Từ nhiều năm nay, làng Cao Hạ, xã Đức Giang (huyện Hoài Đức, Hà Nội), luôn tổ chức múa lân để đón Trung thu về như một cách để gìn giữ những mạch nguồn văn hóa nhân văn. (Ảnh: Thành Đạt)
Từ nhiều năm nay, làng Cao Hạ, xã Đức Giang (huyện Hoài Đức, Hà Nội), luôn tổ chức múa lân để đón Trung thu về như một cách để gìn giữ những mạch nguồn văn hóa nhân văn. (Ảnh: Thành Đạt)

Tết Trung Thu: Gìn giữ những mạch nguồn nhân văn

NDO - Một mâm cỗ Trung thu xưa bên cạnh mâm ngũ quả, cốm xanh, cặp bánh nướng, bánh dẻo thì còn có một bát ốc luộc và một vài món mặn cho người lớn cùng… phá cỗ, trông trăng.

Trải qua thời gian, những nếp cũ đã dần nhường lại cho nhịp sinh hoạt hiện đại, và mới mẻ hơn. Nhưng, thoảng đâu đó, cả trẻ thơ và các bậc mẹ, cha vẫn tìm thấy hồn vía của Lễ đoàn viên riêng có của dân tộc.

Từ ngày hội mùa màng tới Tết đoàn viên, Tết Thiếu nhi

Tết Trung thu theo đúng chiết tự, nghĩa là ngày Tết vào chính giữa của mùa thu, tính theo lịch âm tức là ngày Rằm tháng Tám. Theo các nhà nghiên cứu sử học, ngày lễ đặc biệt này đã có mặt ở Việt Nam cách đây hàng ngàn năm, với dấu vết được khắc trên mặt trống đồng Ngọc Lũ. Đó là ngày hội của nông dân sau vụ mùa bội thu để tạ ơn thần linh đã cho những ngày mưa thuận gió hòa.

Theo nhà văn Lê Phương Liên, trong tiết trung thu, bầu trời thường trong trẻo và mặt trăng sẽ rất tròn. “Từ vua đến dân đều ngắm trăng để chiêm nghiệm và dự đoán những điều sắp tới. Nếu trăng sáng vằng vặc, ta sẽ có vụ mùa bội thu. Nếu trăng màu vàng, tằm sẽ nhả nhiều tơ. Nếu trăng chuyển màu xanh hay lam sẽ có nạn đói…”

Tết Trung Thu: Gìn giữ những mạch nguồn nhân văn ảnh 1

Tò he - đồ chơi thường hay xuất hiện trong mâm cỗ Trăng Rằm. (Ảnh: Thành Đạt)

Trong lễ hội Trung thu cổ truyền thường có rước Rồng để cầu mưa, tránh bão tố. Ngoài ra, người ta cũng múa Lân, trong điệu múa ấy có Tráng sĩ và Ông Địa. Tráng sĩ múa giáo đối đầu với Sư tử. Ông Địa dùng quạt phe phẩy bộ điệu khôi hài. Màn múa Sư tử bao giờ cũng kết thúc ở chỗ Sư tử được quy phục, tượng trưng cho sức mạnh của thiên nhiên đã thuận hòa cùng con người.

Cũng theo nhà văn Lê Phương Liên: Từ thời xa xưa vào dịp Rằm tháng tám người dân có tục lệ làm đèn lồng: đèn con Thỏ, đèn con cóc, đèn cá chép… Những vật phẩm này đều làm bằng giấy mầu, có cốt nan tre do những người thợ mã (thợ hoa nan) làm bằng tay. Đèn con Thỏ tượng trưng Thỏ Ngọc, vị tiên giã thuốc trường sinh trên Cung Trăng, Đèn Thiềm Thừ (con cóc) là “cậu ông giời”. Đèn Cá chép, bắt nguồn từ sự tích cá vượt vũ môn, cầu mong cho con cháu học hành đỗ đạt.

Tết Trung Thu: Gìn giữ những mạch nguồn nhân văn ảnh 2

Trong mâm cỗ Trung thu còn có nhân vật ông tiến sĩ (ông Nghè). “Cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai, cũng gọi ông nghè có kém ai”; “Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng, nét son điểm rõ mặt văn khôi” rồi cả “ghế chéo, lọng xanh ngồi bảnh chọe” (Thơ Nguyễn Khuyến). Hình tượng ông tiến sĩ trong mâm cỗ trung thu cho trẻ em thể hiện tình thần hiếu học và mơ ước tiến thân bằng khoa cử của người dân Việt Nam thời xưa.

