Bảo tồn đồ chơi truyền thống: Không phải câu chuyện của riêng ai

NDO - Đồ chơi Trung thu cổ truyền không chỉ thú vị, mà còn chứa cả bề dày văn hóa, đúc kết kinh nghiệm, kiến thức của cha ông ta nhiều đời nay. Thế nhưng đồ chơi truyền thống hiện không thể cạnh tranh được với các loại đồ chơi hiện đại, nghệ nhân làm đồ chơi cũng mai một và chưa được quan tâm đúng mức. Đã đến lúc việc bảo tồn đồ chơi truyền thống và hỗ trợ nghệ nhân dân gian cần được cả các cơ quan chức năng và xã hội lưu tâm.
0:00 / 0:00
0:00
Trẻ em tập làm đèn ông sao tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.
Trẻ em tập làm đèn ông sao tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.

Tại cuộc Tọa đàm “Tết Trung thu cổ truyền: Gìn giữ, phát huy và lan tỏa” do Cung Thiếu nhi Hà Nội phối hợp Hội Truyền thông thành phố Hà Nội và Tạp chí Xưa Nay tổ chức đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các diễn giả, như: nhà sử học Dương Trung Quốc, Tiến sĩ Vũ Hồng Nhi (Phó Trưởng phòng Truyền thông giáo dục, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam), ông Phan Đăng Long (nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội), Tiến sĩ Vũ Thế Long, nhà văn Lê Phương Liên, nhà báo Vũ Tuyết Nhung.

Những món đồ chơi mang bề dày văn hóa

Đồ chơi Trung thu cổ truyền không chỉ đơn thuần là món đồ để giải trí, mà còn mang theo cả bề dày của nền văn hóa Việt, đúc kết những kinh nghiệm, kiến thức mang tính khoa học từ trong cuộc sống của cha ông ta nhiều đời nay. Món đồ chơi nào cũng được làm từ những mong muốn của con người đối với thiên nhiên, và dựa trên những kỹ thuật cơ bản về vật lý, hóa học, tận dụng sức nóng của lửa để làm đồ chơi chuyển động (đèn kéo quân), dùng chất đốt để chạy (tàu thủy sắt tây), dùng các miếng gỗ hình tròn để làm quay tán đèn (đèn ông sư), dùng giấy bóng kính nhiều màu tạo ra ánh sáng lung linh đủ màu sắc (đèn ông sao, đèn con thỏ, đèn tôm, cá…).

Mỗi món đồ chơi đều có ý nghĩa như: mong muốn một mùa màng tươi tốt bội thu, mưa thuận gió hòa, mong bình an, may mắn, con cái học hành đỗ đạt, thành công…

Những món đồ chơi dân gian đều đã trải qua một bề dày lịch sử. Không ai xác định rõ đồ chơi Trung thu bắt đầu xuất hiện từ bao giờ, ai làm ra đầu tiên… Nhưng cho đến bây giờ, các món đồ chơi truyền thống hầu như vẫn giữ nguyên vẹn kiểu dáng ban đầu, nếu có thay đổi, chỉ là sao cho tiện dụng hơn và dễ chơi hơn đối với trẻ nhỏ.

Bảo tồn đồ chơi truyền thống: Không phải câu chuyện của riêng ai ảnh 1

Vẽ đầu lân.

Bằng những cách “kể chuyện” đặc biệt của mình, các món đồ chơi Trung thu cũng giúp cho trẻ em học hỏi được nhiều kiến thức. Tiến sĩ Vũ Hồng Nhi cho biết, đồ chơi truyền thống không chỉ cung cấp cho các em nhỏ thông tin về văn hóa truyền thống, mà còn giúp các em ôn lại những bài học về chuyển động, hơi đốt, về động cơ, sức gió… trong những môn đã học ở trường.

Tiến sĩ Vũ Thế Long (chuyên gia nghiên cứu về môi trường và lịch sử văn hóa) kể lại, hơn 20 năm trước, có dịp làm việc trong Bảo tàng Con người ở Paris, ông đã thấy trong kho của Bảo tàng một bộ sưu tập đồ chơi làm từ sắt tây mà bà Colani, nhà khảo cổ học Pháp sưu tầm được ở Hà Nội và đem về Pháp năm 1929, sau đó trưng bày ở Mỹ.

Điều lý thú là trong sưu tập này có những chiếc xe làm bằng sắt tây có 4 bánh và bên trên có những con rối sắt tây cử động được khi kéo cho xe chạy. Có ông bán phở gánh với bàn thái phở và nồi nước dùng, đầu đội mũ phở tay cầm dao chặt lên thớt. Có cả con rối xay lúa giã gạo và đặc biệt là có tượng Thánh Gióng, Hai Bà Trưng trong nhóm đồ chơi này.

