Trong tổng số huy chương của Đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam, Đội tuyển Bơi đóng góp 28 HCV, 21 Huy chương bạc (HCB), 32 Huy chương đồng (HCĐ) phá 17 kỷ lục đại hội; Đội tuyển Điền kinh có 20 HCV, 19 HCB, 20 HCĐ; Đội tuyển Cử tạ: 10 HCV, 6 HCB, 6 HCĐ và Đội tuyển Cờ vua có 8 HCV, 11 HCB, 9 HCĐ... Từ thành tích nêu trên, có thể thấy việc các VĐV bơi lội, điền kinh, cử tạ được tuyển chọn và tập huấn dài hạn tại các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia trước khi thi đấu đã đem lại hiệu quả rõ rệt.
Với đặc thù riêng, các VĐV cờ vua người khuyết tật cũng đã được Liên đoàn Cờ Việt Nam và Tổng cục Thể dục-Thể thao bố trí tập huấn cùng các VĐV vốn là các đại kiện tướng và kiện tướng cờ vua quốc tế, cho nên đã gặt hái nhiều thành công. Thực tế này cho thấy việc tập huấn chuyên nghiệp là một trong những yếu tố quyết định thành công của các VĐV thể thao khuyết tật nói riêng và thể thao nói chung. Tại ASEAN Para Games lần này, thành tích của hai đoàn dẫn đầu là: Indonesia (158 HCV) và Thái Lan (126 HCV) hầu hết cũng giành được từ các VĐV chuyên nghiệp được tập huấn từ các chương trình đào tạo quốc gia.
Đối với các VĐV thể thao người khuyết tật Việt Nam, để theo đuổi sự nghiệp, duy trì tập luyện đều đặn và thi đấu đỉnh cao, đòi hỏi những nỗ lực rất lớn, đặc biệt là các VĐV nữ vốn phải bươn chải mưu sinh, rồi lo công việc gia đình, vượt qua những khiếm khuyết của bản thân để hội nhập cộng đồng, vừa phải vượt qua rất nhiều khó khăn để ổn định cuộc sống, dành thời gian tập luyện thể thao từ nghiệp dư đến chuyên nghiệp. Việc giành huy chương, thậm chí nhiều huy chương ở một kỳ đại hội chính là sự ghi nhận những nỗ lực của các VĐV, một điều đáng khâm phục và tự hào.
Tại ASEAN Para Games 12, trong những tấm gương nổi bật ấy, có thể kể đến thành tích giành 6 HCV của nam VĐV bơi lội Danh Hòa, bảy lần thi đấu đều có huy chương, cùng đó là thành tích giành 5 HCV, đồng thời phá một kỷ lục của VĐV Trịnh Thị Bích Như.
Nếu như thành tích của Danh Hòa rải khá đều trong các ngày thi đấu, thì Bích Như xuất sắc giành đến 3 HCV riêng trong ngày thi đấu 7/6. VĐV 38 tuổi Bích Như vốn sinh ra lành lặn, nhưng năm lên 3 tuổi bị ngã rồi lên cơn sốt cao, đôi chân của cô cứ dần teo tóp rồi thành bại liệt. Nhưng bằng nghị lực phi thường VĐV quê Kiên Giang này đã nỗ lực mưu sinh bằng nghề may trước khi trở thành VĐV bơi lội khi đã ở độ tuổi 25.
Hay như “kình ngư” Vi Thị Hằng, người đã giành 4 HCV (đồng thời 4 lần phá kỷ lục đại hội). Không may bị bại liệt từ nhỏ, song Vi Thị Hằng đã bền bỉ theo đuổi nghiệp thể thao. Từng thất bại ở các kỳ đại hội khu vực năm 2013 và 2015, Vi Thị Hằng vẫn kiên định tập luyện, nâng cao thành tích cá nhân để giành HCV từ đại hội năm 2017, và sau đó liên tiếp tỏa sáng ở hai kỳ đại hội 2022 và 2023.