Dần dần, lễ hội được tổ chức rộng khắp các địa phương và trở thành dịp để tất cả các thành viên trong gia đình quây quần, sum họp. Từ một ngày hội mùa màng, Trung thu hóa thành ngày Tết đoàn viên. Theo Tiến sĩ Vũ Hồng Nhi (Phó trưởng phòng Truyền thông giáo dục, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam), Tết đoàn viên là tên gọi phổ biến trước Cách mạng Tháng Tám.

“Tết Trung thu của chúng ta rất đặc trưng, khác hẳn ngày lễ tương tự tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore hay Nhật Bản. Tại Nhật Bản, Trung thu là dịp để kết gia, trong khi ý nghĩa của sự kiện tại Trung Quốc là kết duyên”, Tiến sĩ Nhi cho biết.

Riêng ở Việt Nam, Trung thu gắn chặt với lịch sử dân tộc, với đặc trưng văn hóa, nhắc nhớ mọi người về nguồn cội và tình cảm gắn kết trong gia đình, cầu mong thần linh, tổ tiên phù hộ cho con cháu luôn được bình an, mạnh khỏe.

Kể từ năm 1945, sau khi nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Tết Trung Thu chính thức được coi là Tết Thiếu nhi.

Tết Trung Thu: Gìn giữ những mạch nguồn nhân văn ảnh 3

“Tết Trung Thu đầu tiên vào mùa thu năm 1945 đã được tổ chức long trọng ở Hồ Gươm trung tâm thủ đô Hà Nội. Nhiều hồi ký các bậc tiền bối đã kể lại kỷ niệm Trung thu có lễ hội Rước đèn, đặc biệt là sự ra đời của “Đèn Ông Sao” và Trò chơi lớn “Chống xâm lăng” trên hồ Hoàn Kiếm”, nhà văn Lê Phương Liên kể.

Trong ký ức của nữ nhà văn, Tết Trung thu dù ở giai đoạn khó khăn nhất vẫn có mâm cỗ với bánh nướng bánh dẻo, chuối, hồng, cốm , bưởi… Các học sinh được thầy cô giáo hướng dẫn tự tay làm đèn ông sao và các loại đèn khác để đi rước đèn trong đêm Rằm Trung thu.

“Tôi còn nhớ khi anh hùng Liên xô Yuri Gagarin là người đầu tiên bay vào vũ trụ, thiếu nhi Hà Nội còn có phong trào làm “Đèn Tên lửa” bằng cốt tre nứa và dán giấy bóng kính. Đó là những chiếc đèn rất đẹp dẫn đầu đoàn diễu hành đèn ông sao của thiếu nhi đi vòng quanh hồ Hoàn Kiếm", nữ nhà văn kể.

Những giá trị vĩnh hằng qua năm tháng

Trải qua năm tháng, Trung thu đã không chỉ còn là ngày Tết của mùa màng, sự đoàn viên hay dành riêng cho thiếu niên, nhi đồng. Cùng với sự vận động của đời sống hiện đại, dịp này còn trở thành ngày hội của tất cả mọi người.

Những ngày đầu tháng 9, xen giữa dòng xe tấp nập, người ta đã nhận ra thấp thoáng những chiếc đèn lồng treo trên phố. Đèn ông sao, tò he, mặt nạ đủ sắc màu… cũng được bày bán khắp nơi. Tại Hà Nội, nhiều người tranh thủ đưa gia đình tới các tuyến phố cổ như Mã Mây, Hàng Mã… để tận hưởng không khí ngày hội lớn nhất của mùa thu.

Tết Trung Thu: Gìn giữ những mạch nguồn nhân văn ảnh 4

Những ngày đầu tháng 9, xen giữa dòng xe tấp nập, người ta đã nhận ra thấp thoáng những chiếc đèn lồng treo trên phố. (Ảnh: Thành Đạt)

Anh Vũ Đăng Giang (Linh Đàm, Hà Nội) cho hay: Năm nào cũng thế, trước khi Tết Trung thu chính thức diễn ra, anh lại đưa cậu con trai lên phố cổ để sắm sửa vài món cho một bữa tiệc nhỏ đêm Rằm.