“Tôi ngạc nhiên khi thấy thời bấy giờ, người Việt đã khéo đem nội dung khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần độc lập dân tộc chống ngoại xâm vào nghệ thuật đồ chơi dân gian Trung thu một cách tài tình khéo léo đến thế”, Tiến sĩ Vũ Thế Long nói.

Tìm cách bảo tồn đồ chơi truyền thống

Một trong những nơi đầu tiên và kiên trì tổ chức các hoạt động trải nghiệm, thực hành làm đồ chơi dân gian cho trẻ nhỏ vào mỗi dịp Trung thu là Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.

Trong suốt 20 năm qua, trừ khoảng thời gian phải tạm ngừng do dịch Covid-19, Bảo tàng đã tổ chức hàng chục chương trình với các chủ đề khác nhau, hướng tới tìm hiểu trò chơi, đồ chơi dân gian và Tết Trung thu của nhiều địa phương trong nước, cũng như của một số nước trong khu vực như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản… Nhiều nghệ nhân làm đồ chơi dân gian đã được đông đảo công chúng biết đến từ những hoạt động của Bảo tàng.

Bảo tồn đồ chơi truyền thống: Không phải câu chuyện của riêng ai ảnh 2

Bé vẽ mặt nạ.

Chị Vũ Hồng Nhi, Phó Trưởng phòng Truyền thông giáo dục của Bảo tàng cho biết, mặc dù đời sống của các nghệ nhân hầu hết đều còn khó khăn, nhưng họ vẫn rất tâm huyết, quyết tâm lưu truyền giá trị văn hóa và nét đẹp của đồ chơi truyền thống đến với thế hệ trẻ. Những nỗ lực này cũng với nỗ lực của Bảo tàng đã phần nào đem lại kết quả nhất định.

Với hàng nghìn lượt khách tham quan vào mỗi dịp Trung thu, đồ chơi truyền thống đã phần nào được chú ý đến, được yêu thích và thu hút trẻ nhỏ cùng các gia đình trở lại Bảo tàng vào mỗi dịp Trung thu hằng năm.

Tiến sĩ Vũ Hồng Nhi cũng cho rằng, cần có sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức văn hóa trong việc giới thiệu và tổ chức các họat động đón Tết Trung thu cho trẻ em với đồ chơi, trò chơi dân gian có tính giáo dục cao để những giá trị cốt lõi sẽ tiếp tục được nhân lên.

Vật chất nhiều lên, đồ chơi trung thu càng ngày càng đẹp, bánh trung thu và hoa quả hàng nội hàng ngoại càng ngày càng ngon, Mọi việc từ bày cỗ Trung thu, trang trí lễ hội đến các đội múa rồng, múa lân, sân khấu loa đài điện tử càng ngày càng chuyên nghiệp, điêu luyện, hiện đại hơn. Thế mà Tết Trung thu càng ngày càng nhạt, các cháu thiếu nhi càng ngày càng ít tình cảm với Tết Trung Thu. Ở nhiều cơ sở khu phố các cháu ít tham gia sinh hoạt chung. Nguyên nhân vì đâu?

(Nhà văn Lê Phương Liên)

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, những người nắm giữ vai trò quan trọng nhất trong việc giúp trẻ em hiểu và yêu đồ chơi dân gian chính là các phụ huynh. Bố mẹ đồng hành cùng con khám phá đồ chơi dân gian, giải thích cho con hiểu, chơi cùng con, sẽ khiến trẻ nhỏ thích thú với món đồ chơi hơn là để trẻ tự chơi.

Ngoài ra, muốn đồ chơi dân gian có sức sống, hãy tạo một không gian cho chúng. Theo nhà sử học, nếu những không gian trang trí, cơ quan, trường học, địa điểm công cộng thay thế các loại đồ trang trí nhập khẩu, không phù hợp thẩm mỹ bằng các loại đèn dân gian, thì vừa tăng sức sống cho đồ chơi, vừa tạo nguồn thu nhập cho những người làm đồ chơi. Nên khuyến khích các gian hàng giới thiệu và bán đồ chơi dân gian tại các sân bay, bến cảng…, những nơi khách nước ngoài đặt chân đến Việt Nam đầu tiên, để quảng bá cho họ biết được vẻ đẹp và sự độc đáo của đồ chơi dân gian.

Và quan trọng nhất, không thể thiếu được vai trò của nhà nước, với những cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển đồ chơi dân gian, hỗ trợ nghệ nhân trong cả đời sống và truyền nghề. Chỉ khi thấy được sự quan tâm của nhà nước đối với những giá trị của đồ chơi truyền thống, những thế hệ sau mới an tâm nối nghiệp nghệ nhân.