Người Dao Tiền ăn Tết từ 26 tháng Chạp sang đến mồng 3 tháng Giêng. Một trong những phong tục không thể thiếu với người Dao Tiền ở Bản Pình là tục lấy nước đêm Giao thừa và lấy nước đầu năm mới, lấy được càng nhiều nước thì năm ấy làm ăn càng thuận lợi, càng có nhiều của ăn của để. Thông thường, việc lấy nước sẽ do người đàn ông lớn tuổi nhất trong nhà thực hiện hoặc là nam giới trẻ, khỏe mạnh. Xưa, người dân dùng ống bương đi lấy nước, mỗi lần lấy nước phải đầy ống, bởi nếu bương nước mà vơi thì cả năm sẽ không được no đủ.
Người Dao Tiền có tục “cúng nhà ngoại” vào ngày mồng 2 Tết. Đây là dịp để gia chủ tưởng nhớ và báo đáp tới bố vợ, mẹ vợ đã mất, tỏ lòng biết ơn người đã sinh thành ra vợ mình. Mâm cơm cúng được bày biện những lễ vật như mâm cúng tổ tiên nhà nội, nhưng có một điểm khác là tổ chức lễ cúng ở một góc nhà. Rồi cả gia đình cùng liên hoan và ôn lại kỷ niệm về những người bên ngoại và chúc nhau năm mới.
Trong mâm cúng đất trời, gia tiên ngày Tết của đồng bào Dao Tiền không thể thiếu bánh chưng gù. Phụ nữ của gia đình sẽ đảm nhận việc gói bánh. Công đoạn chọn gạo, chọn lá và thịt rồi gói bánh được thực hiện công phu tỉ mỉ thể hiện sự khéo léo và lòng thành kính của người phụ nữ và của mỗi gia đình. Ngoài bánh chưng gù, người Dao Tiền ở đây còn làm thêm các loại bánh khác như bánh lẳng, bánh dày, bánh dợm… để ăn trong dịp Tết.
Buổi sáng đầu tiên của năm mới, sau khi chúc những người trong họ và hàng xóm láng giềng thì già trẻ, trai gái lại nô nức kéo nhau về nơi sinh hoạt cộng đồng, thường là bãi đất rộng, nay là nhà văn hóa thôn bản, để ca hát, nhảy múa, chơi các trò chơi truyền thống. Đây cũng chính là dịp để những chàng trai, cô gái Dao Tiền gặp gỡ, tìm hiểu rồi ướm lời nhau qua những bài hát tỏ tình, giao duyên. Đã có rất nhiều đôi nên nghĩa vợ chồng từ những buổi đi chơi xuân như thế.