Thúc đẩy tiêm chủng vaccine để phòng bệnh cho trẻ em

Vaccine là một trong những thành tựu vĩ đại nhất của nhân loại. Trong vòng 50 năm qua, vaccine đã cứu sống gần 154 triệu người trên toàn cầu. Hưởng ứng Tuần lễ tiêm chủng thế giới (từ ngày 24-30/4), Bộ Y tế kêu gọi các bộ, ngành, địa phương và người dân “chung tay tiêm chủng phòng, chống dịch bệnh vì một Việt Nam khỏe mạnh”.
0:00 / 0:00
0:00
Tiêm chủng cho trẻ em tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: YẾN TRINH
Tiêm chủng cho trẻ em tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: YẾN TRINH

Chương trình tiêm chủng mở rộng toàn cầu do Tổ chức Y tế Thế giới khởi xướng, thành lập vào năm 1974 nhằm bảo đảm khả năng tiếp cận vaccine công bằng để bảo vệ, cứu sống trẻ em trên toàn cầu. Trong vòng 50 năm qua, vaccine đã cứu sống gần 154 triệu người trên toàn thế giới (tương đương với hơn 3 triệu người mỗi năm). Tuần lễ tiêm chủng thế giới là sáng kiến do Tổ chức Y tế Thế giới phát động vào tuần cuối cùng của tháng 4 hằng năm nhằm kêu gọi các quốc gia, tổ chức hành động cần thiết để trẻ em, cộng đồng được bảo vệ khỏi nguy cơ mắc và tử vong do các bệnh có thể phòng ngừa bằng vaccine, giúp họ sống hạnh phúc hơn, khỏe mạnh hơn.

Trong vòng 50 năm qua, vaccine đã cứu sống gần 154 triệu người trên toàn thế giới (tương đương với hơn 3 triệu người mỗi năm).

Tại Việt Nam, các loại vaccine thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng được cung cấp miễn phí cho trẻ em và phụ nữ đã bảo vệ hàng triệu trẻ em khỏi nhiều loại bệnh tật. Số trẻ em tử vong do các bệnh có thể phòng ngừa được bằng vaccine đã giảm đáng kể từ khi Việt Nam bắt đầu triển khai Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia (năm 1981) với mục tiêu bảo đảm rằng, tất cả trẻ em ở mọi miền đất nước đều được tiếp cận với vaccine phòng bệnh. Nhờ đó, hàng chục triệu trẻ em được tiêm chủng, góp phần quan trọng trong đạt thành quả thanh toán bệnh bại liệt (năm 2000); loại trừ uốn ván sơ sinh (năm 2005); giảm rõ rệt tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể phòng ngừa được bằng vaccine như: sởi, bạch hầu, ho gà và viêm não Nhật Bản...

Tiêm chủng là cách an toàn và hiệu quả nhất để bảo vệ trẻ em chống lại nhiều căn bệnh chết người có thể phòng ngừa được. Tuy nhiên, cũng như nhiều quốc gia khác, dịch vụ tiêm chủng thường xuyên ở Việt Nam đã bị gián đoạn do đại dịch Covid-19. Nhiều trẻ em không được tiêm chủng có nguy cơ cao mắc các bệnh.

Ngoài ra, khi số lượng lớn trẻ em không được tiêm chủng có thể dẫn đến bùng phát các dịch bệnh có thể phòng ngừa được bằng vaccine. Những nguy cơ này đang đe dọa tới những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong việc giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em trong vài thập kỷ qua. Chính vì vậy cần hành động quyết liệt từ Chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương để bảo đảm rằng, các loại vaccine thiết yếu sẽ được cung ứng kịp thời để tiêm phòng cho trẻ em.

Bà Rana Flowers, Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam đánh giá: Chương trình tiêm chủng mở rộng của Việt Nam đã góp phần cứu sống trẻ em và giảm bớt tác động tàn khốc của những loại bệnh có thể phòng ngừa được bằng vaccine đối với gia đình, cộng đồng và đất nước trong hơn 40 năm qua. Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc khuyến khích Chính phủ Việt Nam duy trì thành tựu to lớn này để mọi trẻ em đều có cơ hội sống sót, phát triển và có một cuộc sống khỏe mạnh.

Chương trình tiêm chủng mở rộng của Việt Nam đã góp phần cứu sống trẻ em và giảm bớt tác động tàn khốc của những loại bệnh có thể phòng ngừa được bằng vaccine đối với gia đình, cộng đồng và đất nước trong hơn 40 năm qua. Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc khuyến khích Chính phủ Việt Nam duy trì thành tựu to lớn này để mọi trẻ em đều có cơ hội sống sót, phát triển và có một cuộc sống khỏe mạnh.

Bà Rana Flowers, Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam

Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam khẳng định: Thành công của Việt Nam trong việc loại trừ một số bệnh và giảm đáng kể tỷ lệ mắc các bệnh có thể phòng ngừa được bằng vaccine cho thấy sức mạnh của tiêm chủng. Những kết quả này là thành quả từ sự chỉ đạo của Chính phủ cùng với sự hợp tác mạnh mẽ của các nhân viên y tế từ mọi miền đất nước, các đối tác địa phương, tổ chức cộng đồng, lãnh đạo và cộng đồng tại địa phương, các đối tác phát triển quốc tế, nhà tài trợ và các nhà khoa học trong nhiều năm liền. Tuy nhiên, những thành tựu đang bị đe dọa, chúng ta cần nhanh chóng hành động để thu hẹp khoảng trống miễn dịch và bảo đảm rằng, vaccine cứu mạng sống có thể đến với tất cả trẻ em ở mọi miền đất nước, hôm nay và trong tương lai.

Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Hoàng Minh Đức cho biết: Tuần lễ tiêm chủng năm 2024 diễn ra từ ngày 24 đến 30/4 cùng với thời điểm kỷ niệm 50 năm thành lập Chương trình tiêm chủng mở rộng toàn cầu. Đây là dịp để tôn vinh thành tựu của tiêm chủng, nêu bật tác động của chương trình trong cứu sống, bảo vệ sức khỏe con người, thúc đẩy sáng kiến đổi mới nhằm tăng cường công tác tiêm chủng quan trọng này. Tuy nhiên, giai đoạn 2020-2023 vừa qua tỷ lệ tiêm chủng vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng chưa đạt theo kế hoạch do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và khó khăn trong cung ứng vaccine, làm gia tăng nguy cơ bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm trên diện rộng.

Để nâng cao nhận thức của cộng đồng về lợi ích của tiêm chủng, huy động nguồn lực đầu tư của chính quyền, đoàn thể, các tổ chức, Bộ Y tế đề nghị ngành y tế các địa phương tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan triển khai hoặc lồng ghép triển khai các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ tiêm chủng thế giới năm 2024 với thông điệp “chung tay tiêm chủng phòng, chống dịch bệnh vì một Việt Nam khỏe mạnh”; chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng tăng cường tiêm bù, tiêm vét cho các đối tượng chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ; tiếp tục tổ chức tiêm chủng thường xuyên bảo đảm đạt tỷ lệ, an toàn, hiệu quả.