Những "mảnh ghép" quan trọng trong xây dựng cộng đồng người khuyết tật Việt Nam

NDO - Với chủ đề “Đoàn kết-Kỷ cương-Trí tuệ-Sáng tạo-Phát triển”, Đại hội đại biểu toàn quốc Liên hiệp hội về Người khuyết tật Việt Nam, nhiệm kỳ III (2023-2028) đã diễn ra tại Hà Nội, với sự tham gia của 150 đại biểu là hội viên, đại diện cộng đồng người khuyết tật từ khắp mọi miền đất nước.
0:00 / 0:00
0:00
Đại hội đại biểu toàn quốc Liên hiệp hội về Người khuyết tật Việt Nam, nhiệm kỳ III (2023-2028).
Đại hội đại biểu toàn quốc Liên hiệp hội về Người khuyết tật Việt Nam, nhiệm kỳ III (2023-2028).

Phát biểu tại đại hội, Nhà giáo nhân dân, Tiến sĩ Đặng Huỳnh Mai nhìn nhận, đại hội nhiệm kỳ III (2023-2028) là cơ hội để mọi người cùng chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm, tìm ra những giải pháp cụ thể, hướng dẫn phát triển bền vững trong xã hội.
Bên cạnh đó, đại hội cũng được lĩnh hội những ý kiến đóng góp quý báu của các diễn giả, chuyên gia thảo luận những vấn đề về liên quan như: giáo dục, việc làm, bảo hiểm đối với người khuyết tật.

Đại hội cũng là cơ hội để cộng đồng người khuyết tật thể hiện tinh thần đoàn kết và sự thấu hiểu lẫn nhau.

Mỗi thành viên đại diện cho những mảnh ghép quan trọng để xây dựng cộng đồng người khuyết tật ngày càng mạnh mẽ và đoàn kết, vượt qua khó khăn và chung tay xây dựng một tương lai tươi sáng.

Theo báo cáo tại đại hội, nhiệm kỳ II (2017-2022), qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội khóa II, đến hết năm 2022, công tác xây dựng tổ chức hội đã đạt được những kết quả tích cực, tổng số thành viên của Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam đã được kết nạp là 47 tổ chức, tăng thêm 8 thành viên so với năm 2018.

Liên hiệp hội cũng đã thành lập thêm 2 cơ quan trực thuộc là Viện Nghiên cứu Phát triển Cộng đồng tiền thân là Trung tâm Hành động vì sự phát triển cộng đồng (ACDC) và Viện Khoa học và Bổ trợ pháp lý.

Với chức năng nhiệm vụ của mình, Liên hiệp hội đã tích cực tham gia với các cơ quan: Ủy ban quốc gia về người khuyết tật; Ủy ban xã hội của Quốc hội, các bộ ngành như Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng; Bộ Lao động, Thương binh và xã hội, Bộ Y tế,… xây dựng, thúc đẩy, giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật liên quan đến người khuyết tật.

Trong quan hệ hợp tác quốc tế, Liên hiệp hội về Người khuyết tật Việt Nam là thành viên của mạng lưới người khuyết tật quốc tế, châu lục và trong khu vực.
Liên hiệp hội cùng các tổ chức thành viên, đơn vị trực thuộc là đối tác tin cậy của nhiều tổ chức quốc tế như: USAID, CBM, UNDP, UNICEF, DHF/PTU,…

Thông qua các chương trình để cùng phối hợp tổ chức nhiều hoạt động, dự án, phi dự án có ý nghĩa, mang lại giá trị lâu dài, bền vững đối với người khuyết tật. Qua 5 năm thực hiện các dự án với tổng nguồn kinh phí lên đến gần trăm tỷ đồng.

Phát biểu chỉ đạo đại hội, đồng chí Phạm Tất Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương nhấn mạnh, những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến người khuyết tật.
Chỉ thị 39 Ban Bí thư về công tác trợ giúp người khuyết tật. Nhất là, năm 2010 Quốc hội đã thông qua Luật Người khuyết tật. Cùng đó, Nhà nước đã bố trí các nguồn ngân sách để thực hiện các chính sách về người khuyết tật.

Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, còn có sự đóng góp to lớn của xã hội, các tổ chức trong và ngoài nước.

Để phát huy những thành tích đã đạt được, đồng thời khắc phục được những hạn chế trong hoạt động, đồng chí Phạm Tất Thắng nhấn mạnh, Liên hiệp hội về Người khuyết tật Việt Nam cần đáp ứng, thực hiện ngày càng tốt hơn vai trò là cầu nối giữa cộng đồng và người khuyết tật, vai trò là cánh tay nối dài của ngành Lao động, Thương binh và xã hội trong việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực hiện đúng chủ trương chính sách của Đảng, tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, Điều lệ của Liên hiệp hội… tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Hội cũng chú ý hơn nữa công tác phản biện xã hội, kịp thời phát hiện, tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước hoàn thiện hơn nữa hệ thống chính sách, pháp luật về người khuyết tật nói riêng và chính sách xã hội nói chung.

Những "mảnh ghép" quan trọng trong xây dựng cộng đồng người khuyết tật Việt Nam ảnh 1

Đồng chí Phạm Tất Thắng, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương phát biểu chỉ đạo.

Đồng thời, tăng hiệu quả công tác vận động nguồn lực xã hội nhiều hơn nữa để cùng với ngân sách nhà nước, trợ giúp tốt hơn nữa cho người khuyết tật; quan tâm hơn nữa công tác xây dựng, củng cố, phát triển tổ chức Hội, hội viên vì lợi ích của người khuyết tật; sáng tạo những phương thức, hình thức hoạt động mới, phù hợp với những yêu cầu, điều kiện mới, đáp ứng tốt hơn quyền, lợi ích chính đáng của người khuyết tật, trẻ mồ côi.

Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương đề nghị các bộ, ngành, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tiếp tục dành sự quan tâm đối với người yếu thế nói chung, các tổ chức cộng đồng người khuyết tật nói riêng, giúp người khuyết tật xây dựng cuộc sống ngày càng tốt hơn.

Đại hội đã tiến hành bầu 58 đại biểu vào Ban chấp hành nhiệm kỳ III (2023-2028), trong đó có 19 ủy viên vào Ban Thường vụ nhiệm kỳ III (2023-2028).
Nhà giáo Nhân dân, Tiến sỹ Đặng Huỳnh Mai, tái cử Chủ tịch Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam nhiệm kỳ III (2023-2028).

Mục tiêu đại hội nhiệm kỳ III đề ra: phấn đấu phát triển thêm 10 tổ chức hội thành viên; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho người khuyết tật; tổ chức ít nhất 2 sự kiện chào mừng/năm; tổ chức ít nhất 3 sự kiện tuyên dương người khuyết tật; tham gia ít nhất 1 đoàn kiểm tra giám sát/năm; tư vấn pháp luật và hỗ trợ pháp lý cho ít nhất 500 người; xây dựng Tạp chí điện tử Đồng hành Việt thành Tạp chí đa phương tiện; tổ chức ít nhất 1 hội thảo quốc tế; Phấn đấu thực hiện 3 dự án hỗ trợ/nâng cao năng lực cho người khuyết tật/năm; trở thành địa chỉ uy tín trong việc nghiên cứu các mô hình hỗ trợ cũng như cung cấp các dịch vụ hỗ trợ người khuyết tật...