“Bố con tôi thường chọn một vài con giống tò he, một mặt nạ chú Tễu bằng giấy bồi, đầu sư tử bé bé. Phần chuẩn bị mâm ngũ quả, cốm, chuối tiêu, cành hồng… thì vợ tôi nhận”, anh Giang hồ hởi kể.

Cũng giống như anh Giang, rất nhiều gia đình tại Hà Nội đang có xu hướng “tìm về truyền thống” trong các dịp lễ nói chung, Tết Trung thu nói riêng. Những mâm cỗ gần với… ngày xưa được bày biện. Khắp phố phường, các đêm hội trăng rằm, đêm trông trăng… cũng được tổ chức với rất nhiều trải nghiệm, trò chơi truyền thống.

Một loạt các hoạt động phục dựng trung thu “ngày xưa” cũng được tổ chức. Múa rối cạn Tế Tiêu, tò he Xuân La Phú Xuyên… lần lượ lên phố và được trân trọng. Câu lạc bộ Đình làng Việt tổ chức đêm Rước trăng chơi phố tại khu Tập thể Trung Tự (Hà Nội) để trình diễn múa Nghê thời Lý, biểu diễn âm nhạc dân gian và chia sẻ với các em nhỏ về nguồn gốc, ý nghĩa của ngày Trung thu.

Tết Trung Thu: Gìn giữ những mạch nguồn nhân văn ảnh 5

Mỗi dịp Trung thu, nghệ nhân Đặng Văn Hậu lại tỉ mẩn làm tò he trên phố cổ như một cách tôn vinh những mạch nguồn nhân văn ngàn đời của dân tộc. (Ảnh: Thành Đạt)

Theo nhà báo Vũ Tuyết Nhung (nguyên Trưởng Ban biên tập Văn hóa-Xã hội, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội), khi cuộc sống của người dân trở nên sung túc hơn thì những cái Tết Trung thu cũng trở nên rực rỡ và rộn ràng hơn. Thế nhưng, những giá trị nhân văn cốt lõi có ý nghĩa xã hội sâu sắc nhất là sự quan tâm, chăm sóc cả vật chất và tinh thần cho trẻ em vẫn luôn trường tồn.

“Vào dịp này, từ xa xưa, dẫu còn nhiều khó khăn vất vả, nhưng mỗi gia đình đều cố gắng có được mâm cỗ Trung thu, trước để cúng tổ tiên, sau cho con trẻ thụ hưởng. Ngày nay, trong khu trung tâm phố cổ Hà Nội, không khí đón Trung Thu vẫn đậm đặc phong vị truyền thống với những trò chơi, những màn diễn xướng dân gian. Tiếng trống phách đàn địch, tiếng reo hò cổ vũ râm ran đây đó khiến ai nấy đều cảm thấy như trở lại tuổi thơ tươi đẹp”, nhà báo Vũ Tuyết Nhung bày tỏ.

Tết Trung Thu: Gìn giữ những mạch nguồn nhân văn ảnh 6

Theo tiến sĩ Vũ Thế Long (Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam), những sự kiện như lễ hội Trung thu tại Tuyên Quang đang hé mở cơ hội phát triển mới cho ngành du lịch Việt Nam. (Ảnh: Thành Đạt)

Đồng tình với quan điểm này, nhà sử học Dương Trung Quốc nhận định: Tết Trung Thu nay nhiều thứ vẫn còn, nhiều cái đã mất nhưng cái dường như không bao giờ mất được là lòng hướng thiện mà người lớn luôn gửi gắm, giáo dục cho con cái mình đừng quên những thân phận thiệt thòi trong mọi dịp vui.

Trong khi đó, Tiến sĩ Vũ Thế Long (Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam) cũng bày tỏ sự vui mừng khi thực tế những năm gần đây một số nơi trong nước đã tổ chức lễ hội Trung Thu trong đó có lễ hội đèn lồng, diễu hành xe hoa như ở Tuyên Quang, Yên Bái là những hình mẫu rất thành công. Ông Long đề xuất tổ chức hội Trung Thu trong nhiều tỉnh thành vì đây là một giá trị văn hóa sẽ có đóng góp lớn cho phát triển công nghiệp văn hóa du lịch ở nước ta.

back to top