Giao lưu dày đặc
Nguyễn Thế Sơn và Nguyễn Kim Tố Lan đã dành cả tháng 9 để giới thiệu mỹ thuật đương đại Việt Nam tại Ma-xa-chu-xét (Mỹ). Triển lãm của hai nghệ sĩ lưu trú này có tên “Nhẹ tựa lông hồng”. Sử dụng thành ngữ Việt Nam này, họ muốn thể hiện thái độ tự tin, lạc quan trước những thách thức trong cuộc sống. Nếu như Thế Sơn tập trung vào câu chuyện đô thị hóa với những người làm nghề tự do như bán hàng rong, chạy xe ôm thì Tố Lan lại mượn lễ hội Trung thu của người Việt để nói về mơ ước đặt chân tới mặt trăng. Trong khi đó, Ly Hoàng Ly lại có mặt tại Triển lãm nghệ thuật đương đại châu Á - Thái Bình Dương tại Ô-xtrây-li-a. Nghệ sĩ Trần Lương xuất hiện tại Triển lãm nghệ thuật quốc tế Thailand Biennale… Ở trong nước, một cuộc giao lưu khác đã diễn ra tại A Farm (quận 12, TP Hồ Chí Minh) với nhiều nghệ sĩ trong nước và quốc tế. Tại đó, có sự tham gia của Phạm Trần Việt Nam, Đỗ Nguyễn Lập Xuân, Lại Diệu Hà… Giám tuyển của triển lãm hồi tháng 6 đó là Đinh Q. Lê và Trần Lương. Họ hướng tới việc tạo sự kích thích sáng tạo.
“Nếu nhìn chung quanh có thể thấy nghệ sĩ Việt xuất hiện khá dày đặc so với trước đây. Một số người xuất hiện liên tục tại các biennale như Đàm Nguyễn, Phan Thảo Nguyên. Chúng ta tới Thailand Biennale, tới In-đô-nê-xi-a, Ô-xtrây-li-a…”, giám tuyển, nghệ sĩ Trần Lương nói. Trong những cái tên ông Lương nhắc tới có Phan Thảo Nguyên - nghệ sĩ vừa đoạt giải thưởng Nghệ thuật Video Art Award 2018 tại Bác-xê-lô-na (Tây Ban Nha). Đây là giải thưởng do Quỹ Han Nefkens và Loop Barcelona thành lập, trao hằng năm, nhằm khuyến khích nghệ thuật đương đại trong lĩnh vực video-art bằng cách hỗ trợ các nghệ sĩ có nguồn gốc hoặc quốc tịch châu Á. Trước đó, cô cũng đoạt giải thưởng cao nhất cuộc thi Signature Art Prize tại Xin-ga-po với tác phẩm Giấc ngủ trưa miền nhiệt đới. Đây là tác phẩm sắp đặt kết hợp giữa hội họa và video, nhân vật là những học sinh ở một vùng nông thôn.
Cũng trong năm qua, triển lãm biếm họa Chống tham nhũng là một dấu ấn về cách nhìn nhận thể loại biếm họa. Các tác phẩm được giải, theo giám khảo Lý Trực Dũng, tuy chưa đạt được mức “tác phẩm phi thời gian” song đã phản ánh được nhiều vấn đề thời sự. Thống kê cho thấy, các từ khóa được sử dụng nhiều trong tác phẩm là: cả nhà làm quan, buôn chổi đót, nuôi lợn. Đó là những từ gắn với các vụ việc đã được đưa ra truyền thông mổ xẻ và thu hút người dân tham gia bình luận. “Có thể thấy, không thể “đùa” được với các họa sĩ biếm họa khi họ vẽ về tham nhũng”, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Lương Xuân Đoàn nhận xét.
Khơi nội lực
Cục trưởng Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Vi Kiến Thành cho biết, hiện tại việc giao lưu mỹ thuật đương đại của các nghệ sĩ được các cấp quản lý ủng hộ. “Một số nghệ sĩ Việt Nam đi các triển lãm mỹ thuật quốc tế, có qua Cục xin cấp phép, nhưng không phải tất cả. Chúng tôi ủng hộ nghệ sĩ Việt đi như thế. Cái đó quá tốt, là một con đường giới thiệu mỹ thuật Việt ra thế giới. Bây giờ, chủ yếu là mời các nghệ sĩ hoặc các phòng tranh có quan hệ với nhau. Đừng nghĩ cái gì cũng Nhà nước làm. Cái gì tư nhân và khu vực phi Chính phủ làm tốt hơn thì nên ủng hộ”, ông Thành nói.
Về thành tựu mỹ thuật đương đại năm qua, ông Thành cho rằng: “Một trong những thành tựu đáng kể chính là cụm tác phẩm trong đường hầm nhà Quốc hội”. Đây là cụm tác phẩm của 15 nghệ sĩ, đứng đầu là Nguyễn Thế Sơn. Cụm tác phẩm này được thực hiện để kết nối hai không gian bảo tàng các phát hiện khảo cổ tại Nhà Quốc hội. Với nhiều hình thức như video art, sơn mài, nhiếp ảnh phù điêu, sắp đặt… các tác phẩm kể câu chuyện của lịch sử và giá trị di sản. Đây là cụm công trình thực hành nghệ thuật đương đại được đặt hàng riêng cho không gian đường hầm nhà Quốc hội.
Tác phẩm của Cấn Văn Ân, trưng bày tại đường hầm nhà Quốc hội.
“Chúng tôi được đặt hàng một cụm tác phẩm nghệ thuật đương đại chứ không phải trang trí. Và điều tôi rất thích là cách thức thực hiện. Điều này rất quan trọng”, Nguyễn Thế Sơn chia sẻ.
Cụm công trình này có thể được coi như mốc thứ hai quan trọng của các thực hành mỹ thuật đương đại nếu đặt tiêu chí được xuất hiện trong những địa điểm mang tính biểu tượng văn hóa lịch sử quan trọng. Ở mốc đầu tiên, các thực hành này đã được tổ chức tại Nhà hát Lớn hồi năm 2003 và đến giờ được chính thức ghi dấu tại nhà Quốc hội.
Mặc dù vậy, theo ông Trần Lương, để thúc đẩy mỹ thuật đương đại Việt Nam, vẫn cần có thêm những chính sách hỗ trợ có tầm nhìn hơn. “Chúng ta có thành công của những cá nhân. Nhưng thành công của những cá nhân không làm thay đổi được cả một nền mỹ thuật nếu không có cơ chế quản lý. Ở góc độ đầu tư văn hóa, các nước như Thái-lan, Phi-li-pin, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a, Xin-ga-po đã đầu tư cho khu vực của họ ở Venice Biennale đều đặn. Đó là niềm tự hào cũng như là biểu tượng sự quan tâm đến văn hóa. In-đô-nê-xi-a cũng đã có biennale của tư nhân và một phần tài trợ của Nhà nước từ lâu rồi. Điều mà chúng ta cần nâng cao là chính sách đầu tư cũng như đổi mới giáo dục ở trường mỹ thuật. Làm thế nào để sinh viên không bỏ trường, không thấy bài giảng ở trường chán”, ông Lương nói.