Những ngày xa xa ấy, hồn Việt nương dó Việt được duyên ở Đông Hồ. Đĩa mầu nguyên ánh ỏi từ tự nhiên, như thớ điệp trắng óng bạc của sò điệp, mầu vàng hòe từ hoa hòe, mầu đỏ vang từ cây gỗ vang, đỏ son từ sỏi son tán mịn, mầu xanh chàm từ lá chàm, mầu đen từ than lá tre hay than rơm ngâm kỹ. Rồi chỉ đĩa mầu thôi mà đã ánh sắc bức tranh quê ngọt ngào yếm thắm, mớ bảy mớ ba, thắt lưng bao xanh cho váy lĩnh “buông chùng cửa võng” (thơ Hoàng Cầm).
Từ một vài thế kỷ nay, nền cốt âm của văn hóa làng chỉ còn biết ngậm ngùi cư trú trong cõi vắng tinh thần của nhiều thế hệ nghệ sĩ. Ước vọng năm mới mang lời chúc lành qua tờ tranh xuân với Em bé ôm gà, Em bé ôm vịt, với Gà đàn, Lợn đàn cũng chỉ còn như ngọn gió ngũ sắc bất chợt đi về theo miền ký ức của bạn và tôi.
Tết này, lớp hậu sinh tưởng vọng danh họa Nguyễn Tư Nghiêm, “cây cầu” lớn bắc qua hai thế kỷ, cũng là cái gạch nối cuối cùng từ Mỹ thuật Đông Dương tới nghệ thuật đương đại. Những tranh con giống và con giáp của ông, năm nào cũng vậy, là tiếng gõ cửa thanh nhàn bên thềm xuân chúc phúc đồng nghiệp. Từ chiêm nghiệm âm dương ngũ hành, từ hai mươi bốn tiết khí trong năm để cảm nhận bốn mùa, tranh mười hai con giáp của ông là tiếng gọi xuân đẹp và lạ. Với mười hai cung khởi từ Tý (năm con Chuột) đến Hợi (năm con Lợn), ông vẽ ra những lá số Tử vi độc đáo, đọc vị con vật chủ của từng năm. An nhiên, ngọn bút giàu ngữ điệu của Nguyễn Tư Nghiêm bay múa, xuất thần, cuốn theo những vòng sóng siêu hình của kiếp trước, của luân hồi ẩn hiện trong trời đất, lúc sắc sắc, lúc không không. Vài năm cuối đời, trên tờ tranh con giống ông còn gọi xa, vẽ xa tới nhiều vòng lục thập hoa giáp của thế kỷ mới, như một cách thêm duyên, thêm tuổi cho mùa xuân cuộc đời của bất kỳ ai.
Những thập kỷ bản lề đang xoay cùng thế giới đang phẳng. Sứ mệnh lật trang mới đã sang vai và trong tay các nghệ sĩ trẻ khi Tết quê xưa và tranh Tết Đông Hồ vẫn miên viễn như gió Xuân bên cửa.