cũng bị lãng quên bởi rất nhiều trò giải trí và đồ chơi hiện đại khác. Nhưng ông Quyền vẫn giữ nghề, vừa để cho con cháu biết đến món đồ chơi thú vị của cha ông, vừa để thỏa mãn niềm vui được ngắm những hình trang trí chạy vòng vòng quanh ánh sáng của ngọn nến.
Đã 20 năm nay, ông Quyền là khách mời quen thuộc của Bảo tàng Dân tộc học. Mỗi kỳ Trung thu, dù đã cao tuổi, lại ở xa, nhưng ông vẫn chăm chỉ có mặt tại Bảo tàng, ngồi cặm cụi vót những nan tre, hướng dẫn bọn trẻ bôi hồ, phất giấy để sau đó sung sướng ngắm nhìn những gương mặt trẻ nhỏ mê mẩn trước những hình voi, ngựa chạy quanh chiếc đèn như một điều kỳ diệu.
Sản phẩm đèn kéo quân, diều sáo của ông đã được lựa chọn trưng bày tại Trung tâm triển lãm Vân Hồ. Ông đã khôi phục đèn lồng cổ theo hình vẽ trong cuốn Kỹ thuật của người An Nam và có 10 đèn lồng cổ hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội.
Ông được Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Hà Nội, Hoàng thành Thăng Long, Trung tâm triển lãm Vân Hồ, Phố cổ Hà Nội… trao tặng nhiều giấy chứng nhận, giấy khen về thành tích bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc.
Người cuối cùng làm mặt nạ giấy bồi của Hà Nội
Ông Nguyễn Văn Hòa, 68 tuổi (phố Hàng Than, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) được mệnh danh là “người cuối cùng làm mặt nạ giấy bồi ở phố cổ Hà Nội”, với hơn 40 năm gắn bó cùng món đồ chơi Trung thu này.
Làm mặt nạ giấy bồi mất nhiều công sức, phải có khuôn ép, mỗi năm lại phải nghĩ ra những mẫu mặt nạ mới để hấp dẫn trẻ con. Nguyên liệu đơn giản gồm giấy, hồ và màu vẽ, nhưng phải làm kỹ, ép kỹ thì mặt nạ mới chắc. Hồ dán được quấy bằng bột sắn dây, thành chất kết dính tự nhiên, rất chắc và quyện với giấy. Mặt nạ ép khuôn xong phải phơi tự nhiên, nếu sấy sẽ bị cong vênh, mất hết dáng ban đầu. Mặt nạ phơi khô hoàn toàn mới đem vẽ từng lớp một, lớp này khô mới vẽ sang lớp tiếp theo. Mất nhiều công sức như vậy, nhưng mặt nạ giấy bồi hiện đang bị cạnh tranh mạnh bởi những loại mặt nạ nhựa rẻ tiền nhập hàng loạt trên thị trường. Nhưng ông Hòa vẫn không bỏ nghề, bởi những chiếc mặt nạ ông làm ra có nét đẹp riêng, có cá tính, không hôi mùi nhựa nên vẫn có những người yêu thích, tìm đến tận nhà ông để mua.
Ông Nguyễn Văn Hòa cũng là một trong những nghệ nhân đầu tiên tham gia chương trình Trung thu của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Từ những chương trình này, mặt nạ của ông được biết đến rộng rãi hơn. Khu trải nghiệm vẽ mặt nạ của ông Hòa lúc nào cũng đầy ắp trẻ nhỏ, có hôm còn không đủ chỗ. Ngoài ra, ông Hòa cũng được mời tham gia nhiều chương trình Trung thu do các đơn vị khác tổ chức.
Người “thắp sáng” ước mơ của trẻ nhỏ
Bà Nguyễn Thị Tuyết (thôn Hậu Ái, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội) là gương mặt quen thuộc của nhiều chương trình Trung thu. Giờ đây bà nổi tiếng đến mức Trung thu năm nào cũng được báo chí, truyền thông nhắc đến. Các loại đồ chơi của bà rất phong phú, nổi bật nhất là đèn ông sao, ngoài ra còn có đèn cá, đèn tôm, đèn con thỏ, ông tiến sĩ giấy, ông đánh gậy. Nghề làm đèn đã đi theo bà Tuyết từ thủa ấu thơ, khi ngôi làng nhỏ của bà cứ vào mùa Trung thu là rộn rã xe ra xe vào chở nguyên liệu đến, chở sản phẩm đi. Nghề làm không khó, nguyên liệu cũng không khó kiếm, quan trọng là khi làm khung phải gắn cho kỹ, nếu không thì trẻ nhỏ chỉ cầm chơi một lúc là rơi hết que, cờ…
Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyết đang phất giấy bóng kính cho một chiếc đèn cá trong sự kiện Trung thu tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. |
Một thời gian khi nền kinh tế mới mở cửa, những loại đồ chơi nhập khẩu cũng khiến những chiếc đèn thủ công của thôn Hậu Ái chìm vào quên lãng. Năm 2002 bà được Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam mời tham gia hướng dẫn làm đồ chơi cho trẻ em, và từ đó đã hiểu được tầm quan trọng của việc duy trì nghề. Cũng từ những chương trình Trung thu này ở Bảo tàng, những món đồ chơi dân gian của bà Tuyết cũng được nhiều người biết đến hơn. Bà Tuyết cũng được nhiều nơi mời đến hướng dẫn về đồ chơi dân gian cho trẻ em như: nhà Di sản phố cổ, Ban quản lý phố cổ Hà Nội, Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu Quốc Tử Giám, Trung tâm triển lãm Vân Hồ…
Mỗi mùa Trung thu qua đi, chúng ta có thể tìm thấy những nghệ nhân như thế này ở những nơi tổ chức chương trình, sự kiện, cùng nhiều nghệ nhân khác. Nhưng hết mùa, cũng như những chiếc đèn ông sao, đầu sư tử, mặt nạ khi Rằm tháng Tám đã đi qua, họ lại trở về với cuộc sống, và không phải ai cũng nhớ đến. Mỗi mùa Trung thu, lại có người còn, người mất. Cụ Nguyễn Văn Xuân, người làm đèn ông sư “chuẩn” cuối cùng ở Hà Nội đã qua đời, nỗi niềm đau đáu không truyền nghề được cho ai vẫn đi theo cụ cho đến cuối đời. Anh Nguyễn Mạnh Hùng, cũng là người cuối cùng làm tàu thủy sắt tây, cũng mới qua đời đầu năm nay. Những chiếc tàu thủy của anh có còn được tiếp nối không, đó vẫn còn là câu hỏi chưa có lời đáp.