Thật ra, nói Nguyễn Ngọc Tư hiền khô, nhưng kỳ thực, dạo này thấy chị... lém lỉnh và cũng... ghê gớm hơn nhiều so với ngày tôi gặp chị lần đầu tiên, khi chị xuất hiện trên văn đàn gần hai chục năm trước, như một ánh sáng lạ, rọi những tia sáng từ một chân trời khác. Ngọc Tư bảo, thì con người ta phải tiến hóa mà, phải thay đổi chứ, không lẽ mình cứ ngốc mãi vậy sao.
Có thể nói, cho đến nay Ngọc Tư vẫn là một cái tên đầy ẩn số, gợi cho người ta cảm giác về một người phụ nữ đầy nội lực. Chị như một khối, tảng nhiều lớp lang, nhiều tầng bậc, có bóc tách ra thì cũng khó cảm nhận hết được sự bí ẩn của con người ấy, câu chữ ấy, suy nghĩ ấy, giọng văn ấy. Những gì thuộc về Ngọc Tư, đều khó có thể đoán định được.
Tôi hỏi chị có thấy hạnh phúc không, có bất ngờ không, khi mà “đứa con” Cánh đồng bất tận mang lại cho chị lần này đến lượt khác các giải thưởng văn chương cả trong nước lẫn quốc tế? Ngọc Tư cười nhẹ, ngập ngừng một lúc: “Nói tôi bất ngờ quá thì không đúng, nhưng mỗi giải thưởng tới với tôi đều là một sự bất ngờ. Hai tháng trước, khi nhận tin báo, tôi nghĩ: Không phải là quá nhiều cho một cuốn sách rồi sao?... Niềm vui cũng hao hụt ít nhiều khi tôi nghĩ ôi đó là cuốn sách đã cũ rồi. Bởi vì tôi không dự thi, không tham gia vào cuộc đua tranh nào, nghĩa là mọi thứ đến mà không phải chờ đợi, toan tính trước. Vì vậy, tôi coi giải thưởng mới nhận được là một món quà. Giá trị của nhà văn không phải do anh chị ta nhận giải thưởng nào, cả thảy bao nhiêu. Đó chỉ là một cách nhìn nhận sự nghiệp của người viết”.
Ngọc Tư chia sẻ những điều căn cốt đưa chị đến với văn chương, với con đường mà có khi là duy nhất trong đời sống xa xôi tại mảnh đất Cà Mau với một cô bé Ngọc Tư thuở ấy, chỉ đơn thuần là một cô gái nông dân, bỏ dở học hành, ở nhà nấu cơm nuôi ông ngoại, chăm sóc vườn rau, chiều chiều cắt rau cho má đi bán chợ đêm. Chị chia sẻ: “Lúc tôi viết, tôi cố định lại hình dáng và tiếng nói của mình, lấy lại những màu sắc vốn có. Duy nhất, lúc đó, chỉ còn lời thì thầm... Hãy kể câu chuyện này. Hãy kể câu chuyện này. Bám riết, dẳng dai, nhưng lời thì thầm ấy đủ vang động để lay tôi dậy lúc nửa đêm, nằm với tôi cho tới khi trời sáng. Đôi khi, vì mải lắng nghe sự thôi thúc mãnh liệt đó, tôi đã văng ra khỏi cuộc trò chuyện với con mình, và tụi nhỏ đã quen với việc bà mẹ bỗng dưng xao lãng, không nghe thấy lời của chúng. Đi chợ về, tôi thường lạc đường, cho tới khi nhận ra đang ngược hướng nhà mình. Và tôi ngờ rằng những món ăn tôi nấu lên trong căn bếp mù khói đã không ngon bởi vì tôi chẳng trọn lòng để ý tiếng cơm sôi, tiếng con cá nứt mình ra trong nồi, mà mãi lắng tai nghe lời thì thầm ấy...”.
Ngọc Tư bảo, mỗi lần viết xong một cái truyện ngắn, một cái tản văn... đó cũng là khi chị viết xong câu chuyện của mình, chúng có thể vang động, gây choáng váng một vài giây phút nào đó, và làm chị quên mất những cái bóng vĩ đại trên đầu mình. Chị bảo: “Tôi tin người ta luôn có những câu chuyện giống nhau, cùng sở hữu một vốn từ ngữ gần như nhau, nhưng mỗi người sẽ có một cách kể của riêng mình, từ cách chạm vào đời sống, cách người ta đặt tấm gương đón nhận những hình ảnh phản chiếu của đời sống ấy, tái tạo bằng tài năng thiên bẩm, sự trắc ẩn và tinh tế. Hãy kể câu chuyện này ra, bởi bạn là nhà văn, đó là việc bạn phải làm, duy nhất. Và đó là thứ duy nhất làm nên một thế đứng kiêu hãnh, cho người viết”.
Cuộc sống ồn ã, xô bồ và đầy biến động dường như chẳng mảy may ảnh hưởng gì đến Nguyễn Ngọc Tư. Trong thế giới câu chữ, cũng như con người đời thường của chị, cứ rủ rỉ với một lối văn phong dung dị, ngôn ngữ truyện như được bê vào từ đời thường, như thể mình là người được chứng kiến đủ điều, từ đầu đến cuối và kể lại cho mọi người cùng nghe. Không có một lời phán xét nào mà như cứa vào tâm thức những nỗi niềm trắc ẩn. Văn của chị, lách sâu vào tầng vỉa là sự thấm thía, làm nên một đời sống khác bất tận, lạ kỳ như chưa được khám phá, như bị lãng quên hay bỏ rơi. Mảnh đất ấy, nếu tách chị ra khỏi nó, chị sẽ không thể sống nổi. Mảnh đất ấy đã cho chị nguồn cảm hứng không bao giờ cạn, nguồn cảm hứng từ con người, từ thiên nhiên, từ những phận người dân nghèo, từ cả một vùng nước lớn, nước rộng mênh mông. Dường như, chỉ có người biết lắng nghe âm vang từ sâu thẳm bên trong như Nguyễn Ngọc Tư mới có thể thấu hiểu được.
Ngọc Tư bảo: “Mỗi khi thấy tẻ nhạt đời sống này, tôi sẽ lặn vào những đời sống khác, trên trang viết. Tôi là một người trong tưởng tượng của mình, giả lập những tình huống và nỗi đau, để mà lăn lóc trong nó. Chẳng hạn tưởng tượng về miền Tây sẽ ra sao nếu trở thành vùng đất bị bỏ rơi, bị quên lãng. Không phải vì nó quá xa, mà qua rồi cái thời người ta sống chỉ cốt sao cho no bụng, người ta quý trọng hạt gạo, nên nhìn vựa lúa miền Tây với chút tình. Họ làm đường, xây cầu. Giờ thì họ ăn bánh mỳ cũng được. Nên cả một vùng đất bỗng vô hình, ngay khi nước biển chưa nhấn chìm nó...
Lâu rồi tôi học bày tỏ mình qua viết, kín đáo hay lộ liễu cũng tùy vào thể loại. Nhưng tôi vẫn đang ở đó, bạn sẽ nhìn thấy, nếu đọc tôi...”.