Những lỗ hổng tiêm chủng ở trẻ em

Tỷ lệ tiêm chủng trẻ em trên toàn cầu bị đình trệ trong năm 2023, khiến hàng triệu trẻ không được tiêm chủng đầy đủ so với trước đại dịch Covid-19. Những lỗ hổng tiêm chủng có thể dẫn đến bùng phát các dịch bệnh đối với thế hệ tương lai của thế giới.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cảnh báo có tổng cộng 67 triệu trẻ em không được tiêm vaccine đầy đủ; tỷ lệ bao phủ tiêm chủng sụt giảm tại 112 quốc gia trong ba năm, từ năm 2019 tới năm 2021. Giám đốc điều hành UNICEF Catherine Russell cho rằng, thực tế cho thấy chương trình tiêm chủng ở nhiều quốc gia vẫn bỏ qua quá nhiều trẻ em. Không chỉ tiến độ tiêm chủng bị đình trệ mà số lượng trẻ em không được tiêm bất kỳ mũi vaccine nào (còn gọi là “0 liều vaccine”) cũng tăng lên 14,5 triệu trẻ em vào năm ngoái, so với con số 13,9 triệu năm 2022 và 12,8 triệu năm 2019.

Như vậy, năm 2023 có thêm 2,7 triệu trẻ em không được tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đầy đủ so với mức trước đại dịch Covid-19. Ðiều đáng lo ngại là hơn một nửa số trẻ em không được tiêm chủng trên thế giới sống ở 31 quốc gia dễ bị tổn thương và bị ảnh hưởng do xung đột, nơi trẻ em rất dễ mắc các bệnh có thể phòng ngừa do thiếu tiếp cận với an ninh, dinh dưỡng và dịch vụ y tế. Giám đốc phụ trách vaccine của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Kate O’Brien nhấn mạnh, thực tế này đặt cuộc sống của những trẻ em dễ bị tổn thương nhất vào tình trạng nguy hiểm.

Theo số liệu do WHO và UNICEF công bố, năm 2023, có 84% trẻ em, tương đương 108 triệu trẻ, được tiêm ba liều vaccine phòng các bệnh bạch hầu, uốn ván và ho gà (DTP). Trên toàn thế giới có tới 6,5 triệu trẻ em không hoàn thành liều DTP thứ ba để được bảo vệ khỏi các bệnh này trong giai đoạn đầu đời. Ðây là điều đáng tiếc bởi liều DTP thứ ba là mốc cần thiết và quan trọng, tạo ra lớp “áo giáp” bảo vệ các em trước các bệnh nguy hiểm nêu trên. Tỷ lệ này không thay đổi so với năm trước, đồng nghĩa với những tiến bộ vốn được đánh giá là khá khiêm tốn đạt được trong năm 2022, sau khi tỷ lệ tiêm chủng sụt giảm mạnh trong thời kỳ đại dịch Covid-19, vẫn giậm chân tại chỗ. Trước đại dịch, vào năm 2019, tỷ lệ trẻ em được tiêm chủng ba mũi DTP là 86%.

WHO và UNICEF bày tỏ lo ngại về việc tiêm chủng vaccine ngừa sởi, một trong các bệnh truyền nhiễm nhất trên thế giới, bị chậm lại trong bối cảnh số lượng các đợt bùng phát trên toàn cầu tăng đột biến. Năm 2023, chỉ có 83% trẻ em trên toàn thế giới được tiêm vaccine phòng sởi đầu tiên thông qua các dịch vụ y tế thường xuyên, tương đương con số năm 2022 nhưng giảm so với tỷ lệ 86% trước đại dịch. Chỉ có 74% trẻ em được tiêm liều thứ hai, trong khi cần đạt được tỷ lệ bao phủ 95% để ngăn ngừa các đợt bùng phát.

Trưởng phòng tiêm chủng UNICEF Ephrem Lemango đánh giá, tỷ lệ vẫn quá thấp để ngăn ngừa các đợt bùng phát và đạt được các mục tiêu loại trừ bệnh. Ông chỉ ra rằng, năm 2023, hơn 300.000 ca mắc sởi được ghi nhận, gấp gần ba lần so với năm trước đó. Tổng cộng 103 quốc gia chứng kiến dịch sởi bùng phát trong 5 năm qua, với tỷ lệ bao phủ thấp dưới 80% được coi là nguyên nhân chính.

Ở chiều ngược lại, 91 quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng sởi cao không xảy ra các đợt bùng phát. Chuyên gia Lemango chỉ ra vấn đề đáng lo ngại là gần ba phần tư trẻ sơ sinh sống ở những nơi có nguy cơ bùng phát sởi cao nhất; đồng thời “điểm danh” 10 quốc gia chìm trong xung đột triền miên, trong đó đứng đầu là Sudan, Yemen và Afghanistan, có hơn một nửa số trẻ không được tiêm chủng phòng sởi.

UNICEF kêu gọi các chính phủ tăng cường cam kết về tăng nguồn lực tài chính cho công tác tiêm chủng và hợp tác với các bên liên quan để khai thác những nguồn lực sẵn có, khẩn trương thực hiện và đẩy nhanh các nỗ lực tiêm chủng để bảo vệ các mầm non tương lai của thế giới và ngăn ngừa các dịch bệnh bùng phát.