Hay như người cầm cờ trong lễ khai mạc của Đoàn Thể thao Việt Nam Đỗ Thanh Hải cũng là tấm gương vượt khó. Tuy thành tích giành 3 HCV năm nay của Thanh Hải chưa ấn tượng bằng việc giành 5 HCV ở đại hội trước, song vẫn là nỗ lực đáng ghi nhận. HLV Nguyễn Đăng Viễn, người trực tiếp huấn luyện Thanh Hải những năm qua đã chia sẻ: “Hải có tố chất tốt và đặc biệt cực kỳ cần cù, bền bỉ, ý chí quyết tâm rất cao. Em chưa bao giờ bỏ dở giáo án, kể cả khi rất mệt vẫn cố gắng hoàn thành. Thế nên, thành công ngày hôm nay của em không phải bỗng dưng mà có”.
Trên sân điền kinh, VĐV Nguyễn Thị Hải đã giành 3 HCV ở các nội dung ném đĩa, ném lao và đẩy tạ giống như kỳ đại hội trước. Để có được thành công, với nghị lực phi thường, VĐV quê Nghệ An đã theo đuổi nghiệp thể thao bền bỉ trong hơn 10 năm qua để gặt hái những thành công ấn tượng ở hai kỳ đại hội liên tiếp. Ở đấu trường cam go này, VĐV Trịnh Công Luận ở tuổi 51 giành cú đúp HCV cả nội dung ném lao và ném đĩa hạng F56 là tấm gương để nhiều VĐV trẻ noi theo.
Việc giành HCV, phá kỷ lục đại hội ở tuổi 48 của đô cử Châu Hoàng Tuyết Loan được xem là một trong những VĐV xuất sắc nhất của thể thao người khuyết tật Việt Nam. Tuyết Loan bị bại liệt khi mới 4 tháng tuổi, chị luôn cố gắng vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống. Hơn 20 năm theo nghiệp thể thao, Tuyết Loan đã giành HCB châu Á, từng bốn lần dự Paralympic vào các năm 2008, 2012, 2016 và 2020, thống trị hạng cân 55kg nữ tại ASEAN Para Games suốt một thập kỷ qua.
Trong thành tích chung của đội tuyển cử tạ, những nỗ lực của Lê Văn Công tại đại hội cũng rất đáng trân trọng. Vinh dự được chọn là VĐV cầm cờ của Đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam trong lễ khai mạc ngày 3/6, nhưng do ngày 4/6 phải thi đấu, cho nên Lê Văn Công đã chủ động xin rút khỏi lễ khai mạc để có được thể lực tốt nhất bước vào thi đấu hôm sau và đã xuất sắc giành 2 HCV. Lê Văn Công là VĐV giàu thành tích nhất của thể thao người khuyết tật Việt Nam khi từng giành HCV Paralympic tại Rio (Brazil) năm 2016, HCB Paralympic 2020 tại Tokyo (Nhật Bản)...
Có thể nói, ASEAN Para Games 12-2023 là một kỳ đại hội thành công rực rỡ của Đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam. Cả tám đội tuyển của đoàn tham gia thi đấu đều giành huy chương. Đội tuyển Bóng bàn góp vào thành tích chung 2 HCB và 12 HCĐ; Đội Cầu lông giành 1 HCB, 1 HCĐ; Đội Boccia giành 1 HCV, Đội Judo giành 4 HCĐ. Đánh giá về thành tích của Đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam, Trưởng đoàn Nguyễn Hồng Minh cho biết: “Đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam đã hoàn thành vượt chỉ tiêu đặt ra trước ngày lên đường tham dự Đại hội. Về chỉ tiêu huy chương đã vượt và thứ hạng cũng đã vượt so với kỳ vọng của các vận động viên”.
Nước chủ nhà của ASEAN Para Games 12-2023 là Campuchia đã tổ chức kỳ đại hội thành công rực rỡ. Chia tay đại hội, các thành viên tham dự đại hội sẽ không thể quên những ấn tượng mà nước chủ nhà đã cố gắng hết mình để mang lại thành công.
Thông qua việc tổ chức thành công đại hội, hình ảnh đất nước và con người Campuchia đã lan tỏa thông điệp hòa bình, hữu nghị và hợp tác giữa các dân tộc trong đại gia đình Đông Nam Á. ASEAN Para Games đã và đang tạo cơ hội cho cộng đồng người khuyết tật gạt bỏ mặc cảm, hội nhập và nỗ lực vươn tới những tầm cao trong thể thao cũng như cuộc sống.